Chung kết World Cup nữ, Mỹ - Nhật Bản: Duyên nợ chồng chất!
Cách đây bốn năm, tại World Cup nữ 2011, vẫn bộ đôi này vào trận chung kết và Nhật Bản đoạt chức vô địch thế giới sau 120 phút hòa 2-2 rồi thắng 3-1 trong loạt sút luân lưu.
Năm 2012, cũng hai đội Nhật Bản-Mỹ lại đối đầu nhau trong trận chung kết Olympic London 2012 và lần này thì các cô gái Mỹ đã phục hận thắng lại 2-1. Gần đây nhất năm 2014 đá giao hữu trên sân Bồ Đào Nha cũng hai đội trên đã bất phân thắng bại.
Bây giờ trên sân Canada sẽ là trận quyết định và vẫn là hai đối thủ hàng đầu Nhật Bản-Mỹ đã quá quen thuộc với nhau.
Đương kim vô địch Nhật Bản vẫn còn nhiều cựu binh gồm đội trưởng Miyama chuyên gia sút phạt đền cũng là người đã hai lần ghi bàn trong giải, thủ môn Kaihori, cùng các đồng đội Ogimi, Sakaguchi, Iwabuchi... Nhật Bản vào chung kết sau năm trận toàn thắng và trận nào cũng chỉ thắng với cách biệt một bàn.
Nhật Bản khó lòng bảo vệ được cúp vàng khi tái ngộ đội Mỹ giàu kinh nghiệm
Sức mạnh chính làm nên chiến thắng của các cô gái Nhật là tinh thần thi đấu cao được hun đúc trong một tập thể giàu sức chiến đấu dù thua kém các đối thủ về mặt thể hình. Nhật Bản luôn chú trọng khống chế cầm bóng để triển khai lối chơi kỹ thuật nhanh và linh hoạt với sức bền cao và tinh thần chiến đấu không mệt mỏi.
Tuy nhiên, để tái lập kỳ tích bốn năm trước, các cô gái Nhật cần cải thiện khâu dứt điểm. Chỉ số trong 72 cú sút từ đầu giải đến giờ Nhật Bản chỉ đạt được xác suất 26% trúng hướng cầu môn là một minh chứng rõ nét nhất.
Ngược lại, đội Mỹ có ưu thế hơn về tầm vóc cao to và thể lực mạnh áp dụng chiến thuật hiện đại tấn công tốc độ dựa trên đội hình được tổ chức khoa học tuân thủ kỷ luật chặt chẽ. Đội hình công thủ đồng đều với hàng phòng ngự có đội trưởng Rampone, trung vệ kỳ cựu Johnston (đã chơi 201 trận) và thủ môn Hope Solo từng giữ trắng lưới suốt 513 phút. Còn trên thế công là tiền đạo Wambach (vua phá lưới của đội với hai lần vô địch Olympic) và Lloyd (ba bàn), Rapinoe (hai bàn), Morgan, O’Hara…
Nhưng một số trụ cột của Mỹ đã khá lớn tuổi như hậu vệ đội trưởng Rampone 40 tuổi (lớn tuổi nhất giải), tiền đạo Wambach 35 tuổi, thủ môn Solo 33 tuổi… Bù lại họ từng trải kinh nghiệm trận mạc quốc tế đỉnh cao hơn, điển hình như Rampone đã dự bốn World Cup và bốn kỳ Olympic. Nhờ đó họ đã vượt qua Đức hiện xếp hạng số 1 FIFA.
Xét về đối đầu trước khi đánh bại Mỹ năm 2011, Nhật Bản trong 25 năm chưa bao giờ vượt qua được đối thủ này vốn là nhà vô địch giải đầu tiên năm 1991 sau đó lập lại năm 1999. Vì thế lần này Mỹ đang nhắm mục tiêu đoạt giải nhiều lần nhất. Nhưng Nhật cũng nuôi hy vọng hướng đến danh hiệu vô địch hai kỳ liên tiếp mà lâu nay chỉ đội Đức làm được năm 2003 và 2007.
Theo chúng tôi, Mỹ sẽ đòi được món nợ bốn năm trước trong thời gian thi đấu chính thức.
Chim két Oliva tiên đoán Tại Tokyo, tòa thị chính quận Tochigi đã tổ chức một cuộc dự đoán kết quả trận chung kết này bắt chước kiểu chú bạch tuộc Paul hồi Euro 2008. Theo đó hai cột cờ (nhỏ) Nhật Bản và Mỹ được đặt trước mặt cho chú két Oliva 10 tuổi này dùng mỏ chọn. Kết quả là két Oliva chọn cờ Nhật! Để tăng độ tin cậy, người ta cho biết đã thử nghiệm chú sáu lần qua những trận bóng khác và đều cho kết quả chính xác. |