Chuyển nhượng Ngoại hạng Anh: Vì sao mua "bom tấn" đa phần đều "xịt"?
Đa số các vụ chuyển nhượng đắt giá nhất Ngoại hạng Anh đều thất bại.
Thị trường chuyển nhượng sắp mở cửa và thường các “bom tấn” hay xảy ra vào mùa hè bởi các đội bóng đều muốn những cầu thủ mình kỳ vọng nhất được mua ở trước mùa giải mới. Và các fan đều hào hứng khi chứng kiến CLB mình bỏ ra số tiền lớn tậu về những cầu thủ hàng đầu.
Erling Haaland là một trong những vụ mua thành công nhất Premier League mùa 2022/23, nhưng không phải đắt nhất
Nhưng thực tế phần lớn các vụ mua sắm đắt tiền lại không cho ra kết quả như ý. Không chỉ các đội bóng lớn mà những đội đua trụ hạng cũng thế, trong tháng 1 năm nay Leeds United và Southampton đều đã phá kỷ lục chuyển nhượng để mua Georginio Rutter (35,5 triệu bảng) và Kamaldeen Sulemana (22 triệu bảng), nhưng cả hai đều “mất dạng” và 2 đội đều dính vào cuộc đua trụ hạng.
Nhìn vào cả 10 vụ mua cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Premier League, đa số đều đã thất bại và chỉ rất ít thành công. Rất ít ở đây là 2 người: Jack Grealish đã trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu ở Man City, trong khi Virgil Van Dijk là chủ lực hàng thủ Liverpool chinh phục mọi danh hiệu. Còn lại Lukaku (2 lần), Pogba, Maguire đều không thành công, Sancho và Havertz cho đến lúc này cũng không thành công, còn Enzo Fernandez và Antony đang chờ thời gian trả lời.
Top 10 vụ chuyển nhượng đắt nhất lịch sử Premier League (Ảnh: The Athletic - đơn vị: triệu bảng)
Không chỉ top 10, những Nicholas Pepe (72 triệu bảng), Kepa (72 triệu bảng), Alvaro Morata (60 triệu bảng) hay Angel Di Maria (60 triệu bảng) đều đã không thành công. Bên ngoài Premier League, Barca nhận quả đắng sau khi chi khoảng 330 triệu bảng cho Coutinho, Dembele và Griezmann, trong khi Real Madrid chẳng thu được gì từ 138 triệu bảng chi cho Eden Hazard và Luka Jovic. Juventus thậm chí đi giật lùi trong 5 năm qua dù tốn tới gần 900 triệu euro chuyển nhượng.
Không có thất bại nào trong top 10 vụ mua đó đến từ Man City hay Liverpool, bởi họ luôn tối thiểu hóa rủi ro trong các vụ đầu tư của mình. Bên cạnh việc xác định vị trí cần mua, hai đội bóng này và một số CLB mua khôn khác như Brighton phân tích khá kỹ phẩm chất & điểm yếu của các mục tiêu trước khi ra quyết định, và họ cũng kiên nhẫn để cho các tân binh hòa nhập và đạt tới tối đa hiệu quả thi đấu.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Ian Graham, người đứng đầu phòng nghiên cứu dữ liệu của Liverpool, mọi vụ chuyển nhượng đều có 47% khả năng thất bại vì những yếu tố khác nhau, bất kể các CLB có làm việc kỹ càng tới đâu. Có thể do cầu thủ gặp chấn thương nặng, hoặc họ có vấn đề ngoài sân cỏ, hoặc giữa họ và HLV trưởng có bất đồng, v.v…
Real Madrid phí rất nhiều tiền cho Eden Hazard, nhưng họ vẫn thành công những mùa qua nhờ nội bộ ổn định
Tiến sĩ Graham coi việc mua trong thế yếu là nguyên nhân chính khiến nhiều vụ mua sắm đắt tiền thất bại. Đó là khi CLB mua mục tiêu hạng hai sau khi đã mất mục tiêu ưu tiên, hoặc mua cầu thủ trong tình thế mùa giải đi gần tới thất bại, thậm chí là mua chỉ để giảm bớt sức ép từ dư luận đối với lãnh đạo. Graham cho rằng dư dả tài chính không phải là lý do để một CLB bị moi tiền trong các thương vụ, bởi Man City rất thành công trong việc mua sắm mà không cần thường xuyên chi quá 50 triệu bảng.
Trong top 10 cầu thủ được mua đắt nhất của cả mùa giải 2022/23, thị trường Premier League đã đưa đến 3 bản hợp đồng thành công là Casemiro của MU (61 triệu bảng), Alexander Isak của Newcastle (60 triệu bảng) và Erling Haaland của Man City (52 triệu bảng). Số còn lại không thành công (Fofana, Mudryk, Cucurella, Richarlison) hoặc chỉ ở mức trung bình (Enzo Fernandez, Nunez, Antony).
Top 10 vụ mua đắt nhất Premier League mùa 2022/23 (ảnh: The Athletic - đơn vị triệu bảng)
2 trong 3 vụ trung bình rơi vào những đội có nội bộ ổn định là Liverpool và MU, trong khi Chelsea và Tottenham chiếm 4 bản hợp đồng thất bại do khá loạn trong mùa giải này, mỗi bên thay tướng tới 2 lần. Điều đó cho thấy ngay cả những vụ mua đắt cũng có thể sẽ không quá tệ dù không tỏa sáng ngay từ đầu, nếu họ được chơi ở một tập thể được điều hành tốt và ổn định.
Graham cho rằng sự quan trọng nhất dẫn tới một CLB hay thành công trong chuyển nhượng, đó là sự bình yên nội bộ của đội bóng đó. HLV nắm vững quyền lực và được góp tay vào việc chọn tân binh, giám đốc điều hành cũng cẩn thận trong việc bảo đảm các vị trí trên sân có đủ nhân sự chất lượng để HLV sử dụng, và CLB đảm bảo cho cầu thủ mọi điều kiện ngoài sân cỏ để họ yên tâm thi đấu.
Những “bom tấn” đã luôn làm hào hứng các fan của mỗi CLB cho dù số tiền lớn đi kèm rủi ro lớn, và cho đến nay thực tế cho thấy mua đắt hiếm khi dẫn tới thành công. Thay vào đó mua khôn kết hợp với nền nội chính ổn định mới là phương châm, rủi ro vẫn có nhưng thiệt hại nó gây ra sẽ không quá lớn.
Nguồn: [Link nguồn]
MU đang cố gắng hoàn tất những đàm phán cuối cùng để đưa trung vệ Kim Min Jae về sân Old Trafford.