Chuyện khó tin nhưng có thật ở đội bóng đá nữ Sơn La
Năm nay, Sơn La được chọn làm nơi đăng cai tổ chức giải U16 nữ quốc gia. Đây cũng là địa phương duy nhất ở vùng Tây Bắc có đội bóng đá nữ. Vốn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, thế nên câu chuyện theo đuổi sự nghiệp “quần đùi áo số” của những cô gái vùng cao cũng lắm bi hài.
Thiếu người vì cầu thủ… đi lấy chồng
2 tháng trước, Sơn La tham dự Cúp Quốc gia nữ trong tình cảnh đội một chỉ còn đúng 10 cầu thủ. 10 cầu thủ ấy là những người còn sót lại kể từ khi Sơn La quyết định thành lập đội bóng nữ từ 25 cô bé ở độ tuổi 15-16 từ 7 năm trước.
15 người còn lại buộc phải từ bỏ bóng đá vì nhiều lý do. Người đi làm công nhân nhà máy, người phải về nhà lấy chồng. Tình trạng này diễn ra đến mức trở thành vấn đề ám ảnh những người làm bóng đá Sơn La.
Lò Thị Thu là một trụ cột ở đội bóng nữ Sơn La vài năm trước. Thi đấu ở vị trí thủ môn, cô gái dân tộc Thái sớm gây chú ý bởi những pha cản phá xuất thần cũng như khả năng bắt bóng dính tay.
Tuy nhiên, khi sự nghiệp chuẩn bị nở rộ thì Thu bị gia đình gọi về… lấy chồng. Lý do bởi gia đình Thu đã lỡ nhận sính lễ từ một gia đình khác. Trường hợp của Thu không phải cá biệt, bởi Sơn La có hơn 3/4 cầu thủ là người dân tộc thiểu số.
"Sau mỗi đợt nghỉ, khi quay lại tập trung để chuẩn bị cho năm tiếp theo, toàn đội lại có vài người rời đi. Chúng em năm nay cũng ngoài 20 tuổi rồi nên ở nhà bố mẹ cũng giục lập gia đình để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên em thực sự muốn gắn bó với bóng đá để theo đuổi đam mê", đó là chia sẻ từ hơn 1 năm trước của Cẩm Thị Hằng, Đội trưởng đội nữ Sơn La. Nhưng đến năm nay, Hằng cũng nuốt nước mắt chia tay với trái bóng tròn để đi làm công nhân.
Những cầu thủ nữ Sơn La phải thi đấu với chế độ và nguồn kinh phí eo hẹp.
Năm 2012, thời điểm Sơn La thành lập đội bóng đá nữ, mỗi cầu thủ chỉ được hưởng mức trợ cấp vỏn vẹn… 150.000 đồng/người/tháng. Điều đó cũng có nghĩa mỗi cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn chỉ có 5.000 đồng để ăn uống, sinh hoạt với ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Khoản kinh phí eo hẹp đó dần được nâng lên theo các năm lên 600.000 đồng/người/tháng, bên cạnh tiền bồi dưỡng tập luyện 80.000 đồng/người/ngày và tiền ăn 150.000 đồng/ người/ngày.
Nếu chịu khó dành dụm, mỗi cầu thủ nữ Sơn La có thể tiết kiệm 3,5-4 triệu đồng/tháng để gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, số tiền đó chỉ bằng một nửa mức thu nhập nếu đi làm công nhân, vì vậy nhiều cầu thủ như Cẩm Thị Hằng buộc phải từ bỏ đam mê để mưu sinh. Còn đối với đội bóng nữ Sơn La, mỗi khi có một cầu thủ rời đội là một lần công đào tạo nhiều năm qua đổ xuống sông xuống biển.
Hồng Vân là 1 trong 10 cầu thủ còn gắn bó với bóng đá Sơn La.
