Công Phượng đá chính 2 trận vẫn tịt ngòi: Gặp khó vì "Mourinho Na Uy"?
2 trận liên tục đá chính, tuy nhiên Công Phượng vẫn chưa thể hiện được nhiều điều. Vấn đề ở chỗ, với lối chơi hiện tại thì khó lòng để ngôi sao của ĐT Việt Nam tỏa sáng.
Video GĐĐH của Incheon nói về tương lai của Công Phượng (nguồn Onsport):
Thực trạng buồn của Công Phượng và Incheon
Incheon United vừa nhận thất bại 0-2 trên sân của Jeonbuk Motors. Đáng nói hơn, đây đã là thất bại thứ 4 liên tiếp của Incheon. Giờ đây đội bóng của Công Phượng đang đứng áp chót, có 4 điểm sau 6 trận, hơn đội bét bảng Jeju United 1 điểm nhưng lại đá nhiều hơn 1 trận. Vì thế, nếu Jeju thắng ở vòng đấu này, Incheon sẽ rơi xuống bét bảng.
Công Phượng tiếp tục tịt ngòi
Đây là trận thứ hai liên tiếp Nguyễn Công Phượng có tên trong đội hình xuất phát của Incheon United ở K-League 2019. Cũng giống như khi đối đầu Daegu, Công Phượng chơi đầy nỗ lực trước Jeonbuk Motors. Nhưng tiếc rằng cầu thủ đang khoác áo Incheon dưới dạng cho mượn từ HAGL vẫn chưa để lại dấu ấn cá nhân. Anh bị thay ra ở phút 76, khi đội nhà đang bị dẫn 2 bàn.
Hơn ai hết, HLV của Incheon United - ông Jorn Andersen hiểu rằng mình đang sở hữu một tiền đạo giàu sức sáng tạo. Vậy nhưng, điều đó không phải sự đảm bảo cho khả năng tỏa sáng của Công Phượng. Vấn đề ở chỗ, lối chơi hiện tại của Incheon khó lòng tạo cơ hội cho Công Phượng có thể để lại dấu ấn cá nhân.
Đội bóng này tập trung vào bài tạt cánh đánh đầu, nỗ lực phòng ngự chặt rồi tìm kiếm cơ hội thông qua những tình huống bóng dài. Họ chờ đợi khả năng làm tường và độc lập tức chiến của tiền đạo Yong-Joon Heo - người có chiều cao 1m84. Trong thế trận ấy, Công Phượng - với chiều cao 1m68, làm sao có thể tỏa sáng trong lối chơi chung?
Có một Jose Mourinho ở Incheon
Để hiểu rõ căn nguyên vấn đề, cần nhìn vào xuyên suốt sự nghiệp của HLV Jorn Andersen. Xuất thân là một tiền đạo, từng chơi cho nhiều đội bóng ở Đức, từng là Vua phá lưới giải Bundesliga 1990, Vua phá lưới Na Uy 1985, nên có thể kỳ vọng rằng ông Andersen sẽ là điểm tựa cho tài năng của Công Phượng cất cánh.
HLV Andersen từng bị sa thải chỉ sau 24 ngày nhậm chức
Tiếc rằng trong sự nghiệp cầm quân, HLV Jorn Andersen lại không phải người sẵn sàng tạo cơ chế cho các tiền đạo có cơ hội để thể hiện năng lực bản thân. Với ông Andersen, luôn có một “ê-kíp”, một bộ khung mà ông tuyệt đối tin tưởng. Nhưng cũng bởi thế, nó đôi khi trở thành con dao hai lưỡi.
Ngày 17/12/2010, HLV Jorn Andersen được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng CLB Larissa của Hy Lạp. Chỉ sau 24 ngày tại vị, ông Andersen bị sa thải. CLB Larissa thua liền 3 trận ở giải vô địch quốc gia Hy Lạp, bị loại ở tất cả các đấu trường cúp khác. Tệ hơn hết, thua liểng xiểng như vậy, đội bóng này còn không ghi nổi dù chỉ 1 bàn, và hàng công tệ hại chính là mấu chốt của vấn đề.
Quay trở lại Incheon United. Ở trận ra quân gặp Jeju United, tiền đạo Stefan Mugosa - người đá chính và trọn vẹn 90 phút trận này, ghi 1 bàn thắng trên chấm penalty ở phút 61. Trước và sau đó, Mugosa hoàn toàn “tắt điện”. Vậy nhưng vẫn không có cơ hội nào cho Công Phượng.
Ví von một chút, nó giống như việc các cầu thủ tấn công của MU dưới thời hai HLV Jose Mourinho và Ole Gunnar Solskjaer vậy. Vẫn là Pogba, Rashford, Lukaku... nhưng nếu được tạo cơ hội ra sân, được tin tưởng với “Solsa” thì tỏa sáng, còn với Mourinho thì không. Tình cảnh ấy có thể giống với Công Phượng, bởi ở Incheon United đang có một Jorn Andersen thiếu biến hóa về mặt chiến thuật, một "Mourinho phiên bản Na Uy".
Nguyễn Công Phượng chỉ ra mắt NHM Incheon United ở phút 90+6 một cách thất vọng.