Chuyện Ronaldo, chuyện “tướng” Phúc
Thời gian vừa qua, bóng đá thế giới đã xôn xao với câu chuyện khi diễn thuyết tại Đại học Oxford (Anh), ông Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phát biểu: “Lionel Messi là một đứa trẻ mà bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn có. Còn Ronaldo lại giống một tư lệnh trên sân cỏ, và là người sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho bộ tóc óng mượt của mình”. Cuối cùng, ông Sepp Blatter kết luận mình thích Messi hơn.
Mặc dù có thể người đứng đầu FIFA không cố ý “dìm hàng” Ronaldo, nhưng khi mà Messi và tiền đạo người Bồ Đào Nha vẫn là hai ứng viên hàng đầu cho danh hiệu “Quả bóng Vàng” năm nay trong số 23 ứng cử viên mà FIFA vừa mới công bố thì phát ngôn ở trên của Sepp Blatter chẳng khác nào việc Chủ tịch FIFA công khai đi vận động bỏ phiếu cho Messi và gạt bỏ Ronaldo.
Ngay lập tức, ông Chủ tịch FIFA đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ phía CLB Real Madrid, Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha cũng như rất nhiều nhà chuyên môn. Người ta cho rằng người đứng đầu FIFA một lần nữa “lỡ miệng” khi có những nhận xét thiếu tôn trọng, làm tổn hại đến danh dự của siêu sao người Bồ Đào Nha.
Ngay sau khi bị dư luận phản ứng, ông Sepp Blatter đã lập tức viết thư xin lỗi gửi tới lãnh đạo đội bóng chủ sân Bernabeu với nội dung: “Tôi muốn giải thích rằng không có chuyện thảo luận về ứng viên Quả bóng Vàng của FIFA trong buổi diễn thuyết tại trường ĐH Oxford vừa qua. Người phỏng vấn đã yêu cầu tôi lựa chọn một trong hai người và tôi đã bình luận rằng Messi là một người con mà bố mẹ nào cũng muốn có. Tuy nhiên, tôi muốn nói rõ là đối với tôi Ronaldo cũng cùng đẳng cấp với Messi và cả hai đều là những cầu thủ tuyệt vời, mỗi người theo cách của mình. Tôi rất tiếc rằng tình huống xảy ra và tôi không bao giờ có ý định làm khó, hoặc thiếu tôn trọng đối với bất cứ một cầu thủ nào…”
Sau một câu nói “hớ” của mình, người đàn ông quyền lực nhất của làng bóng đá thế giới đã phải xuống nước gửi lời xin lỗi đến Ronaldo, Real Madrid hay Liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha. Mặc dù biết so sánh chuyện của bóng đá thế giới với bóng đá xứ ta sẽ rất khập khiễng, nhưng thử hỏi đã có khi nào một lãnh đạo VFF công khai đưa ra lời xin lỗi sau những quyết định, hay phát ngôn gây tranh cãi của mình?!
Không ít lần cách làm việc của VFF bị đánh giá là “chộp giật, thiếu nguyên tắc…”
Mới nhất là câu chuyện khi VFF tạm đình chỉ nhiệm vụ đối với HLV Hoàng Văn Phúc, nhưng rồi chỉ vài ngày sau đó lại xuống nước giữ bằng được ông Phúc ở lại nắm đội U23 Việt Nam thi đấu ở SEA Games 27 sắp tới với phát biểu: “VFF luôn tin tưởng tuyệt đối HLV Hoàng Văn Phúc...”. Sau cuộc họp đầu tuần qua với lãnh đạo VFF, cuối cùng ông Phúc đã đưa ra quyết định của mình và “cứu VFF một bàn thua trông thấy” khi sẽ tiếp tục ngồi ghế nóng ở tuyển U23 Việt Nam.
Điều đáng nói, sau quyết định tạm đình chỉ không thuyết phục với HLV Hoàng Văn Phúc và gây bức xúc với giới chuyên môn thì đại diện của VFF đã khẳng định quyết định chóng vánh mình đưa ra là chính xác, kịp thời và đủ quyết liệt. Khẳng định chính xác nhưng “chuyên gia xử lý sự cố bóng đá” này lại không thể chỉ ra mình đúng ở chỗ nào từ quyết định “gây bão” ở tuần trước, trong khi dư luận đã “mổ xẻ” rất nhiều về ý định các tuyển thủ U23 ngỏ ý có thể “đình công” để ủng hộ thầy ngay tại BTV Cup khi SEA Games đã đến gần và các “sếp” bóng đá đã phải xuống nước. Theo lý giải của người VFF trong cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông thì lý do chỉ là “có cái gì gì đó không bình thường…”(?!).
Và không biết các sếp đó có hiểu chỉ vì “cái gì gì đó” mà lòng tự trọng của cả Ban huấn luyện lẫn các cầu thủ U23 đã bị tổn thương như thế nào. Nhưng sau tất cả, vẫn không hề có bất cứ một lời xin lỗi nào từ phía “sếp” bóng đá khi đã khiến danh dự của cả một tập thể ít nhiều bị tổn hại ngay trước thềm trận đánh quan trọng nhất trong năm, SEA Games 27.
Như cách nói của chuyên gia Lê Thế Thọ (cựu Phó chủ tịch VFF và hiện là thành viên Hội đồng HLV QG) thì đây đâu phải là lần đầu tiên VFF làm việc theo kiểu “chộp giật, thiếu nguyên tắc…”. Trước sự việc của HLV Hoàng Văn Phúc, những người tiền nhiệm như Phan Thanh Hùng, Falko Goetz…đã được “nếm mùi” trong cách ứng xử của “ông chủ”. Dù sao thì ông Phúc còn may mắn hơn so với hai ông Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn.
Trước đó hai ông Trưởng và Phó ban trọng tài đã bị VFF “tạm đình chỉ nhiệm vụ” chỉ vì nội dung tin nhắn nghi ngờ trọng tài làm nhiệm vụ trận đấu giữa Thanh Hóa và HAGL ở vòng 3 V-League 2013 đã nhận hối lộ 100 triệu đồng. Và sau 3 tháng điều tra, phía C45 đã có kết luận không có cơ sở nghi ngờ trọng tài tiêu cực, nhưng ông Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn không những không được phục chức như HLV Hoàng Văn Phúc mà còn phải rời khỏi Ban trọng tài của VFF. Cách làm bóng đá “không giống ai” của VFF đã khiến dư luận ngày càng mất niềm tin và đặt dấu hỏi về vai trò của tổ chức điều hành nền bóng đá nước nhà …