[Longform] Cô gái vàng Tuyết Dung, từ tuổi thơ gian khổ, tới bí mật đá phạt góc thành bàn
Tuyết Dung có thể chọn 1 cuộc sống dễ dàng hơn nhưng cô đã không làm như vậy.
“Thường thì các cầu thủ Premier League khi đá phạt góc đều nhắm đến vị trí ai đó có thể đánh đầu. Có lẽ họ nên học hỏi Nguyễn Thị Tuyết Dung, ngôi sao nữ Việt Nam, người đã ghi không phải một mà tới hai quả phạt góc trong chiến thắng 7-0 trước Malaysia. Đáng kinh ngạc hơn, cô ấy đã làm điều đó bằng cả hai chân. Ngay cả Lionel Messi cũng không dễ dàng ghi bàn bằng chân phải…”
Một trang web của Anh đã viết những dòng đầy thán phục như vậy trước tài đá phạt góc tuyệt đỉnh của Tuyết Dung ở AFF Cup 2015, điều mà cô tái hiện thêm lần nữa trong trận đấu với Myanmar tại Asian Cup 2022. Tờ Mirror thì bình luận rằng “sự phấn khích trước một bàn thắng từ phạt góc giống như khi người ta phát hiện động vật quý hiếm ở thiên nhiên hoang dã, vậy mà Tuyết Dung lại tạo nên điều hiếm có ấy tới hai lần trong một trận”.
Tuy nhiên có một người không mấy bất ngờ. Chính là ông Nguyễn Đức Tiếp, bố của Tuyết Dung. Thậm chí chính ông khuyến khích con tạo ra điều gì đó đặc biệt trước trận đấu với Malaysia.
“Khi còn trong quân ngũ và chơi cho đội bóng của sư đoàn, tôi từng ghi bàn từ chấm phạt góc. Vì vậy tôi cũng đã hướng dẫn Dung kỹ thuật đó, làm thế nào để tạo nên lực đạo đủ mạnh và quỹ đạo đủ cong để đưa trái bóng vọt qua tay thủ môn vào lưới”, ông Tiếp nói với tôi trong cuộc gặp gỡ tại nhà ngày 20/02, “Nhưng tôi cũng nói với Dung, chỉ khi nào tâm lý thật thoải mái mới nghĩ đến chuyện sút thẳng. Để ghi bàn, không những đòi hỏi kỹ thuật cao mà tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng”.
Suốt thời trai trẻ, bóng đá là niềm đam mê của ông Tiếp. Đến bây giờ ông vẫn tự hào về biệt danh “Nghệ sỹ sân cỏ” mà đồng đội đặt cho, về những bàn thắng từng ghi cho sư đoàn, hay đội bóng huyện khi đã giải ngũ.
Những buổi theo chân bố tới sân bóng cùng nhiều đêm thức cùng bố xem các trận đấu trên TV khiến tình yêu với bóng đá lớn dần trong Dung. Một cô bé 5, 6 tuổi lại không thích mua sắm quần áo, chỉ đòi mua bóng. Phim ảnh cũng không hấp dẫn Dung. Thứ duy nhất khiến Dung dán mắt vào TV là bóng đá.
Tan học Dung cũng không về nhà ngay mà ở lại đá bóng cùng đám con trai, sau đó về nhà với đôi chân lấm lem và bầm tím. Những trận đòn của mẹ cũng không thể ngăn được Dung đoạn tuyệt với quả bóng. Cuối cùng đến một ngày, bố Dung ngồi xuống, đặt tay lên vai con và hỏi: “Con thích bóng đá lắm phải không?”. Dung đáp: “Vâng, con thích lắm bố ơi”.
Vậy là ông Tiếp đưa Dung ra bãi cỏ ngay trước nhà, dạy con những bài học đầu tiên về bóng đá. Càng ngày ông càng nhận thấy tố chất bóng đá ở con gái. Dung nắm bắt rất nhanh những điều được chỉ dạy, thậm chí khiến bố ngạc nhiên khi nhận xét cả những màn trình diễn của ông. Có lần làm mệt quá nên đá dưới sức, vừa bước ra sân Dũng đã nói ngay: “Hôm nay bố chơi không hay”. Ông Tiếp hỏi lại: “Không hay là không hay thế nào?”. “Bố chuyền hỏng nhiều, lại không chạy chỗ như mọi lần”, Dung đáp, đồng thời tuyên bố chắc nịch, “sau này con cũng đi đá bóng như bố”.
