Chuyện ở "lò" đào tạo trẻ VFF
Nhà nước đã “tin” và trao quyền VFF đào tạo xây dựng lực lượng ở bộ môn bóng đá cho ASIAD 2019 (tổ chức tại Việt Nam) và lò đạo tạo trẻ đấy đã chính thức hoạt động.
Có người nói rằng niềm tin đấy đặt không đúng chỗ nhưng thực chất không đặt vào VFF thì đặt vào đâu (?!). Cũng nên hiểu rằng VFF là tổ chức xã hội được nhà nước cho phép thành lập và chịu sự quản lý về mặt nhà nước của Bộ VH-TT&DL trong đó gần gũi nhất là Tổng cục TDTT. Và nói như nhiều người thì trao cho VFF cũng là nắm người có tóc.
Sáu năm khởi động cho một “đề án” đào tạo trẻ
Trao cho VFF thì không sai nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ VFF thực thi chuyện đào tạo trẻ như thế nào, cho dù nói như ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là hầu như không quốc gia nào trên thế giới mà tổ chức LĐBĐ “ôm” phần đào tạo trẻ cả.
Ông Hỷ nói đúng, nhưng chỉ đúng có vế đầu. Còn vế sau thì ông không đi vào chi tiết nhưng lại là vế rất quan trọng: LĐBĐ quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện cho các CLB xây dựng lực lượng làm nền tảng vững chắc cho các CLB và cũng là cho rường cột của bóng đá nước nhà tương lai.
Ở đây vế sau mà các LĐBĐ quốc gia thường xuyên thực hiện thì ở ta, LĐBĐ VN lại rất xa rời với chuyện hỗ trợ, hướng dẫn hay ủng hộ các CLB phát triển bóng đá trẻ.
VFF có rất nhiều ban bệ với một bộ máy kềnh càng, nhưng đã có bao giờ những ban bệ đấy được cử xuống để tìm hiểu cặn kẽ và để giúp các CLB làm bóng đá trẻ hay chưa?
VFF có rất nhiều tiền của FIFA hỗ trợ cho bóng đá trẻ và của nhà nước cho việc đào tạo lực lượng, nhưng chuyện chia sẻ và đầu tư cho các CLB làm bóng đá trẻ thì đã có bao giờ VFF san sẻ thay cho việc “ôm làm của riêng” (?!). Ở đây Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ VFF là một minh chứng. Cái trung tâm đã tồn tại 6 năm cùng với lò Học viện HAGL – Arsenal JMG, nhưng phần thu hoạch đến bây giờ thì VFF là số 0, còn học viện của bầu Đức thì đã có một lứa cầu thủ làm nòng cốt U19 quốc gia làm nổi đình nổi đám bởi chuyện ăn học tử tế.
Lứa trẻ tài năng của bầu Đức
Hai nhiệm kỳ VFF vừa qua với đa phần là một bộ máy và những con người không đổi cũng là hai nhiệm kỳ mà VFF “vẽ” một hệ thống đào tạo trẻ để đạt được Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ hoành tráng, nhưng chức năng hoạt động thì lại để không cho đến khi nhà nước giao làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng cho Asiad 2019 thì bắt đầu rục rịch. Và chuyện rục rịch đấy bắt đầu từ tiền nhà nước rót vào và VFF khởi động bộ máy mới của lò đào tạo một cách chắp vá, rồi gọi quân ở các địa phương lên.
Một Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ mà lộ trình bị động như thế trong đó có cả việc khó khăn trong tìm thầy, tìm thợ thì có đáng để gọi là lò đào tạo?
Vì sao các CLB không tin kế hoạch đào tạo của VFF?
VFF vốn quen với kiểu làm bao cấp theo ngành dọc, tức lấy quyền ấn xuống các CLB (cũng là thành viên của mình) và đề nghị gửi quân lên nhưng chính các CLB có lò đào tạo tử tế giờ họ không tin cách làm nhiều tiền nhưng thiếu phương pháp của VFF.
Nói như các CLB đang có lộ trình đào tạo gối đầu và xuyên suốt từ nhiều năm qua thì ngay từ khâu nhìn vào đội ngũ thầy, thợ và việc định hướng trong huấn luyện lẫn phát triển họ đã không tin cầu thủ mình ở lò đào tạo VFF sẽ khá hơn ăn tập ở nhà. Điều này đúng với phát biểu của ông cựu Giám đốc Trung tâm Đào tạo trẻ mới về hưu – Phạm Quang: “Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ đã không quy tụ được những cầu thủ U16 giỏi nhất nước”.
Không cầu thủ giỏi, không thầy giỏi, không một lộ trình huấn luyện khả thi thì tiền nhà nước có rót vào rất nhiều cùng đổ sông đổ biển.
Nói về vấn đề này, cần phải quay lại những bạn bệ, những bộ phận mà VFF thành lập đã không đủ “cơ” để phản biện những giáo trình huấn luyện, hay những vấn đề thuộc về khoa học kỹ thuật ứng dụng trong bóng đá. Một phòng ban các đội tuyển chỉ toàn những cán bộ “châm” vào thành phần các đội tuyển trong khi lộ trình, đề án xây dựng, phát triển lực lượng như phần việc của một Giám đốc kỹ thuật thì chẳng có gì. Một bộ phận chuyên phủ nhận ý kiến của Hội đồng HLV quốc gia gồm các chuyên gia giỏi làm không ăn lương nhưng lại không có đủ trình độ để phản biện mà chỉ phủ quyết chay thì làm sao quy tụ được trí tuệ tập thể của Hội đồng HLV…
Chỉ mới bàn sơ đến vấn đề thuộc công tác huấn luyện đã thấy niềm tin nghi ngờ là hoàn toàn có cơ sở.
Một đội tuyển dù là ớ lứa tuổi nào cũng đều phải lấy các CLB làm gốc, nhưng ngay từ đầu vào của lò đào tạo VFF, đã không có được sự hỗ trợ, tin tưởng từ các CLB thì làm sao có đầu ra là những cầu thủ tốt.
Ở đấy cần phải đặt ra câu hỏi tại sao ở các CLB, công tác đào tạo tự túc và tự phát của họ đều là do tự tìm tòi và tự khắc phục nhưng đều đạt hiệu quả tốt nhưng họ lại không muốn hợp tác với VFF?
Rõ ràng là họ không chống VFF nhưng họ không muốn phải phí quân cho những việc làm không khả thi lại thiếu định hướng.
Lại phải quay lại với việc nhà nước trao cho VFF rất nhiều quyền và nhiều tiền nhưng lại không kiểm soát được năng lực và khả năng điều hành trong công tác đào tạo trẻ lẫn kết hợp với các CLB một cách khả thi.
Cái này được gọi là lỗi hệ thống ở cơ quan đầu não bóng đá và để không đi vào lỗi đấy, các CLB đã tự cứu mình bằng con đường riêng với nguồn tài chính riêng.
Vì thế mới có sự tréo ngoe khi nhà nước đổ tiền vào rất nhiều cho phát triển bóng đá trẻ nhưng lại đổ vào “chỗ trũng”.