CLB 100 tỉ của bầu Đức và khao khát của thầy Park
Bầu Đức nảy ra ý tưởng khai sinh “CLB 100 tỉ” nhằm hỗ trợ VFF trong công cuộc đào tạo trẻ và giúp các đội tuyển quốc gia có thêm kinh phí ở những đợt tập huấn…
Cất công sang Hàn Quốc mời thầy giỏi và chi tiền lương tháng cho HLV Park Hang-seo suốt hai năm, ông bầu Đoàn Nguyên Đức sẽ chấm dứt điều này sau tháng 1-2020 và mọi thứ do VFF lo. Ông bầu phố núi còn có ý tưởng thành lập “CLB 100 tỉ” không phải để trả lương cho thầy Park mà chỉ hỗ trợ VFF chủ yếu xây dựng hệ thống đào tạo trẻ.
Bầu Đức mong có nhiều học viện và mong VFF có hệ thống đào tạo trẻ để thầy Park có nhiều bột và gột nên hồ. Ảnh: ANH HỮU
Thực tế VFF sở hữu trung tâm đào tạo trẻ hiện đại cùng thời điểm với Học viện bóng đá HA Gia Lai cách đây hơn 12 năm nhưng công dụng của hai nơi khác hẳn nhau. Ai cũng biết cơ sở vật chất của Trung tâm đào tạo trẻ VFF rất đắt đỏ với kinh phí 100 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và FIFA, nhưng hơn 10 năm trời không sản sinh ra cầu thủ giỏi nào, mà thường cho thuê sân bãi tận thu của dân đá phủi. Còn học viện của cá nhân bầu Đức đã tuyển sinh đến lứa thứ năm, sau khóa 1 của Công Phượng và nhiều tài năng trẻ khác đã học từ năm 2007.
Có thể vì không muốn lãng phí chất xám và cơ ngơi có sẵn, bầu Đức mới nảy sinh ý tưởng giúp VFF đào tạo trẻ, cũng là niềm khao khát như một điều kiện của HLV Park Hang-seo để ông tiếp tục gắn bó thêm ba năm nữa.
Theo ông Park, làng bóng Việt Nam muốn phát triển căn cơ và bền vững thì nhất thiết phải làm bóng đá trẻ có hệ thống. Ông thầy Hàn đưa ra con số so sánh ở quê hương ông hiện có đến 715 CLB cho các tài năng trẻ dưới 18 tuổi tham gia thi đấu cùng thống kê gần 20.000 cầu thủ đang tập luyện để hiện thực hóa giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp.
Dĩ nhiên bóng đá Việt Nam không thể bằng Hàn Quốc nhưng nhìn vào hệ thống đào tạo trẻ không khỏi làm người trong cuộc chạnh lòng. Bầu Đức tiên phong mở Học viện HA Gia Lai, sau này có thêm một số trung tâm khác như PVF, Viettel, NutiFood, Juventus hoặc ở một số địa phương kiểu SL Nghệ An, Hà Nội, Đà Nẵng…
Các đội tuyển quốc gia thành công rực rỡ dưới thời HLV Park Hang-seo là chính nhờ thành quả của các lò đào tạo trẻ hoạt động có hiệu quả trên dưới 10 năm qua. Không phải tự nhiên mà ông Park rất trân trọng cám ơn sức đóng góp của các lò bóng đá lẫn địa phương có quân lên tuyển sau mỗi chiến tích, bởi ông hiểu sự thành bại của một nền bóng đá phụ thuộc rất lớn vào họ.
Ông thầy người Hàn cho rằng bóng đá Việt Nam có phát triển vượt bậc sau 10 năm nhờ hệ thống đào tạo trẻ tốt nhưng cần sự chung tay nhân rộng các mô hình lên cao và sâu rộng hơn nữa. Ông Park tha thiết làng bóng cần có những trung tâm bóng đá trẻ để cạnh tranh và nâng cao năng lực cho các đội tuyển quốc gia.
Chung tay vì bóng đá Việt Nam Bầu Đức tiết lộ con số 100 tỉ đồng mỗi năm cho bóng đá Việt Nam không lớn và chỉ cần năm doanh nghiệp chung tay, mỗi người 20 tỉ đồng là không khó. Ông còn tính toán quản lý số tiền này hợp lý theo nhu cầu của VFF hỗ trợ đội tuyển quốc gia tập huấn, giao hữu chất lượng và chủ yếu là chăm lo phát triển bóng đá trẻ, bóng đá phong trào ở các địa phương. Ai cũng thấy VFF đã và đang hưởng lợi rất nhiều bởi sự chung tay từ xã hội hóa bóng đá. Như thầy trò ông Park Hang-seo đã không chọn Trung tâm đào tạo trẻ VFF đóng quân như lệ thường mà đến tập huấn ở Trung tâm bóng đá PVF có sân bãi, những phòng tập chức năng và điều kiện sinh hoạt rất tốt. |
Martin Lò nhận niềm tin lớn từ thầy Park mỗi lần lên tập trung U23 Việt Nam.