Có ai dám tổng kết như… bầu Kiên
V-League kết thúc và bây giờ là thời gian những nhà điều hành lại chuẩn bị một bản tổng kết trong buổi lễ báo công với nhà tài trợ.
V-League 2014 khép lại sau buổi lễ đăng quang trên sân Bình Dương. Lạ ở chỗ dư âm của buổi lễ đấy chỉ sôi động và hào hứng bên ngoài sân khi hội CĐV Bình Dương tổ chức thật dễ thương cho đội nhà với xe loa và xe thùng không mui thiết kế thật đặc biệt cho đội nhà rước cúp quanh TP Thủ Dầu Một. Phần hội thực bên trong sân có rất nhiều quan chức, nhưng tất cả đều khá lạnh với một thủ tục trao cúp được tổ chức luộm thuộm, dù những nhà tổ chức đã có một tuần biết trước điểm trao cúp và đội nhận cúp.
Cá nhân tôi cho rằng một buổi lễ trao cúp vô địch ở giải đấu lớn nhất nước như thế là thất bại. Nó nói lên bộ mặt thật của V-League từ sự đón nhận của khán giả đến công tác tổ chức rất lúng túng, bị động và nghiệp dư.
Nhưng điểm chính của V-League là chất lượng sau một giải đấu tiêu tốn không dưới một nghìn tỷ từ kinh phí của các đội đến tiền của nhà tài trợ vung ra.
Nói bóng đá là loại hình giải trí cao cấp và mang lại niềm vui cho đời sống xã hội, cho mọi người thì rõ ràng bóng đá ta tốn rất nhiều tiền nhưng không vui, không lành mạnh. Rõ nhất là phát biểu của ông Phó chủ tịch HĐND tỉnh An Giang - Nguyễn Quốc Khánh, cũng là Phó Chủ tịch CLB bóng đá Hùng Vương An Giang, trên An Ninh TV và được Đài truyền hình VN VTV trích lại. Đó là ông Khánh được tỉnh giao nhiệm vụ quản lý đội bóng về mặt nhà nước với mục đích phục vụ và mang lại niềm vui vào mỗi cuối tuần cho tỉnh An Giang.
Để mong có niềm vui này, tỉnh An Giang một năm chi ngân sách cho đội bóng 20 tỉ đồng và nói như ông Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thì ngân sách đấy tương đương với một năm đối với một huyện nghèo ở An Giang. Thế mà vui không thấy đến với người dân An Giang mà phiền toái, bực bội lại chồng chất thêm ở cuộc chơi mang hai chữ chuyên nghiệp.
Ông Khánh không giấu chuyện sắp tới có thể tỉnh sẽ rút lại không đầu tư cho bóng đá nữa và cũng vì thế mà đội bóng sẽ bị xóa sổ do bóng đá không đến yếu tố tích cực như kỳ vọng. Nói nôm na như ông Phó Chủ tịch tỉnh An Giang là “tiền mất, tật mang”.
Liệu có ai dám nói như bầu Kiên trong buổi lễ tổng kết V-League 2014?
V-League 2014 xét cho cùng tuột dốc về chuyên môn và ý nghĩa hơn cả mùa bóng 2011 – mùa mà tại buổi tổng kết bầu Kiên đã đứng ra chỉ hết những yếu kém thay cho bản tổng kết mang tính thủ tục của những nhà tổ chức. Vì vậy mà sắp tới người hâm mộ rất mong được nghe thấy bản tổng kết trung thực dám nhìn nhận hết các vấn đề như bầu Kiên từng tổng kết.
Mùa 2014 vẫn đi đông (13 đội) nhưng về thì không đủ khi giữa đường có đội gãy do cầu thủ V. Ninh Bình tham gia bán độ và bầu Trường xin rút lui khỏi V-League, đồng thời xóa sổ đội bóng. Đấy cũng là mùa giải mà bạo lực gia tăng với những hình ảnh phản cảm như cái chân gãy của Anh Hùng (HV An Giang) từ cú vào bóng của Đình Đồng. Hay hình ảnh loạn đả trên sân của các cầu thủ Hải Phòng trả đũa lại cú bỏ bóng đá người của Samson (Hà Nội T&T).
Mùa 2014 quy định và quy chế ban hành rất chặt nhưng vào đoạn kết mới vỡ lẽ phần cứng 35 tỉ đồng bắt buộc của mỗi đội bóng có những đội đến hết giải vẫn chưa giải ngân nổi và vì thế phải thanh lý hợp đồng sớm với cầu thủ để thoát nợ. Đấy cũng là mùa người hâm mộ ngán ngẩn với cảnh cầu thủ Đồng Nai thừa điểm sau lượt đi và làm kinh tế ở lượt về, trong đó đậm nhất là làm độ trận gặp Than Quảng Ninh và bị cơ quan điều tra bắt tạm giam 6 cầu thủ…
Mùa 2014, VPF “khai tử” Ban Tư vấn Đạo đức vì cho rằng ban này luôn chỉ ra những tiêu cực của các đội và cảnh báo làm khó cho những nhà tổ chức, nhưng rõ ràng qua những vụ bán độ của V. Ninh Bình hay Đồng Nai thì tất cả những dự báo trước đó của ban này đều có cơ sở, nhưng chẳng ai dạm đụng đũa vào vì cố che đậy và sống chung với tội phạm, với bóng đá xấu xí…
Mùa 2014 kết thúc nhưng có ai dám tổng kết bằng kiểu nói lên tất cả sự thật như bầu Kiên năm nào?
Hay tất cả lại cố dùng những từ mỹ miều để khép lại một mùa giải có quá nhiều biến cố và biến chất.