Chuyện dài cuộc chiến chống tiêu cực
Việc Ban Tư vấn Đạo đức (TVĐĐ) xin ngừng hoạt động cũng có thể được xem là sự chết yểu của một ban được hình thành với hy vọng mang lại kỷ cương cùng tiêu chí sạch trên sân cỏ.
* “Sống chung với lũ”
Bóng đá Việt Nam từng tuyên chiến với tiêu cực nhưng lần nào cũng bị tiêu cực lấn át, rồi lại chấp nhận sống chung với tiêu cực thay cho chống triệt để. Xét cho cùng, bóng đá chỉ là một phần của xã hội và chuyện ở sân bóng cũng mang hình dáng ở ngoài đời tức kiểu chấp nhận “sống chung với lũ”.
Sân cỏ Việt Nam từ thời bao cấp đã tồn tại tiêu cực và đến nay nhiều người vẫn hay tranh cãi rằng vùng nào mang tiêu cực gieo vào bóng đá nước nhà. Có người nói rằng khi bóng đá được quyết định bởi đồng tiền thì tiêu cực bắt đầu nảy sinh, nhưng cũng có những lập luận ngược lại rằng hồi bao cấp đi xe ca, xe Hải Âu, ở nhà khách tập thể thì vẫn có “liên mình ma quỷ” và cái liên minh đấy không hẳn là do đồng tiền quyết định.
Có lần tôi trao đổi với ông cựu Giám đốc Sở TDTT Đồng Tháp Sáu Thành và hỏi thẳng hồi ông dẫn đội dù là tân binh đi đá ở đâu người ta sợ đó có phải vì đội ông “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”?. Ông Sáu nghe và cười tủm tỉm trả lời: “Có người vẫn nói tôi là người chịu chi, chịu chơi và gieo tiêu cực, nhưng sao không chịu hỏi những người trước giải hay “họp” nhau và hè nhau đá cho thằng này xuống hạng, thằng kia đứt bóng. Thực tế thì cũng chỉ là cách để tồn tại trong cái sân chơi nhiều nhiễu nhương thôi. Và có lúc tôi đã chứng minh được mình là tân binh nhưng biết chơi thì vẫn có “bạn”, vẫn có người đến “theo” mình và “nghe” mình, rồi “phục vụ” mình…”.
Dài dòng chuyện của bóng đá tiêu cực và chuyện “tồn tại” ở sân cỏ để dẫn đến chuyện hình thành Ban TVĐĐ và cả chuyện cái ban này bỗng dưng xin nghỉ trong thời buổi sân cỏ đang đánh mất đi cái đẹp, dù người ta luôn miệng kêu gào thứ gọi là đạo đức sân cỏ.
Bây giờ mà nói chuyện tư vấn đạo đức thì có nhiều người cười khẩy bởi đạo đức thì không thể tư vấn được mà phải là ý thức, là giáo dục từ bé. Thậm chí là từ trước khi cả các em năng khiến bước vào môi trường bóng đá và nó đường nuôi dưỡng, được rèn để trở thành ý thức trách nhiệm, là nghĩa vụ của một học sinh, rồi một cầu thủ trẻ và một công dân.
Thế nên chuyện Ban TVĐĐ hình thành rồi đi bắt tiêu cực, đi phân tích cái sai, cái xấu, cái lừa lọc để đưa lên rồi xử, được dư luận khen ngợi nhưng trong môi trường bóng đá thì bị các đối tượng giãy nảy, phản ứng là điều không lạ.
Ông Nguyễn Văn Vinh (bên phải), thành viên Ban Tư vấn Đạo đức, đã từng nhiều lần nêu những ý kiến thẳng thắn về tiêu cực ở V-League, nhưng bị "làm ngơ"
* Đầu hàng với tiêu cực bóng đá?
Bóng đá là một phần của xã hội nên song song với việc phát triển phải có phòng, chống để ngăn chặn và ngừa cái xấu. Và Ban TVĐĐ ra đời từ ý tưởng của bầu Kiên (Phó chủ tịch HĐQT VPF thời bấy giờ) với mục đích là để “tìm”, để “bắt” và để “chống” cái xấu. Thế nên có nhiều người tiếc vì khi Ban TVĐĐ hoạt động, người quyết liệt với việc phải có ban này để trị tiêu cực lại không còn trong bộ máy VPF nữa vì vào vòng lao lý, nhưng cũng có người nói rằng thế hóa ra lại may bởi có khi lập Ban TVĐĐ cũng là một phần của kế hoạch mà bầu Kiên tính xa cho việc làm kinh tế từ bóng đá mà trước mắt ông cần quyền lực trong tay mình.
Ban TVĐĐ về danh nghĩa thì vẫn còn như việc xin tạm ngừng hoạt động, cũng có thể hiểu là đã khai tử vì không được cấp “chứng chỉ” để làm. Nói đúng hơn là ban này không được ủng hộ sau những việc nổi đình nổi đám sau những lần chỉ tận nơi tiêu cực.
Thói đời khi nói đến chuyện đạo đức thì rất nhiều người dị ứng bởi phạm trù đấy mà tư vấn hay dạy dỗ thì rất khó nghe. Thế mà thời gian qua Ban TVĐĐ lại phải giữ cái tên nghe không đúng với bản chất công việc họ làm. Và cái khó của ban trên là nhiều đội bóng lại không phục với cách làm theo kiểu “truy tìm tội phạm” mà công cụ trong tay của ban này lại rất yếu.
Xét cho cùng, nhiệt tình và chuyên môn từ những phân tích hiện tượng trận đấu hay biểu hiện của cầu thủ thôi thì chưa đủ, đặc biệt là khi chối tội đối tượng hay gân cổ theo kiểu “bằng chứng đâu?”. Mà bằng chứng trong bóng đá qua hiện tượng rõ ràng là chưa đủ. Ít ra nó phải được thực hiện với hình thức như bầu Kiên từng chỉ mặt từng lãnh đạo đội bóng và nói rằng “Tôi có bằng chứng anh cho tiền trọng tài”, hoặc “Tôi có bằng chứng trọng tài nhận tiền, vòi vĩnh từ đội bóng”. Và từ cái “bằng chứng” đấy, tất cả những người bị chỉ mặt đều im re, cho dù họ hiểu rằng cái cách mà bầu Kiên đi tìm bằng chứng theo như ông nói là được cung cấp qua nghe lén điện thoại là phạm luật.
Bóng đá Việt Nam khi đón nhận lá đơn xin tạm ngừng hoạt động của Ban TVĐĐ rõ ràng là đã được hiểu rằng rất nhiều người đầu hàng với tiêu cực. Nói đúng hơn là chỉ một nhúm chống, còn phần còn lại thì thấy Ban TVĐĐ làm quá lại lo, trong đó lo cả những người làm bóng đá không tử tế sẵn sàng bỏ đội bóng như cái cách mà XMXT Sài Gòn bỏ đội vì quy họ bán độ rồi trừ điểm.
Cuộc chiến chống tiêu cực vì thế còn là câu chuyện rất dài mà muốn chống không chỉ là một nhóm của cái Ban TVĐĐ mà phải là việc của toàn xã hội.