Chuyện ông Lê Thụy Hải và U19 Việt Nam
Tuần qua U19 luôn là đề tài nóng trên các trang báo. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ là góp ý và cả chê bai về những điểm yếu và thiếu của U19 Việt Nam.
Hiện tượng U19 Việt Nam
Sức sống U19 Việt Nam chính là nguồn cảm hứng của người hâm mộ, kể cả khi họ thua trong trận chung kết trước Myanmar nhỉnh hơn mình về thể lực, sức mạnh và cả đấu pháp. Kể từ ngày các cầu thủ của bầu Đức “ra đời” đá giải đến nay mới chỉ 1 năm nhưng đội bóng trẻ này luôn là đề tài bàn tán của nhiều giới và làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người.
Xét trên bình diện những lứa cầu thủ trẻ trong mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam, đây là lứa cầu thủ tốt nhất cả về tư chất lẫn chuyên môn. Tuy nhiên họ cũng mới chỉ là phần nổi của một lò đào tạo được ứng dụng bởi công nghệ đào tạo của lò Arsenal JMG mà bầu Đức liên kết.
Mục đích và đầu ra của lò này là đào tạo những tiền vệ và tiền đạo chất lượng không phải cho một đội tuyển trẻ mà là để “xuất khẩu”, hay nói đúng hơn là để bán cho các CLB châu Âu lẫn châu Á.
U19 Việt Nam là tương lai của bóng đá Việt Nam
Chưa thể nói lò này thành công với mô hình ứng dụng vào các cầu thủ Đông Nam Á hay không (chờ đến tháng 10 mới kết thúc khóa và lúc đấy mới biết có cầu thủ được mua, được trưng dụng hay không) nhưng trước mắt họ cho ra một sản phẩm có lợi cho bóng đá Việt Nam.
Đội U19 Việt Nam đã được hình thành từ bộ khung đấy. Bộ khung mà những cầu thủ ở lò khác có cùng độ tuổi tham gia đội U19 buộc phải thích nghi với lối đá của các cầu thủ này và nói kiểu gì hay góp ý kiểu nào thì đội U19 Việt Nam cũng phải dựa trên cái sườn U19 HAGL - Arsenal JMG.
Họ buộc phải theo ông thầy Guillaume đã gắn với các học trò của mình suốt 7 năm qua, từ khi các em còn là những cậu bé còi xương ở khắp mọi vùng miền tập trung lại để được huấn luyện theo kiểu “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”.
Khi ông Lê Thụy Hải nói thẳng và chuyện “gật, lắc” của bầu Đức
Mừng với hình hài mới của đội U19 Việt Nam dựa vào bộ khung của lò đào tạo theo kiểu “luyện gà nòi”, nhưng từ đó lại nảy sinh nhiều vấn đề tranh luận.
Mới đây, chính ông Lê Thụy Hải đã đăng đàn tỏ ý chê bai (chung) lứa cầu thủ này với nhiều bất cập. Thực tế, dưới góc độ chuyên môn, ông Hải góp ý không sai, nhưng cái cách góp ý của ông dễ bị xem là thiếu thiện chí. Dù sao có người nói ra và dám nói thẳng vào những vấn đề tế nhị vẫn tốt hơn nhiều người biết nhưng không dám nói với một suy nghĩ bây giờ ai mà chạy ngược chiều với U19 là bị “ném đá”.
Rõ nhất là chuyện thầy Giôm (tên thường gọi của HLV Guillaume) không phải là ông thầy chuyên săn thành tích mà chỉ là một ông giáo yêu trẻ, yêu bóng đá và dạy dỗ nên người một lứa cầu thủ trẻ ăn tập với ông suốt 7 năm.
