Công Phượng: Cần thay đổi lối chơi
Nhiều người chờ xem Công Phượng có thể nguy hiểm như thế nào nếu anh sử dụng đúng lúc, đúng chỗ khả năng của mình.
Cuối năm 2013, bầu Đức cho trình làng lứa quân đầu tiên của lò Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal-JMG thông qua giải U19 Đông Nam Á diễn ra ở Indonesia. Rất nhanh chóng, U19 Việt Nam mà thực chất nòng cốt là “quân của bầu Đức” chiếm được cảm tình của người hâm mộ với lối chơi tấn công đẹp mắt, quyến rũ và đặc biệt hiệu quả.
Công Phượng (số 16) đi bóng khá tự tin giữa vòng vây các cầu thủ Syria trong trận giao hữu mới đây của ĐT Việt Nam
Bảy năm ăn tập, được rèn luyện theo giáo trình huấn luyện của Arsenal đã giúp đội bóng này xây dựng được một lối chơi đặc trưng, thoáng nhìn đã nhận thấy sự khác biệt so với các CLB khác.
Trong 2 năm kể từ thời điểm trên, U19 HA.GL trở thành 1 “thương hiệu” lôi cuốn sự đam mê của các CĐV Việt Nam. Trong số những gương mặt đình đám của HA.GL như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy…, Công Phượng chính là gương mặt nổi bật, nói theo thuật ngữ truyền thông là “hot” nhất.
Tiền đạo gốc Nghệ ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ với lối chơi kỹ thuật, khả năng rê dắt bóc tốc độ và kết thúc hoàn hảo. Giới mộ điệu từng ngất ngây với các pha ghi bàn của Công Phượng, từ giải U19 Đông Nam Á 2014 đến U19 Đông Nam Á mở rộng 2014… HA.GL và Công Phượng trở thành thần tượng của đông đảo các CĐV, cả trẻ lẫn già.
V-League 2015, bầu Đức bỏ gần hết lứa cầu thủ cũ, “đôn” toàn bộ quân số đợt đầu của Học viện lên thi đấu tại V.League. Quyết định của ông Đức đã khiến giới chuyên môn đa số phải bất ngờ. Cũng từ thời điểm này, người ta thấy Công Phượng thể hiện một bộ mặt khác, gánh nhiều sức ép hơn nhiều so với giai đoạn trước đó.
Sau trận đầu tiên bùng nổ với 2 bàn thắng vào lưới Sanna Khánh Hoà, Công Phượng mờ dần và im tiếng trong phần lớn mùa giải. So với các đồng đội ở HA.GL như Xuân Trường, Văn Toàn và đặc biệt là Tuấn Anh, đa số giới chuyên gia nhận định, tốc độ phát triển của Công Phượng dường như chậm hơn. HLV Nguyễn Quốc Tuấn của HA.GL cũng thừa nhận điều này.
Ông Tuấn từng có lần công khai cho rằng, Công Phượng cần có sự cải thiện tích cực hơn, mà chủ yếu là ở lối chơi. Đây thực chất là sự nhắc lại ý kiến của ông thầy dạy Công Phượng từ khi mới vào lò HA.GL là HLV Guillaume Graechen.
Tốc độ tốt, kỹ thuật cao, nhưng lối chơi thỉnh thoảng ham rê dắt và rườm rà đã khiến Công Phượng không phát huy được hiệu quả. Có vẻ như rào cản về tư duy chơi bóng đã khiến Công Phượng, dù chơi rất hay ở các giải trẻ, nhưng lại không thể toả sáng khi phải “bơi” ở các giải đấu lớn. Điều này phần nào lý giải cho việc, anh được HLV Toshiya Miura trọng dụng cho các lứa U như Vòng loại U23 châu Á hay SEA Games 2015, nhưng nhiều lần gần như bị gạt hoàn toàn khỏi kế hoạch của ĐTQG.
Cuối năm 2015, Công Phượng được bầu Đức cho đầu quân ở CLB Mito Hollyhock (Nhật Bản) để học việc. Sau khi bị hụt ĐTQG trong lần tập trung đầu tiên dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng hồi tháng 3 vừa qua, Công Phượng đã có tên trong danh sách triệu tập lần này.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách anh chơi bóng ở trận đấu của Việt Nam với Syria hôm 31/5, có thể thấy Công Phượng không có nhiều sự thay đổi về lối. Được HLV Hữu Thắng đưa vào sân thay “đàn anh” Văn Quyết từ phút 61, dấu ấn Công Phượng tạo nên là không thực sự nổi bật. So với Công Phượng, màn trình diễn của những đồng đội như Tuấn Anh, Xuân Trường sắc nét hơn rất nhiều.
Công Phượng có những tố chất đặc biệt, khả năng bùng nổ trong những trận đấu quan trọng của một ngôi sao. Thực tế cho đến thời điểm hiện tại, dù không còn gây sốt như trước, nhưng Công Phượng vẫn là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của dân chuyên môn và cả giới mộ điệu.
Cái cần của tiền đạo đang đầu quân cho Mito Hollyhock, như quan điểm của chính những ông thầy cũ, từ Guillaume Graechen đến Nguyễn Quốc Tuấn hay giới chuyên gia, chỉ là sự thay đổi mạnh mẽ hơn trong lối chơi. Công Phượng sẽ thực sự trở nên nguy hiểm nếu biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ tốc độ, kỹ thuật và kỹ năng kết thúc của mình.