HLV kiêm ngoại giao, giới thiệu việc làm và tư vấn tuổi hồng
Lường Văn Chuyên năm nay mới 33 tuổi, nhưng là người gắn bó với đội bóng nữ Sơn La từ những ngày đầu tiên. Cơ duyên của vị HLV trẻ với bóng đá miền Tây Bắc bắt đầu kể từ khi anh làm trợ lý cho ông Phạm Hải Anh, cựu HLV trưởng CLB Phong Phú Hà Nam. Ông Hải Anh cũng là nhân vật được biệt phái từ Hà Nam lên Sơn La hỗ trợ xây dựng đội bóng nữ, và Lường Văn Chuyên bắt đầu làm HLV trưởng từ ngày đó.
25 cô bé đầu tiên ở đội bóng nữ Sơn La ở độ tuổi 15, 16 được Lường Văn Chuyên tuyển chọn bằng cách liên hệ với các trường THPT ở địa phương. Anh phải gặng hỏi từng giáo viên thể dục ở các trường để chọn ra những mầm non cho bóng đá tỉnh nhà.
Nhưng tìm thấy là một chuyện, thuyết phục được gia đình các em cho phép tập luyện trở thành cầu thủ lại là chuyện khác. Những gia đình người dân tộc muốn con cái họ sớm đi làm, lập gia đình sau khi tốt nghiệp phổ thông, vậy nên anh lại phải cố gắng hết sức để thuyết phục họ.
Sau khi có cầu thủ, HLV Lường Văn Chuyên lại gặp một khó khăn khác: Không tìm được đối thủ thi đấu. Bởi Sơn La là đội bóng nữ duy nhất ở vùng Tây Bắc, thế nên mỗi chuyến tập huấn là một lần thầy trò phải ròng rã đi hàng trăm cây số đến Hà Nội hoặc Quảng Ninh. Năm 2016, khi đội Sơn La vào TP HCM tham dự giải vô địch quốc gia nữ, các cầu thủ còn phải ăn cơm bình dân mỗi ngày.
Điều kiện tập luyện khó khăn khiến các cầu thủ nữ Sơn La dần dần rẽ ngang để có cuộc sống tốt hơn. Khi ấy, HLV Lường Văn Chuyên lại trở thành người giới thiệu việc làm. Bằng cách tận dụng các mối quan hệ cá nhân, anh giúp các cầu thủ tìm được việc làm tốt. Nhưng sau mỗi lần có học trò bỏ đội, anh lại phải đau đầu tìm kiếm nhân tố mới thay thế. Để Sơn La đủ quân số tham dự Cúp Quốc gia 2019, anh đã phải mượn cấp tốc thêm 6 gương mặt từ CLB Phong Phú Hà Nam.
Tuy nhiên, việc phải làm HLV của một đội bóng nữ còn mang đến trở ngại tế nhị cho HLV Lường Văn Chuyên. Vì không có thành viên nào trong ban huấn luyện là nữ giới, thế nên anh cùng các cộng sự phải kiêm nhiệm luôn trọng trách tư vấn tâm lý cho các cô gái tuổi mới lớn. Việc có một người thầy làm chỗ dựa tinh thần chính là động lực giúp 10 cô gái còn lại của bóng đá nữ Sơn La tiếp tục theo đuổi đam mê.
Đội nữ Sơn La từng phải ăn cơm bụi mỗi chuyến tập huấn.
Hướng đến tương lai
Đời sống của các cầu thủ nữ Sơn La hiện vẫn rất khó khăn, nhưng đang dần được cải thiện. Bây giờ họ đã có những bữa ăn theo tiêu chuẩn, không còn ăn cơm suất, cơm bụi như trước đây nữa. Với những cô gái vùng cao Sơn La, tiền bồi dưỡng luyện tập và sinh hoạt phí giờ đây giúp họ có thể thoải mái mua… kem chống nắng, thay vì phơi mình tập luyện dưới trời nắng gắt như trước kia.
