CLB Hải Phòng bị FIFA 'phạt' 5 tỷ, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch CLB?
Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) buộc câu lạc bộ (CLB) bóng đá Hải Phòng phải đền bù khoảng 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) cho cầu thủ Stevens vì vi phạm hợp đồng. Đó là hệ quả của cách quản lý thiếu chuyên nghiệp của CLB đất Cảng với người đứng đầu là Chủ tịch Trần Mạnh Hùng.
Từ câu chuyện của Stevens
Ngày 4/7, FIFA ra thông báo CLB Hải Phòng phải đền bù khoảng 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) cho cầu thủ Stevens do vi phạm quy định. Số tiền bao gồm lương thưởng, phí lót tay, lãi suất ngân hàng, phí xử kiện và phí tổn thất tinh thần cho Stevens...
Tiền đạo Stevens thời còn khoác áo CLB Hải Phòng. Ảnh: VSI
Đây chính là hệ luỵ của hàng loạt các vấn đề nổi cộm trước đó diễn ra ở đội bóng đất Cảng. Tháng 8/2018, Stevens đã đăng tải trên trang facebook cá nhân của mình những điều không hài lòng về đội bóng, cụ thể là việc CLB Hải Phòng không thực thi đúng hợp đồng về việc chi trả khoản lót tay. Tuy nhiên, phía CLB Hải Phòng thời điểm đó lại cho rằng, vấn đề này xuất phát từ việc cầu thủ này sa sút phong độ, có dấu hiệu chểnh mảng trong tập luyện và ứng xử không thân thiện với đồng đội.
Lãnh đạo đội bóng đã buộc Stevens vào ăn ở, sinh hoạt tại khách sạn cùng toàn đội. Tuy vậy, cầu thủ người Jamaica tỏ ra bất phục. Tiền đạo này đã không chịu ăn cơm cùng đội. Anh cho biết, chủ tịch CLB đã cho phép anh ở ngoài để chăm sóc vợ con như một số ngoại binh khác.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Stevens tiếp tục thể hiện sự bức xúc trên facebook, lần này đối tượng nhắm đến là Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng. Anh bày tỏ: “Tôi thực sự không muốn đến gặp ông Hùng để nói về những điều sai trái của ông ta, tôi không muốn đưa ông ta vào tù”. Thậm chí, Stevens còn “dọa” nếu không sẽ công khai cả việc đội bóng dàn xếp tỉ số (?).
Sau đó, Stevens đã bị đội bóng kỷ luật bằng việc đình chỉ tập luyện và cắt mọi chế độ với lý do chỉ trích và thông tin sai về CLB. Tiền đạo này chia tay Hải Phòng sau khi mùa giải 2018 kết thúc, sớm 1 năm so với hợp đồng. Anh bỏ về nước và bắt đầu thu thập tài liệu khiếu kiện để gửi đến FIFA.
Cần hiểu rằng, câu chuyện mâu thuẫn giữa Hải Phòng và Stevens là chuyện bắt nguồn từ cả hai phía. Mà ở đây, sự thiếu chuyên nghiệp trong việc quản lý cầu thủ của lãnh đạo CLB Hải Phòng đã dẫn đến những hệ luỵ xấu. Cũng nhờ phán quyết của FIFA mà Stevens trở thành cầu thủ tự do. Anh đã chính thức đầu quân cho Thanh Hóa từ lượt về V.League 2019.
Chủ tịch CLB Hải Phòng né câu hỏi của báo chí
Thực tế, đối tượng mà Stevens nhắm đến là ông Trần Mạnh Hùng với lối hành xử không giống ai. Minh chứng rõ nhất là ông Trần Mạnh Hùng đã không chấp thuận đề nghị giao lại hợp đồng lao động cho Stevens để cầu thủ này làm hộ chiếu cho con trai của mình. Ở thời điểm ký hợp đồng hồi tháng 5/2017, Stevens không được giữ bản nào, dù theo luật người sử dụng lao động và người lao động đều có quyền giữ một bản hợp đồng có giá trị như nhau.
Ông Hùng là Chủ tịch CLB Hải Phòng kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tai tiếng lớn nhất mà ông Hùng để lại chính là vụ rò rỉ băng ghi âm, trong đó ghi lại những lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hoá của ông dành cho ông Dương Văn Hiền (thời điểm đó là phó ban trọng tài Liên đoàn bóng đá Việt Nam). Sau vụ việc này, ông Hùng đã xin từ chức nhưng lại được phục chức không lâu sau đó.
Việc Hải Phòng bị đền bù hợp đồng cho cầu thủ rõ ràng là hệ quả mà ông Trần Mạnh Hùng phải là người chịu trách nhiệm chính. Đến thời điểm hiện tại, ông Hùng gần như né tránh tất cả những câu hỏi của báo chí về sự việc này.
Buộc CLB Hải Phòng phải đền bù 200.000 USD cho tiền đạo Errol Stevens, FIFA nhắc nhở các CLB của Việt Nam phải tuân thủ luật...