Công Phượng được mời sang Nhật: Chân trời mới đã mở
Có phần muộn nhưng không quá muộn khi bầu Đức quyết định để Công Phượng sang Nhật đá cho một đội J-League 2 (tương đương giải hạng nhất Việt Nam) để tiếp tục phát triển tài năng…
Phải nói rằng, bầu Đức đã rất cầu tiến, sai và biết sửa sai. Ở đây chúng ta chỉ nói về chuyên môn của một lứa trẻ của học viện mới tuổi 19, đôi mươi mà cả một tập thể lại ra đương đầu với giải cao nhất của quốc gia. Chuyện mà trên thế giới này chỉ có mỗi bầu Đức đã làm. Bầu Đức có thể có mục tiêu khác khi đưa lứa học viện ra đá, lại chấp Tây, chấp tuổi quá sâu ở sân chơi V- League để được những cái khác, nhưng về chuyên môn là đã quá sai lầm. Nhưng ông đã thức tỉnh và như thế Công Phượng sẽ được đến với một nền bóng đá hàng đầu châu lục, chơi bên cạnh những đàn anh và ra sân ít bị áp lực, được những đàn anh dìu dắt và tài năng Công Phượng sẽ tiếp tục bay bổng.
Nhiều người nhìn nhận lứa Công Phượng mà đá mùa V-League 2016 sẽ rất đáng gờm, nhưng chưa hẳn thế. Vẫn thành phần đó, vẫn kiểu tuyển ngoại binh… chơi như tây ba lô đó thì mùa tới chẳng hứa hẹn gì lứa Công Phượng và những người bạn sẽ đáng gờm hay thành công. Hầu hết các CLB trên thế giới khi một lứa trẻ ra đời cần vào sân chơi người lớn thì nhà cầm quân, chỉ đôn lên cao lắm là hai đến ba gương mặt, còn lại cho các đội khác mượn và HLV chỉ dùng ở mức độ vừa phải để dần dần tiếp cận, làm quen với áp lực và sự nghiệt ngã của giải đấu, chứ chẳng ai làm như HA Gia Lai mùa 2015 vừa qua. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì “Công Phượng và những người bạn” sẽ còn thui chột chứ chẳng phát triển được gì vì áp lực quá lớn, họ lại chẳng học hỏi được gì ngoài sự khốc liệt mà ở lứa tuổi của Phượng tiếp cận một cách quá chóng vánh và sốc.
Công Phượng sẽ được sang thi đấu ở J-League 2
Và nếu như Công Phượng được sang đầu quân cho một đội J-League 2, cũng giống như Công Vnh trước đây, các HLV sẽ quan sát, theo dõi về chuyên môn, nhãn quan chiến thuật, sức mạnh của một cầu thủ đến từ nền bóng đá thấp (rất thấp) như Việt Nam so với Nhật để họ có cách dùng hợp lý, tiếp tục đào tạo cùng việc tung ra sân ở những trận, giải đấu và thời điểm thích hợp để cầu thủ tiếp tục phát triển và trưởng thành nhiều mặt.
Ngay sau khi mùa giải kết thúc, chính Công Phượng đã nhận xét rằng, V-League quá nghiệt. Thật vậy, lứa của Công Phượng và bản thân Công Phượng khi bước vào đấu trường V-League đã chịu áp lực quá nặng từ nhiều tất cả các hướng. Dư luận săm soi không bỏ qua chi tiết nhỏ nhặt nào với Công Phượng. Tất cả các đội đều chơi hơn 200% sức lực khi đối đầu với “Công Phượng và những người bạn”, bản thân Công Phượng lại chịu áp lực phải ghi bàn và ghi bàn đẹp như những cú “solo” và ghi bàn vào lưới U-19 Úc vậy…
Và ngược lại Phượng sẽ rất ít bị áp lực nếu chơi trong đội HA Gia Lai cùng những người đàn anh dìu dắt và bản thân Phượng không chịu bất kỳ áp lực nào.
Bản lĩnh như những cầu phương Tây, nhưng khi mới ra lò thì họ được đôn lên đội 1, chủ yếu là dự bị rồi được tung vào sân ở những thời điểm thích hợp, giải đấu ít quan trọng hơn và đặc biệt là chơi bên cạnh những đàn anh để phát triển. Còn Công Phượng mùa V-League thì ngược lại.
Đến với J-League nhất định những nhà cầm quân Nhật sẽ biết cách dùng Phượng để cầu thủ này có điều kiện tiếp tục phát triển tài năng của mình.