Chuyện dụng binh của thầy Park
HLV Park Hang-seo tiếp tục là điểm nhấn của Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Tổng cục Thể dục thể thao diễn ra ngày 26-12.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã dành những lời khen về cách mà ông Park dụng binh tại U22 Việt Nam ở SEA Games 30.
Bùi Tiến Dũng đã mất cơ hội bắt chính ở SEA Games 30. Ảnh: VFF.
Cụ thể, trong bài phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh giá cao thành tích thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Đặc biệt, ông nhấn mạnh thành tích U22 Việt Nam đã xuất sắc giành Huy chương Vàng SEA Games.
Bộ trưởng cho biết: “HLV Park Hang-seo luôn động viên ý chí các cầu thủ, công bằng, khách quan không thiên vị ai cả. Tốt thì khen không thì nhắc nhở. Không tốt không dùng, dù là bất cứ ai. Tôi đề nghị ngành thể thao chúng ta phải làm như vậy”.
Đặc biệt, Bộ trưởng dẫn ra trường hợp thủ môn Bùi Tiến Dũng không được HLV Park sử dụng tại SEA Games 30, ông nói: “Phải biết sử dụng người tài năng nhất ở thời điểm hiện tại, quá khứ chỉ để tham khảo. Tôi đề nghị tất cả HLV của chúng ta phải như vậy. Không dùng Bùi Tiến Dũng, vì không phải nhìn vào tài năng trong quá khứ để quyết định. Quá khứ chỉ để tham khảo, chúng ta đừng lo thiếu người tài. HLV nhìn thấy điều không ổn là không dùng, đó mới là HLV. Mấy người dám làm việc ấy?”.
Thực tế, câu chuyện của Bùi Tiến Dũng đã được nhắc đến rất nhiều trong thời gian diễn ra SEA Games 30. Báo chí đã từng đặt câu hỏi cho ông Park rằng, có phải vì sai lầm của Bùi Tiến Dũng ở trận đấu gặp Indonesia mà ông đã lựa chọn Văn Toản thay thế?
HLV Park Hang-seo đã nói rằng, ông chọn Văn Toản đơn giản vì thủ thành này có chiều cao tốt hơn và có thể chống bóng bổng tốt. Tuỳ từng đối thủ mà ông có những sự lựa chọn thủ môn khác nhau. Tuy nhiên, tất cả những trận đấu sau đó, Văn Toản đã được lựa chọn bắt chính.
Vấn đề lựa chọn thủ môn của ông Park không hoàn toàn đơn thuần vì vấn đề chuyên môn. Bởi chuyện cầu thủ hay thủ môn mắc sai lầm là điều hoàn toàn bình thường, không có chuyện vì một sai lầm cá nhân mà huấn luyện viên loại cầu thủ khỏi đội hình.
Điểm cốt lõi ở đây chính là việc ông Park muốn tạo tâm lý cho các cầu thủ trên hàng công yên tâm hơn. Bởi lẽ, khi thủ môn mắc sai lầm rất dễ ảnh hưởng đến tâm ý thi đấu của đồng đội, chính điều đó khiến Bùi Tiến Dũng phải ngồi dự bị.
Câu chuyện dụng nhân của ông Park không chỉ ở giải đấu này mới mang đến hiệu quả. Ngay từ giải U23 Châu Á 2018, ông Park cũng đã mang đến một phong cách với việc xoay vòng cầu thủ theo từng trận đấu. Thế nên thời điểm đó, việc dự đoán đội hình thi đấu của U23 Việt Nam là điều rất khó khăn.
Đến ASIAD 18, khi chứng kiến Bùi Tiến Dũng không thường xuyên được ra sân ở V.League, ông Park đã gọi Văn Lâm lên tập trung cùng U23 Việt Nam để sẵn sàng phương án thay thế.
Chỉ khi Bùi Tiến Dũng đáp ứng được vấn đề chuyên môn, ông Park mới quyết định loại Văn Lâm để ưu tiên cho 3 cầu thủ khác ngoài độ tuổi 23 trên hàng công là Văn Quyết, Anh Đức và Hùng Dũng. Đấy cũng là giải đấu mà ông Park thành công với việc chọn những cầu thủ ngoài độ tuổi.
Đến AFF Cup 2018, ông Park cũng đứng trước bài toán tìm người thay thế hậu vệ Văn Thanh bị chấn thương. Sau cả chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, ông vẫn loay hoay trong việc quyết định ai đá cánh phải. Cuối cùng, Trọng Hoàng được lựa chọn cho vị trí này. Vốn quen với vị trí sở trường là tiền vệ công và tiền vệ cánh, thế nhưng Hoàng “bò” đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và lấy luôn vị trí này của Văn Thanh kể cả khi anh trở lại.
Asian Cup 2019, ông Park vắng cả Anh Đức và Văn Quyết. Đó là những cầu thủ có nhiều kinh nghiệm nhất của đội tuyển Việt Nam. Ở giải đấu đó, Công Phượng, Văn Toàn là những cầu thủ thường xuyên được đá chính và trám vào vị trí tiền đạo cắm. Ông Park tiếp tục cho thấy khả năng xoay tua đội hình một cách linh hoạt.
SEA Games 30 lại là giải đấu mà ông Park tiếp tục thành công với bài toán dụng nhân. Đó là câu chuyện gọi hai cầu thủ đa năng là Trọng Hoàng và Hùng Dũng trong 2 suất ngoài độ tuổi 22. U22 Việt Nam đã giành chức vô địch với vai trò rất lớn của hai cầu thủ giàu kinh nghiệm này. Bên cạnh đó, ông Park cũng đã nhiều lần xoay từ sơ đồ 3-4-3 sang 3-5-2 một cách linh hoạt. Đó cũng là công thức tạo nên thành công của ông Park.
Nhìn lại kỳ SEA Games 30, rõ ràng huấn luyện viên người Hàn Quốc đã để lại một dấu ấn lớn. Câu chuyện về Bùi Tiến Dũng chỉ là bề nổi. Với ông Park, dụng nhân luôn là một nghệ thuật mà bản thân ông đã chứng minh cho tất cả thấy tư duy và tầm nhìn của mình.
Ông Park có trợ lý mới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác nhận trợ lý Lê Huy Khoa sẽ chuyên trách việc phiên dịch ở đội tuyển quốc gia. Vai trò tương tự tại đội U23 sẽ được giao cho ông Vũ Anh Thắng. Trợ lý Thắng đã đồng hành cùng U22/U23 Việt Nam suốt một thời gian dài trước thềm SEA Games. Vị trợ lý trẻ nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao từ HLV Park Hang-seo cũng như nhóm cộng sự Hàn Quốc. Ông Thắng cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được “thử lửa” trong chuyến tập huấn của U23 Việt Nam tại Hàn Quốc. Trước đó một thời gian, ông Khoa đã thông báo cho HLV Park và VFF biết sự việc. Ông cũng tham gia hỗ trợ tận tình cho trợ lý Thắng suốt thời gian tập trung song song tuyển quốc gia và U22 Việt Nam. Khi quá trình này kết thúc, khi ban huấn luyện 2 đội tuyển hợp nhất trước SEA Games, ông Khoa tiếp tục giúp đỡ ông Thắng ở U22 Việt Nam. U23 Việt Nam hiện tập luyện tại TP.HCM. Ngày 1-1-2020, đội tuyển sẽ lên đường sang Thái Lan dự vòng chung kết U23 Châu Á 2020. |
Đích thân HLV Park Hang Seo phải ra tay thị phạm cho các thủ môn U23 Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]