Chủ tịch VFF: Tôi chấp nhận bị "mắng" vì bóng đá VN
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bày tỏ quyết tâm loại bỏ tiêu cực khỏi bóng đá Việt Nam.
Với những phát biểu có phần gây "sốc" gần đây, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã bị dư luận chỉ trích khá nhiều. Trước tiên là việc ông Lê Hùng Dũng đặt ra những hoài nghi và nhờ cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ các tuyển thủ Việt Nam tiêu cực ở trận thua Malaysia tại bán kết lượt về AFF Cup 2014.
Sau khi cơ quan chức năng ở Bộ Công an lên tiếng rằng chưa có bất cứ dấu hiệu tiêu cực nào ở trận thua đau của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2014, ông Dũng vẫn giữ quan điểm rằng mình có quyền đặt nghi vấn và chẳng phải xin lỗi các tuyển thủ Việt Nam. Ngoài ra, ông Dũng đã tiết lộ rằng bản thân ông đang nắm trong tay những "tin mật" mà cơ quan chức năng chưa được biết.
Mới đây, người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam tiếp tục khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố số cầu thủ dính tiêu cực trong trận đấu giữa Kelantan và V.Ninh Bình là 14 cầu thủ chứ không phải 9 cầu thủ vừa bị VFF treo giò vĩnh viễn. Trao đổi với chúng tôi, ông Dũng cho biết có thể những ý kiến ông đưa ra bị phản đối, thậm chí bị chửi rủa nhưng ông vẫn chấp nhận vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Ông Lê Hùng Dũng trả lời truyền thông sáng 30/12
"Như nhiều người cũng đã biết tính cách của tôi rồi. Tôi là người không bao giờ che giấu yếu kém của bản thân, không bao giờ che giấu tiêu cực. Cái gì đúng tôi kiên quyết thực hiện. Cái gì sai mình phải thừa nhận. Mình cũng phải biết mình đang làm không tốt điều gì để khắc phục chứ không thể che giấu. Cũng như tôi từng cho rằng những gì ông Miura nói về bóng đá Việt Nam vừa qua rất đúng.
Những phương châm của tôi trong nhiệm kỳ này chính là xây nhà từ móng, trẻ hoá các đội tuyển và không chạy theo thành tích. Kiên quyết làm như vậy, tôi chấp nhận sẽ bị phê bình, phải trả giá. Thậm chí, tôi còn sẽ bị chỉ trích nặng nề nữa. Nhưng tôi không sợ, bởi tôi không có mưu cầu nào khác ngoài việc làm bóng đá Việt Nam phát triển. Có thể bị người ngày người kia chửi rủa nhưng lương tâm tôi trong sạch, không làm điều gì sai nên không phải sợ gì hết", chủ tịch VFF nói.
Theo ông Dũng, các CLB cũng phải bắt tay vào giáo dục các cầu thủ của mình chứ chỉ riêng VFF hành động chống tiêu cực là chưa thể đủ: "Tôi nghĩ các đội bóng là gốc, họ phải tự giáo dục cầu thủ của mình. Quy chế của VFF quy định rất rõ, rằng nếu ai dính tiêu cực bằng bất cứ hình thức nào, bất cứ quy mô nào cũng sẽ bị loại vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá Việt Nam.
Vị chủ tịch VFF chấp nhận bị chửi rủa vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam
Tôi có nói như vậy để các cầu thủ không còn lăn tăn giữa việc mình phạm lỗi này ít quá nên chắc chỉ dính án phạt chừng vài trận, vài tháng, cùng lắm là bị cấm thi đấu khoảng 1 năm, rồi sau đó lại trở lại thi đấu bình thường được.
Nguồn lợi bất chính mà họ thu được lớn hơn án phạt đó nên họ còn cửa để phạm tội. Nếu chúng ta ngăn chặn hoàn toàn thì có lẽ những cầu thủ ấy chỉ còn một câu trả lời thôi: "Yes", hay "No" với tiêu cực? Nếu cầu thủ nào nói "Yes" với tiêu cực đồng nghĩa sẽ bị loại vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá. Còn ai nói "No" với tiêu cực cũng có nghĩa anh sẽ đảm bảo mình sẽ được sống với nghề của mình.
Án phạt càng đơn giản, càng quyết liệt là biện pháp sốc để cắt cơn đau. Tôi đề nghị các cơ quan truyền thông ủng hộ VFF trong việc quyết liệt chống tiêu cực, cũng như cả xã hội đang thể hiện sự đồng thuận cao với chúng tôi. Tôi tin rằng có những ý kiến trái chiều nhưng chúng tôi luôn giữ quan điểm của mình."
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã cho rằng bóng đá Việt Nam khó có thể trông chờ vào những công ty phân tích dữ liệu để cảnh báo tiêu cực như Sportradar từng được Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á thuê giám sát các trận đấu tại AFF Cup 2014 vừa qua.
"Việc thuê những công ty cảnh báo tiêu cực như Sportradar chỉ áp dụng được ở những nước có hình thức chuyển tiền bằng điện tử. Việc tiền được chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác có dấu hiệu bất thường là họ biết ngay. Tôi đã từng nghe cấp dưới của mình báo cáo về việc này cách đây nửa năm rồi.
Nhưng tôi nghĩ việc này chỉ áp dụng được ở những nước phát triển thôi. Còn ở Việt Nam chúng ta, việc giao dịch của những cầu thủ tiêu cực dùng tiền mặt là chính thì Sportradar dường như vô hiệu", ông Lê Hùng Dũng chia sẻ.