Vào lúc ấy ông Tiếp đã mường tượng ra viễn cảnh Dung sẽ trở thành cầu thủ. Tuy nhiên chính ông cũng không nghĩ rằng cô con gái bé nhỏ lại bản lĩnh, kiên cường đến thế trên hành trình theo đuổi ước mơ.
Năm 10 tuổi Dung được bố đưa đến trung tâm đào tạo bóng đá nữ ở Hòa Mạc, Duy Tiên, nơi cách nhà 30 cây số. Ngày đầu tới đó, ông choáng váng trước điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, với dãy phản xập xệ xếp cạnh nhau như doanh trại quân đội bên dưới mái nhà dột nát. Biết sao được bởi Hà Nam khi ấy còn khó khăn. Như bố Dung tâm sự, bữa cơm chỉ có quả cà. Thậm chí nước sạch cũng không. Tất cả sử dụng chung cái giếng khoan khiến một tháng sau lên thăm, ông Tiếp bàng hoàng trước cô con gái bị ghẻ lở khắp người.
Xót con, ông đưa về chữa trị cả tháng và tính không cho Dung đi nữa. Thế nhưng thầy Hải Anh đã xuống tận nhà thuyết phục, rằng với các phẩm chất đã bộc lộ, Dung còn tiến rất xa với bóng đá. Bản thân Dung cũng nằng nặc đòi đi. “Bố mẹ yên tâm. Con chịu đựng được”, cô nói.
Vậy là Dung lại lên đường. Và cô không một lần quay đầu nhìn lại.
Mỗi tháng ông Tiếp lại đi xe ôm lên thăm con, dẫn ra ngoài ăn và dúi vào tay con những đồng góp nhặt được, bảo con thích gì cứ mua để ăn thêm, chơi thể thao không có sức không được. Thế mà ông vẫn chưa yên tâm. Cứ vài ngày ông lại viết thư, lóc cóc ra bưu điện gửi cho con để nắm bắt tình hình. Ông cũng nhiều lần hỏi thử Dung, rằng, con có tiếp tục được không, có biết bóng đá nữ phải chịu nhiều thiệt thòi không, rồi con sẽ xấu đi, tương lai cũng rất bấp bênh, con chịu không? Và nếu quyết định theo đuổi phải trở thành người giỏi nhất, con làm được không?
“Con hứa. Bố tin ở con. Rồi một ngày bố mẹ sẽ ngẩng cao đầu vì con”, Dung nói với đôi mắt ngời sáng. Đó cũng là những điều Dung nhắc lại trong các bức thư gửi về cho bố. Mọi ông bố bà mẹ đều luôn có thừa niềm tự hào về con cái để luôn nghĩ rằng nó là số một. Nhưng với bố Dung, ông thực sự tin con mình sẽ làm được.
Không có đứa bé 10 tuổi nào sẵn sàng rời vòng tay bố mẹ để đến một nơi xa lạ, điều kiện ăn uống kém và bị những cơn ngứa ngáy hành hạ. Không một lần Dung kêu than. Số tiền bố cho mỗi lần đến thăm cô cũng ít khi đụng tới.
Dung không coi những gì mình trải qua là sự hy sinh. Cô yêu cuộc sống này, với mỗi buổi sáng thức dậy được ra sân tập luyện, chơi bóng. Khó khăn đơn giản là thử thách mà cô cần phải vượt qua trước khi làm bố mẹ tự hào. Chính điều này cũng tạo nên một phẩm chất đặc biệt của Dung. Cô luôn thấy phấn khích trước áp lực và thích thú khi đánh bại nó.
Nhớ lại, cú đúp bàn thắng từ chấm phạt góc vào lưới Malaysia ở AFF Cup 2015 đến vào thời điểm Dung mới trở lại sau chấn thương và đang tái khẳng định mình. Bàn tương tự trước Myanmar tại Asian Cup 2022 thực hiện trong bối cảnh Việt Nam cần một kết quả tốt để tiến vào tứ kết, qua đó nuôi hy vọng giành vé tới World Cup 2023. Như tờ Telegraph nhận định, “kỹ năng này cực kỳ khó, và càng khó hơn khi xảy ra trong một trận đấu tầm cỡ”.
