Chuyện câu giờ ở V.League
Ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho rằng chất lượng chuyên môn ở các trận đấu tại V.League đang bị suy giảm vì các cầu thủ câu giờ quá nhiều.
Vì đâu nên nỗi
Câu giờ là tình trạng phổ biến thường xảy ra ở các trận đấu tại V.League nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Để đem lại tính chất công bằng, chủ tịch Ủy ban trọng tài FIFA - ông Pierluigi Collina đã đưa ra chính sách yêu cầu các trọng tài phải bù giờ đúng với thời gian chết trên sân. Tại World Cup 2022, có đến 7 trận đấu diễn ra hơn 100 phút. 64 trận đấu trên đất Qatar vào 2 năm trước được bù giờ trung bình 11,25 phút/trận. Tổng cộng 563 phút, tương đương hơn 9 tiếng đồng hồ đã được bổ sung vào các trận đấu ở World Cup 2022.
Phó Chủ tịch VFF - ông Trần Anh Tú khẳng định cần phải chấn chỉnh công tác trọng tài để cải thiện chất lượng chuyên môn V.League trong thời gian tới.
Tại V.League, câu chuyện bù giờ chính xác của các trọng tài đang là một vấn đề. Đơn cử như trận đấu giữa Thanh Hóa vs Hà Nội FC tại chung kết cúp Quốc gia 2024, thủ thành Trịnh Xuân Hoàng nằm sân đến 4 lần trong hiệp 2, trung bình mỗi lần nằm sân rơi vào gần 1 phút. Chưa kể, ở phút 83, trọng tài đã mất đến hơn 2 phút để check VAR, cộng thêm những tình huống gián đoạn trên sân. Tuy nhiên, trọng tài bàn chỉ cho hiệp 2 được bù giờ 6 phút.
Mới đây, ở diễn đàn Kinh tế thể thao 2024, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ông Trần Anh Tú đã nêu quan điểm về tình trạng câu giờ ở các trận đấu tại V.League. Trong đó, các trọng tài cần phải được chấn chỉnh.
“Nhìn từ 4 vòng đấu vừa qua, một vấn đề là các cầu thủ ở V.League câu giờ quá nhiều. Bóng lăn trên sân quá ít, làm giảm chất lượng trận đấu. Chúng tôi sẽ họp với trọng tài, quán triệt phải bù giờ cho đủ, phải triệt tiêu việc cầu thủ giả vờ chấn thương, triệt tiêu bạo lực”.
Theo thống kê từ biên bản báo cáo trận đấu của VPF trong 4 vòng đấu vừa qua, với tổng số 26/28 trận đấu, 2 trận còn lại của vòng 4 sẽ được diễn ra vào 19/10, chỉ 5 trận đấu có bù giờ từ 10 phút trở lên. 21 trận còn lại được bù giờ cả 2 hiệp từ 9 phút trở xuống.
Cần nói thêm, 5 trận đấu được bù giờ trên 10 phút đều đến từ việc các trọng tài kiểm tra VAR quá lâu. Ở trận đấu giữa Bình Dương vs Hải Phòng tại vòng 2 V.League 2024/25, Trọng tài Nguyễn Văn Phúc đã mất gần 10 phút đồng hồ để kiểm tra VAR trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng rốt cuộc, trận đấu chỉ được bù giờ 11 phút.
Hay ở trận Đà Nẵng gặp HAGL, riêng tình huống trọng tài kiểm tra VAR tình huống ghi bàn của HAGL cũng mất gần 6 phút đồng hồ. Chưa kể một vài tình huống gián đoạn khác xảy ra trong trận đấu. Tuy nhiên sau cùng, trọng tài chỉ cho trận đấu bù giờ tổng cộng 10 phút trong cả 2 hiệp.
Nhìn vào dữ liệu phân tích, số phút bù giờ ở các trận đấu tại V.League chỉ ngang với quãng thời gian các trọng tài check VAR. Trong khi những tình huống nằm sân, câu giờ, phạm lỗi hay gián đoạn trận đấu không được bù giờ đáng kể.
Các trọng tài V.League đôi khi đưa ra quyết định thiếu chính xác dù đã có sự hỗ trợ từ công nghệ VAR.
