Cơn gió lạ mang tên Toshiya Miura
Ẩn sau vẻ ngoài thư sinh, mang đậm nét của một ông giáo hơn là một HLV, ông Toshiya Miura lại đem đến cho Việt Nam thứ bóng đá đầy kỷ luật và khoa học của người Nhật.
Ông Miura cũng thường đồng hành cùng học trò. Về tốc độ thì ông Miura chịu thua, nhưng sức bền thì nhiều cầu thủ phải nể thầy.
Dung dị đời thường, kỷ luật trong sân
Trong sinh hoạt hằng ngày, HLV Toshiya Miura tỏ ra rất tâm lý, khi chủ động làm quen, trò chuyện để nắm bắt tâm lý, cá tính của các học trò. Ông Miura cũng không quên những vấn đề đời thường, từ sinh nhật hay chuyện thăm nom cầu thủ lúc ốm đau, chấn thương. Tuy nhiên, trong huấn luyện và thi đấu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Chân dung HLV vừa dễ mà cũng vừa khó của đội tuyển U23 Việt Nam
Không hổ danh đến từ nền bóng đá trọng thể lực như Nhật Bản, ông Miura đặc biệt coi trọng việc rèn thể lực cho các tuyển thủ. Đây thực tế cũng chính là điểm yếu của bóng đá Việt Nam. Khối lượng vận động trong các buổi tập của đội tuyển Việt Nam luôn được đẩy tối đa.
Đã có thời điểm, nhiều tờ báo đặt vấn đề về kiểu huấn luyện “hành xác” của ông Miura, khi lo ngại cầu thủ bị chấn thương tăng nặng. Thế nhưng thực tế chiến đấu sau đấy của các đội tuyển do ông Miura dẫn dắt lại thể hiện một bộ mặt rất khác. Bảy tháng sau khi cầm quân, thể lực của các học trò ông Miura đã tăng đáng kể.
Từ ASIAN Games 17 đến AFF cup 2014, các cầu thủ Việt Nam luôn chiến đấu với nền tảng thể lực sung mãn, khí thế hừng hực. Bóng đá Việt Nam tại ASIAN Games 17 đã gây ấn tượng mạnh khi chiến thắng nhiều đối thủ lớn, tạo nên cột mốc lịch sử mới.
Phương pháp tăng cường thể lực cho các cầu thủ của ông Miura được nhắc đến nhiều là ngâm nước đá. Với cách này, các cầu thủ cho biết sức khỏe đã được hồi phục nhanh chóng, khả năng chịu đựng cũng cải thiện đáng kể trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điểm lạ nhất có lẽ là cách… trị chấn thương của người Nhật.
Thường các cầu thủ khi bị chấn thương sẽ được nghỉ ngơi, không phải tham gia tập nặng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cầu thủ đang chấn thương vẫn bị yêu cầu tập “phát sốt phát rét”. Chuyện có vẻ ngược đời nhưng lại đem lại hiệu quả tích cực. Sau này thì trợ lý người Nhật của ông Miura giải thích, chấn thương có nhiều loại và một số trong đó nếu tập luyện tích cực thì có thể có ích cho việc chữa trị.
Đã biết tiếng của người Nhật, các tuyển thủ khi tập luyện dưới sự chỉ đạo của ông Miura cũng tuân thủ tuyệt đối kỷ luật đội. Ở thời điểm AFF cup 2014 vào cuộc, ông Miura thực hiện “thiết quân luật” và gần như mọi thứ được đảm bảo tuyệt đối. Giới truyền thông có lúc cũng phát cáu vì cái sự “ít nói” của ông Miura, nhưng rốt cuộc đều chia sẻ vì hiểu mục đích của ông Miura hướng tới là chiến thắng cho tuyển Việt Nam.
Nhiều người cũng nể ông Miura ở chuyện đứng ra gánh trách nhiệm thay cho VFF. Ngay buổi đầu ra mắt, ông Miura đã thẳng thắn tuyên bố sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tiên đối với tuyển Việt Nam, lỡ khi đội thất bại. Nói sao làm vậy, AFF cup 2014 có lẽ là giải đấu VFF ít bị chỉ trích nhất, khi phần chuyên môn được ông Miura phân định và nhận trách nhiệm hoàn toàn.
Từ những tập thể không nhận được nhiều yêu mến và sự tin tưởng, các đội Olympic và ĐTQG trong tay ông Miura lần lượt gây ấn tượng, và ngày càng chiếm được nhiều sự tin yêu của giới mộ điệu.
SEA Games 2015, có lẽ đang rất nhiều người mong muốn được thấy ông Miura dẫn dắt tuyển U23 chinh chiến ở Singapore.