Tuyết Dung nói về bức ảnh với Taneekarn Dangda ở chung kết SEA Games 2019.
Hoặc tại nhà Tuyết Dung, một trong những bức ảnh được treo trang trọng là khoảnh khắc cô đối đầu với nữ tuyển thủ Thái Lan Taneekarn Dangda, em gái ngôi sao Teerasil, ở chung kết SEA Games 2019. Trong ảnh, Dung đang chạy đầy tự tin trước đối thủ cao hơn mình cả cái đầu.
“Dung rất thích bức ảnh này. Mỗi lần đối đầu với Thái Lan đều mang lại cảm giác hào hứng để luôn giữ lại gì đó làm kỷ niệm. Chính khoảnh khắc này Taneekarn đã phạm lỗi dẫn đến quả đá phạt trực tiếp. Dung chính là người đá phạt để Phạm Hải Yến ghi bàn duy nhất, mang về tấm Huy chương Vàng cho đội tuyển Việt Nam”, Tuyết Dung nói với Youtuber Tuyền Văn Hóa trong cuộc nói chuyện ngày 20/02.
Không khuất phục, cố gắng giải quyết vấn đề và tìm kiếm cơ hội từ khó khăn là lời giải thích cho việc tại sao Dung gặt hái thành công từ rất sớm, sau đó trở thành ngôi sao của Hà Nam, người hùng của ĐTQG. 1 danh hiệu VĐQG, 1 Cúp Quốc gia, 2 chức vô địch AFF Cup, 2 Huy chương Vàng SEA Games, 2 lần đoạt Quả bóng Vàng Việt Nam là bộ sưu tập thành tích đồ sộ mà bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ.
Không có giới hạn nào cho Tuyết Dung. Nhiều năm trước cô đã mơ về World Cup và bây giờ nó trở thành sự thực. Tuyển nữ Việt Nam sẽ tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm tới và Dung, nhân tố quan trọng làm nên kỳ tích, nhận được Huân chương Lao động Hạng nhì từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Khi giấc mơ lớn đạt thành, ông Tiếp nghĩ rằng đó là lúc để Dung nghĩ về bản thân, lập gia đình và hướng đến một cuộc sống ổn định như nhiều cô gái khác.
“Dung luôn nói với tôi về khát khao chơi bóng ở World Cup và sẽ không dừng lại nếu chưa đạt được. Tôi cảm thấy đó là mục tiêu quá khó, nên bảo rằng cứ lần này đến lần khác, biết đến khi nào con mới nghỉ, mới lấy chồng”, bố Dung tâm sự, “Vậy mà cuối cùng Dung cũng làm được. Và tôi nói, vậy là mục tiêu của con hoàn thành rồi nhé, giờ đến mục tiêu của bố. Sang năm tới con phải giải nghệ để lập gia đình”.
Nhưng mong thì mong vậy, chứ ông Tiếp biết con gái còn lâu mới dễ dứt khỏi bóng đá. Một khi theo đuổi điều gì, không bao giờ Dung bỏ cuộc. Và ngay sau một mục tiêu đạt được, Dung sẽ chuyển sang mục tiêu tiếp theo. “Phải hết mình với đam mê”, lời bố dặn dò trong những ngày đầu lên trung tâm đào tạo ở Hòa Mạc đến giờ cô vẫn nhớ.
Nếu không phải vì đam mê, cô đã chọn một cuộc sống dễ dàng hơn và không xa nhà từ năm 10 tuổi. Ngay cả bây giờ thời gian bên gia đình cũng rất hãn hữu. Ngày chúng tôi đến nhà Dung ở Hà Nam, cô cũng vừa mới về sau hành trình dài cùng đội tuyển. Nhưng chỉ một lát, Dung lại tất tả lên tập luyện cùng CLB.
Dĩ nhiên, Dung cũng biết rằng nhiều người cùng trang lứa đang có thu nhập tốt hơn, dù một vài trong số họ chỉ là công nhân trong khu công nghiệp. Nhưng trong cuộc sống, không phải mọi thứ đều về tiền. Có những thứ còn quan trọng hơn. Ví dụ như bóng đá. Và Dung đang hạnh phúc với nó.
Nguồn: [Link nguồn]
Mức lương 5 triệu đồng một tháng của các nữ cầu thủ đội tuyển Việt Nam khiến Thủ tướng Chính phủ trăn trở.