Chuyện quanh cái chân gãy của Anh Hùng
Tuần qua, bóng đá Việt Nam sôi lên vì nạn bạo lực với đỉnh điểm là cái chân gãy của Nguyễn Anh Hùng (HV An Giang).
Tai nạn đấy như một gáo nước tạt thẳng vào mặt những nhà điều hành khi ông Quyền Chủ tịch VFF trước đó mới lên tiếng cho rằng giới truyền thông nói quá, còn ông Trưởng Ban trọng tài vừa lý luận rằng đừng thấy gãy chân, chảy máu đầu rồi vội kết luận là bạo lực.
* Bạo lực không đáng sợ bằng tư tưởng bình thường hóa bạo lực
Cả đội SLNA lẫn cầu thủ Trần Đình Đồng khi nhận án kỷ luật đã giãy nảy lên vì cho rằng án đưa ra quá nặng và bất hợp lý. Theo tôi, bản án đấy bất hợp lý ở cách thực hiện thiếu đồng bộ khi chính những người ra bản án cũng chịu nhiều sức ép: Sức ép từ dư luận, sức ép từ cái chân bị gãy, sức ép từ giới truyền thông và trên hết là sức ép từ cấp trên. Người mà trước đó lỡ miệng xem bạo lực là chuyện bình thường, rồi sau đó hốt hoảng với tai nạn tiếp theo của Anh Hùng nên đã ấn xuống những bộ phận xử lý kỷ luật.
Xét về hành vi, cú vào bóng của Đình Đồng với Anh Hùng không man rợ bằng cú bỏ bóng phi thẳng vào người Danny của Đinh Văn Ta. Chỉ có điều là Danny không chấn thương nghiêm trọng bằng Anh Hùng (gãy xương ống) và thời điểm đó những nhà điều hành còn mải mê “bảo vệ” cho bạo lực qua luận điệu đấy là sự quyết liệt, là ham bóng, là bột phát…
Xa hơn nữa khi soi vào những giải trước, cú vào bóng của Đình Đồng không thể sánh với những cú “hủy diệt” của Huy Hoàng thường thực hiện trên sân Vinh để dằn mặt các đối thủ. Tuy nhiên hồi đấy và cả trước khi Anh Hùng bị gãy chân thì việc gióng lên hồi chuông bạo lực vẫn chỉ là chuyện riêng của giới truyền thông, của người hâm mộ.
HLV Trần Văn Phúc từng chỉ ra một nguyên nhân đó là bây giờ bóng đá chuyên nghiệp tiền thưởng nhiều quá khiến đôi khi các đội cứ phang nhau và quyết thắng để hưởng trọn số tiền thưởng lên đến bạc tỷ.
Đó mới chỉ là một phần trong các nguyên nhân nhưng đấy không phải là cái gốc của vấn đề. Lần trở lại với các cầu thủ năng khiếu mới được học đá bóng, có bao nhiêu lò đào tạo chăm chút với các em đạo đức nghiệp đá bóng và thái độ trân trọng đôi chân được xem là công cụ lao động của nghề đá bóng?
Bóng đá Việt Nam đang đau đầu với nạn bạo lực
Những ai từng theo dõi giải thiếu niên, giải trẻ, không ít lần chứng kiến HLV mắng cầu thủ trẻ như tát nước vì không biết chơi xấu để cứu thua, hay không vận dụng tiểu xảo vào trong thi đấu. Hoặc ngay như các em năng khiếu vẫn được tận dụng cho khiêng cáng ở các sân bóng, nếu không được dạy tiểu xảo và không được người lớn bật đèn xanh thì làm gì các em dám bốc hốt cầu thủ đội khách chấn thương lên cáng, rồi hất xuống ngoài đường biên như xử sự với kẻ thù.
Hình ảnh xấu xí này được thấy rõ nhất trong trận V. Nình Bình – ĐT Long An với cảnh cầu thủ Danny bi đá xấu, ôm ngực quằn quại đau đớn thế mà lại bị thêm cú ném rất đau của các em khiêng cáng (vốn là cầu thủ năng khiếu) ở sân Ninh Bình.
Ngay từ nhỏ, các em đã được dạy hành xử và thứ bóng đá xấu xí ấy thì làm sao khi thành cầu thủ thật các em trở thành cầu thủ tử tế? Và cứ thế lớp này qua lớp khác, các cầu thủ đã nhiễm thói xấu đấy, trong đó nguy hiểm nhất là bình thường hóa với bạo lực xen lẫn với bóng đá xấu xí cứ được nhân lên bởi người lớn chỉ chăm chút cho đôi chân, cho thành tích gắn liền với nhiều món lợi trước mắt.
* Những “cánh tay nối dài” không thực hiện đúng chức năng
Sự bình thường hóa trong bạo lực còn có tác động không nhỏ của đội ngũ cầm cân. Nói các trọng tài chưa đủ bản lĩnh không dám mạnh tay với các cầu thủ chủ nhà đá gấu thì không chuẩn bởi trước khi cầm còi V-League, các trọng tài đã qua nhiều thử thách và nhiều lớp tập huấn. Thế thì vì sao đa phần các trận đấu bạo lực, các trọng tài để “quên còi”, hoặc buông xuôi cho các cầu thủ hành xử nhau bằng thứ bóng đá xấu xí? Nói như HLV Lê Huỳnh Đức (SHB.Đà Nẵng), hay Nhan Thiện Nhân (HV.An Giang) thì chính các trọng tài đã tiếp tay cho chủ nhà chơi thứ bóng đá bạo lực để “giết” đội khách.
Điều nguy hiểm trong nhận xét nghiêm túc trên nằm ở chỗ như đã có sự thỏa hiệp, hay thông đồng gắn với những chiến thắng bằng mọi giá. Và đáng lo hơn ở chỗ những người đại diện cho ban tổ chức là các giám sát được trao trách nhiệm rất lớn nhưng lại không làm đúng phần việc của mình.
Họ là người giáo dục, hướng dẫn trọng tài, đồng thời nhận xét và cho điểm trọng tài…, thế mà ở đây chẳng ai thấy được vai trò của “cánh tay nối dài” đấy nằm ở đâu cả. Thậm chí là một báo cáo nhận xét nghiêm túc cũng không thấy. Thử hỏi trong một trận đấu mà có đến ba trọng tài làm nhiệm vụ trên sân đều bị “trảm” vì những lỗi rất nặng sau khi báo chí lên tiếng thì vai trò của người giám sát nằm ở đâu?
Đó là chưa kể đến công việc của ban kỷ luật khi thì đưa án rất chậm và rất nhẹ, lúc lại bị chỉ đạo lẫn sức ép từ trên xuống thì lại ra án rất nhanh và rất nặng.
Quanh cái chân gãy của Anh Hùng lại giật mình với những thứ nghiêm trọng nhưng lâu nay cứ trở nên bình thường hóa của bóng đá Việt Nam.