Câu chuyện VAR V.League
Ở trận đấu giữa Indonesia vs Bahrain tại vòng loại 3 World Cup 2026, trọng tài Ahmed Al - Kaf đã cho hiệp 2 trận đấu được bù giờ 6 phút. Tuy nhiên, quãng thời gian bù giờ đã kéo dài lên 8 phút. Cay đắng thay, Indonesia đã bị thủng lưới ở những phút bù giờ cuối cùng và đánh rơi chiến thắng ngay trên sân Bahrain.
Ngay lập tức, hàng triệu cổ động viên Indonesia đã tấn công trọng tài Ahmed Al - Kaf, thậm chí đe dọa đến người thân và gia đình ông. Tuy nhiên theo các chuyên gia châu Á nhận định, ông Al - Kaf đã làm đúng luật. Vị vua áo đen người Oman đã bù giờ cho khoảng thời gian bóng chết, khi Bahrain dàn xếp đá phạt. Bù giờ của bù giờ là cách mà các trọng tài đang thực thi. Như đã nói ở phía trên, các trận đấu tại World Cup 2022 diễn ra đến phút bù giờ thứ 13, 14 là chuyện bình thường. Bởi đó là cách để trận đấu diễn ra thực chất với 90 phút trọn vẹn đúng nghĩa.
Quay trở lại với công nghệ VAR, trong phòng họp báo sau trận Hải Phòng vs Bình Dương, HLV Chu Đình Nghiêm đã phải thốt lên: “Chưa có giải nào kiểm tra VAR lâu như V.League”. Được biết ở trận này, trọng tài chính Nguyễn Văn Phúc và tổ điều hành phòng VAR đã mất đến 10 phút để xem lại các tình huống quay chậm.
Nhưng ngay cả khi check VAR, các trọng tài đôi lúc cũng chưa đưa ra quyết định đúng đắn, dù được quan sát ở góc máy thuận lợi. “Rất nhiều tình huống đáng lẽ thẻ đỏ, trọng tài kể cả có kiểm tra VAR không rút thẻ”, ông Trần Anh Tú nói. Sau vòng 4 V.League 2024/25, giải đấu chỉ ghi nhận 4 thẻ đỏ. Tại vòng 3, trong trận đấu giữa CLB Công an Hà Nội vs Bình Dương, trung vệ Giáp Tuấn Dương đã nhảy lên và giẫm thẳng 2 chân vào vùng mắt cá của cầu thủ đội khách. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại công nghệ VAR, trọng tài chỉ rút thẻ vàng. Sau cùng, Ban Kỷ luật VFF ra án phạt nguội treo giò Giáp Tuấn Dương, bằng cách kiểm tra VAR theo cách của riêng họ.
Sau World Cup 2022, hầu hết các giải VĐQG trên thế giới đã áp dụng luật bù giờ mới. Theo đó, các trận đấu sẽ diễn ra với khoảng thời gian bù giờ dài hơn rất nhiều so với thông thường. Thậm chí, có những trận đấu xuất hiện tới hơn 20 phút bù giờ tính cả 2 hiệp đấu. Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực của các cầu thủ trong trận và giúp trận đấu diễn ra thực chất với 90 phút trọn vẹn đúng nghĩa.
Trong 2 mùa giải V.League trở lại đây, số phút bù giờ trong mỗi trận đấu đã có phần tăng do có sự xuất hiện của công nghệ VAR. Tuy nhiên, vấn đề là thời gian bù giờ trong các trận đấu vẫn chưa thiết thực. Bởi số phút bù giờ ở các trận đấu tại V.League chỉ ngang với quãng thời gian các trọng tài check VAR. Trong khi những tình huống nằm sân, câu giờ, phạm lỗi hay gián đoạn trận đấu không được bù giờ đáng kể. Ông Trần Anh Tú - Phó Chủ tịch VFF, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi sẽ họp với trọng tài, quán triệt phải bù giờ cho đủ, phải triệt tiêu việc cầu thủ giả vờ chấn thương, triệt tiêu bạo lực”.
Nguồn: [Link nguồn]
(Vòng 4 V-League) 5 bàn và 1 thẻ đỏ là những điểm nhấn của trận đấu trên sân vận động Quy Nhơn.