Bất chấp khó khăn, những cầu thủ nữ Sơn La vẫn cố gắng tập luyện, thi đấu và cải thiện thành tích qua các năm. Họ từng có thời điểm đứng trên Hà Nội 2 và TP HCM 2 ở Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia sau nhiều năm đứng chót bảng.
HLV Lường Văn Chuyên cũng động viên các cầu thủ nữ phấn đấu cải thiện thành tích, bởi chỉ có cách đó mới giúp CLB tìm được nhà tài trợ. Nếu không, sẽ lại có những cầu thủ phải bỏ ngang sự nghiệp như Cẩm Thị Hằng, và đó là điều không ai mong muốn.
Bên cạnh 10 cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp, Sơn La cũng đang phát triển lứa cầu thủ kế cận lớp đàn chị. Hiện tại họ có 24 cầu thủ nữ ở đội U13, và các em được kỳ vọng sẽ sớm trở thành những ngôi sao trong tương lai.
Còn với những cầu thủ nữ không muốn tiếp tục sự nghiệp thi đấu nữa, Sơn La cũng tìm cách hỗ trợ họ bằng cách cho đi học nghề. Đội bóng nữ Sơn La chắc chắn chưa thể thoát khỏi những khó khăn bủa vây trong tương lai gần, nhưng với nền tảng đang xây dựng, họ có quyền nghĩ đến tương lai tươi sáng hơn.
Ghi 1 bàn cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bến So với các địa phương khác như Hà Nội, TP HCM, Hà Nam hay Thái Nguyên, bóng đá nữ Sơn La mới chỉ đang ở giai đoạn mới phát triển. Vì thế, đội bóng nữ Sơn La thường ghi khá ít bàn thắng ở giải vô địch quốc gia: Năm 2016 ghi 5 bàn, năm 2017 ghi 4 bàn, đến năm 2018 chỉ ghi được đúng 1 bàn. Nhưng những bàn thắng hiếm hoi đó lại vô cùng đáng nhớ với những cầu thủ nữ. "Em chưa bao giờ quên bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp của mình", Lê Hồng Vân chia sẻ. "Em là một trong những cầu thủ nữ thuộc lứa đầu từ năm 2012, nhưng đến tận năm 2017 em mới được thi đấu ở vị trí tiền đạo. Hôm gặp TP HCM 2, cả hai đội thi đấu giằng co đến gần hết hiệp 2 mà vẫn không thể khai thông thế bế tắc. Đến phút 87, đội em có một tình huống phản công, đồng đội chuyền bóng tốt giúp em có cơ hội sút. Đó là lúc em ghi bàn lần đầu tiên, cũng là trận thắng đầu tiên của đội ở mùa giải năm đó. Cả đội lao đến chúc mừng, còn em cứ trào nước mắt vì hạnh phúc". Đến giải Vô địch quốc gia 2018, Hồng Vân cũng là cầu thủ duy nhất ghi bàn cho Sơn La khi sút tung lưới Thái Nguyên. Tuy nhiên hôm đó Sơn La lại để thua ngược 1-2. Về phần mình, Hồng Vân thú nhận ghi bàn cho đội nhà thì vui, nhưng bản thân cô vẫn chưa biết điểm mạnh của mình là gì. Mục tiêu của Hồng Vân ở những năm tới là rèn luyện kỹ thuật, thể lực để tiếp tục đóng góp cho bóng đá Sơn La. Hiện Hồng Vân là 1 trong 10 cầu thủ vẫn đang gắn bó ở đội nữ Sơn La. Từng nghĩ đến chuyện bỏ bóng đá, nhưng đam mê vẫn khiến Hồng Vân tiếp tục gắn bó với trái bóng tròn. May mắn của cô gái mới 20 tuổi này là không bị gia đình gây sức ép đi lấy chồng sớm. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình Hồng Vân cũng rất khó khăn. Cha cô mất từ khi cô mới chào đời, mẹ cũng không có công việc ổn định. |
Văn Quyết của Hà Nội và Quang Nam của TP.HCM dính chấn thương nặng.