Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Áo chuyên nghiệp rách quá!”
V-League vừa hạ màn với cái kết không có bất ngờ về tính cạnh tranh vô địch hoặc xuống hạng và dư vị thì không chút ngọt ngào…
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng làng bóng Việt Nam nghiệp dư khoác áo chuyên nghiệp.
Tổ chức giải khác với nâng chất nền bóng đá
. Phóng viên: Ông nghĩ sao trước sự cố không hay và V-League về đích rất thiếu an toàn?
+ Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Nó chính là một hệ quả của cả một quá trình tích lũy những tồn tại ở V-League. Nguyên nhân sâu xa theo tôi là VFF không có định hướng. Thêm vào đó, nhiều mùa giải buông xuôi khiến mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát. Chẳng hạn, XMXT Sài Gòn không có gì hết, từ các tuyến trẻ cho đến mặt sân, thậm chí là không có văn phòng thế mà VFF vẫn cho chơi và khi không thích chơi nữa thì nghỉ.
. Theo ông thì mùa giải V-League 13 có khác gì so với các mùa đã qua?
+ Mùa này là tổng hợp nhiều nhất hạn chế của những mùa qua. Mặt khác là tác động của tình hình kinh tế khó khăn khiến cho mùa giải này lộ ra nhiều tồn tại. Phải dũng cảm và thẳng thắn đánh giá đúng thực trạng của V-League thì mới mong bóng đá Việt Nam có sự thay đổi tích cực.
. Ông nghĩ ban tổ chức giải đã hết mình và khắc phục hậu quả đã ổn chưa?
+ Tôi thừa nhận ban tổ chức có nhiều cố gắng nhưng vấn đề lại là tư duy tổ chức cũ kỹ, lạc hậu quá. Nhìn đi nhìn lại những con người trong bộ máy ấy chỉ toàn là người cũ, họ sống ở thời kỳ bao cấp nên quen với cách xử lý như thế rồi. Ban tổ chức đã không làm tới nơi tới chốn nhiều vụ việc hiển nhiên như thách thức thiên hạ. Đơn cử Ban Tư vấn Đạo đức đưa ra hiện tượng thủ môn Tấn Trường ném bóng cho Philany đá thủng lưới mình thì chiếu theo luật xử được rồi. Hay hiện tượng XMXT Sài Gòn buông thả ở trận gặp SHB Đà Nẵng, B. Bình Dương,… sao ban tổ chức không có biện pháp ngăn ngừa, răn đe, mãi cho đến gần cuối giải mới đùng một cái trừ điểm thì ai mà phục?
Bóng đá Việt Nam đang sống chung với giá trị ảo. Ảnh: XUÂN HUY
Sống chung với những giá trị ảo
. XMXT Sài Gòn bỏ giải và V-League không có đội xuống hạng khiến K. Kiên Giang mừng như bắt được vàng. Nhưng nỗi ám ảnh thiếu tiền vẫn là căn bệnh khó chữa thì trụ hạng để làm gì?
+ Tôi thấy VFF có phần lỗi lớn hơn trong việc này. Giả sử ngay từ đầu mùa, quy định mỗi đội bóng có 35 tỉ đồng thì phải buộc họ chứng minh nguồn tiền và phải ký quỹ để xác nhận tư cách tham gia giải. Điều này sẽ ngăn các đội bỏ giải và bắt buộc họ bảo đảm chi phí cho hoạt động của cả mùa giải. Đội nào không đủ tiêu chuẩn thì không cho chơi, đừng sợ. Không nên khoác áo chuyên nghiệp thì gọi đó là chuyên nghiệp. Áo chuyên nghiệp của ta rách nhiều quá!
. Mùa bóng sau VFF bắt đầu siết chặt quy chuẩn của một CLB chuyên nghiệp rồi…
+ Đã quá lâu rồi bóng đá Việt Nam thiếu định hướng và không có lộ trình rõ ràng. VFF có nhất thiết phải lấy số đông 14 đội V-League và 10 đội hạng nhất. Thử hỏi trong số này có đội nào đủ chuẩn chuyên nghiệp? Tôi dám chắc câu hỏi mùa sau có bao nhiêu đội tham gia không ai trả lời nổi? Còn nói dại, chẳng may Eximbank ngán ngẩm rút lui thì tiền đâu mà làm giải nữa.
Chính vì tư tưởng chạy theo thành tích hào nhoáng nên VFF luôn du di cho những bất cập về mọi mặt, từ công tác bắt buộc đào tạo trẻ ở CLB, nâng chất trọng tài,… Bản quyền truyền hình, các dịch vụ ăn theo khác còn là một mớ bòng bong. Nhiều sân bóng mở cửa cho khán giả vào sân đâu có thu đồng nào, thế là lại hô hào sân thu hút nhiều người xem với những con số ảo.
. Xin cảm ơn ông.
Con số sau một giải đấu không xuống hạng! V-League khép lại sau vòng đấu chiều qua. Một bức tranh không sáng sủa qua các con số bị “méo” và “lệch” bởi sự cố bỏ giải và những cánh tay đưa lên biểu quyết cho mùa giải không xuống hạng. Hết giải, ai về nhà nấy rồi chờ đến “hội làng” lại lên. Liệu những bê bối sau một mùa giải có được những nhà điều hành rút ra để mùa giải mới không đi vào vết xe đổ và đội tuyển không dựa vào cái nền mục nát. A.BÌNH |