Công nghệ VAR “kẻ” giải oan cho Việt Nam, nhưng giúp Nhật ghi bàn, được ứng dụng thế nào?
Từng được thử nghiệm ở Châu Âu, nhưng công nghệ VAR chỉ thực sự biết đến khi được áp dụng tại World Cup 2018, thầy trò HLV Park Hang-Seo và các tuyển thủ Nhật Bản chính là những người đầu tiên trải nghiệm công nghệ mới này tại Asian Cup 2019.
VAR là từ viết tắt của Video Assistant Referee, trợ lý trọng tài qua video. Đây là công nghệ tiên tiến nhất được sử dụng trong bóng đá, đóng vai trò như một trọng tài chuyên nghiệp theo dõi trận đấu thông qua màn hình tivi ở một vị trí khác với nhiều góc camera khác nhau theo ý của mình.
Hệ thống camera sẽ được lắp đặt quanh sân hoặc trên cao khán đài để ghi lại các tình huống trong trận đấu. Khi trái bóng vẫn đang lăn trên sân, các trợ lý trọng tài ngồi cách xa sân vận động sẽ xem video quay chậm các tình huống vừa diễn ra.
Tình huống trọng tài từ chối công nhận bàn thắng của đội tuyển Nhật Bản sau khi xem lại hình ảnh nhờ công nghệ VAR tại trận đầu tiên của vòng tứ kết Asian Cup 2019, diễn ra tối 24/1.
Theo quy định, VAR chỉ hỗ trợ trọng tài với các tình huống liên quan tới: bàn thắng hay không bàn thắng, phạt đền hay không phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và lỗi nhận diện sai (của trọng tài).
Trọng tài chính điều hành trận đấu sẽ được kết nối thông tin với trọng tài video thông qua tai nghe, sau đó sẽ sử dụng ký hiệu bằng cách vẽ một hình chữ nhật để yêu cầu xem lại tình huống.
VAR chỉ có ý nghĩa giúp trọng tài nhìn nhận, đánh giá lại tình huống, và trọng tài vẫn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Công nghệ VAR bắt đầu được áp dụng tại Asian Cup 2019 từ vòng tứ kết. Chính vì vậy, thầy trò HLV Park Hang-Seo và các tuyển thủ Nhật Bản chính là những người đầu tiên trải nghiệm công nghệ mới này tại Asian Cup 2019.
Tuyển Việt Nam được AFC hướng dẫn cụ thể những vấn đề liên quan tới công nghệ VAR (Hình minh hoạ).
Dù công nghệ VAR được cho là cứu tinh cho đội tuyển Việt Nam ở hiệp 1 trận đấu đầu tiên trong vòng tứ kết với Nhật Bản, diễn ra tối ngày 24/1, tại ASIAN CUP 2019, khi trọng tài huỷ kết quả ghi bàn của đội tuyển Nhật Bản ở phút thứ 26. Nhưng cũng sau đó, ở hiệp hai của trận đấu, VAR lại giúp Nhật ghi bàn nhờ quyết định xem lại hình ảnh của trọng tài, và sau đó cho phép đội tuyển Nhật được hưởng cú sút phạt penalty. Nhờ bàn thắng này đội tuyển Nhật Bản đã giành vé tiếp tục đi tiếp, còn đội tuyển Việt Nam phải chia tay Asian Cup 2019 dù đã có màn trình diễn ấn tượng.
Trước khi được áp dụng ở Asian Cup 2019, VAR đã được sử dụng thử nghiệm tại Anh và một vài trận đấu của Đức, Ý trước khi được áp dụng chính thức tại World Cup 2018. Đây cũng là lần đầu tiên VAR được sử dụng trong một kỳ World Cup. Trước đó, công nghệ goal line lần đầu được FIFA áp dụng tại Worldcup 2014.
Theo thống kê của SkySports, với sự hiện diện của VAR, giải đấu tổ chức tại Nga là mùa World Cup 2018 đạt kỷ lục về penalty cũng như có tỷ lệ ghi bàn cao nhất từ các tình huống cố định.Cụ thể, trong số 64 trận đấu có tổng cộng 22 quả penalty được thực hiện, trong khi kỷ lục trước đó chỉ là 18 trong các năm 1990, 1998 và 2002.
Công nghệ VAR và tình huống thổi phạt 11m của trọng tài trở thành chủ đề tranh cãi.