Ông Lê Thụy Hải đưa ra quan điểm thắng thắn của mình
Thầy Giôm có thể trang bị cho các cầu thủ nhiều kiến thức, nhưng khó có thể là người cùng các cầu thủ đi chiến đấu, đi đánh trận và săn thành tích. Thế những ông thầy này vẫn ở bên các cầu thủ của ông và mặc nhiên ông làm HLV trưởng đội U19 Việt Nam vì nhiệm vụ của ông gắn với các cầu thủ Học viện HAGL – Arsenal JMG vẫn chưa chấm dứt (tháng 10 này các cầu thủ mới ra trường).
Điều ông Lê Thụy Hải thấy là điều nhiều người thấy, nhưng chuyện tìm HLV cho U19 Việt Nam lại là bài toán khác rất xa so với các đội tuyển hoặc những đội trẻ ngoài U19.
Nghịch lý của bóng đá Việt Nam ở cấp đội tuyển và đội trẻ là với đội U19 Việt Nam những nhà điều hành bóng đá làm gì cũng phải hỏi và phải xin ý kiến của bầu Đức bởi thành phần chủ lực là của ông bầu này. Ông gật thì được, mà ông lắc thì tất cả phải lắc theo bởi U19 Việt Nam đang ăn theo sản phẩm của bầu Đức từ chuyện ăn uống đến tập huấn.
Từ phần lệ thuộc lớn đấy mà mọi góp ý hay xây dựng ngoài U19 HAGL – Arsenal JMG đều trở nên khiên cưỡng và ngoài luồng, cho dù từ cái lò U19 HAGL – Arsenal JMG đến đội tuyển U19 Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm.
Bầu Đức nắm gần như toàn quyền quyết định U19 Việt Nam
Ngay cả chuyện ban huấn luyện cũng là chuyện riêng của bầu Đức bởi ông không trực tiếp chỉ đạo, nhưng ông có “quyền” bỏ ai và đề nghị gọi ai xuất phát từ đội bóng đấy được hiểu là đội của ông. Thế nên chuyện ông Lê Thụy Hải góp ý, hay chuyện ông Hải cho rằng ông đủ năng lực để làm HLV trưởng chỉ là chuyện những người có chuyên môn họ bàn với nhau.
Lò HAGL – Arsenal JMG chắc chắn sẽ không chấp nhận cho cầu thủ của họ có tư tưởng đá bóng kiểu lấy xe bít đổ trước cầu môn rồi chờ thắng bằng loạt luân lưu may rủi như kiểu ông Hải và ông Chung từng làm HLV đội U22 Việt Nam vô địch Cúp Merdeka – Malaysia năm 2008.
Lò HAGL – Arsenal JMG chắc chắn sẽ không từ bỏ kiểu đá cho cầu thủ mình cầm bóng vỗ đều và lao lên tuyến trên tấn công, dù thừa biết đội mình thua từ hàng phòng thủ vụng. Đơn giản vì mục tiêu của họ không đào tạo hậu vệ lẫn thủ môn và công nghệ “nuôi gà chọi” vẫn được tiến hành cả khi các cầu thủ đấy khoác áo đội tuyển U19 Việt Nam.
Chuyện của U.19 Việt Nam vì thế mà cứ có nhiều bàn tán tranh luận, nhưng với những nhà điều hành bóng đá thì họ hiểu rằng ở đội bóng đấy có những “vùng cấm” mà công tác chuyên môn khó có thể chen vào ngoài giáo án lẫn tư tưởng của một lò đào tạo “luyện gà” với đầu ra khác với chuyện phục vụ một đội tuyển.
Dẫu sao cũng nên chấp nhận với những điều mà U19 Việt Nam mang lại bởi cái được lớn nhất là mặt tinh thần và niềm tin trước khi chinh phục thành tích. Và cũng nên trân trọng với những điều bầu Đức đã làm và đã đóng góp cho đội tuyển trẻ U19 Việt Nam bằng thế hệ cầu thủ mà ông đổ rất nhiều tiền để tạo chất xúc tác và tiền đề trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.
Video U19 VN thua U19 Myanmar ở CK U22 ĐNÁ:
|
|
|
|