Chủ tịch CLB Long An và văn hóa từ chức ở thế giới bóng đá
Theo thông tin mới nhận, ông Võ Thành Nhiệm, chủ tịch CLB Long An đã chủ động nộp đơn từ chức lên Hội đồng quản trị công ty cổ phần bóng đá Long An. Đó là một hành động thể hiện văn hóa từ chức, một điều không lạ lẫm trong thế giới bóng đá.
Video ông Võ Thành Nhiệm và các bên phản ứng sau sự cố (nguồn VTV):
Văn hóa từ chức
Chiều ngày 20/2, chủ tịch CLB Long An, ông Võ Thành Nhiệm đã nộp đơn xin từ chức sau sự cố xảy ra trên sân Thống Nhất ở vòng 6 V-League.
Chủ tịch Long An chủ động từ chức sau trận đấu gây tranh cãi
Ông Nhiệm cho rằng khi sự cố xảy ra, người đứng đầu đội bóng phải chịu trách nhiệm cao nhất. Đó là văn hóa từ chức cần phải có. Ông cũng khẳng định, dù lá đơn từ chức của ông không được phê duyệt thì ông cũng nhất quyết xin nghỉ để nhường chỗ cho người khác có thể làm cho đội bóng tốt hơn. Trước đó, trong khi trận đấu còn đang diễn ra, chính ông Nhiệm là một trong những người đã vô cùng bức xúc với các quyết định trên sân của trọng tài và thẳng thắn nói ra quan điểm của mình.
Văn hóa từ chức là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi những người lãnh đạo thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, hay nói cách khác là không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ thì họ sẽ từ chức. Văn hóa từ chức cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.
Văn hóa từ chức là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực nhất về lòng tự trọng và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và đầy dũng khí.
Muôn vẻ chuyện thế giới
Sandro Rosell, chủ tịch của Barcelona là một ví dụ. Ông đã buộc phải từ chức vì những cáo buộc trốn thuế trong thương vụ chuyển nhượng Neymar. Cụ thể, Sandro Rosell đã nói về những khó khăn mà ông mắc phải trong vụ chuyển nhượng của Neymar hồi hè 2014. Và để tránh gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Barca, ông Rosell đã quyết định rời khỏi chiếc ghế Chủ tịch CLB.
Cựu chủ tịch FIFA từ chức trước khi bị lật mặt
Nhưng không phải nhà lãnh đạo nào cũng từ chức theo cách khiến người ta phải nhắc đến phẩm giá của mình theo cách tích cực. Sepp Blatter, cựu chủ tịch lâu năm của FIFA lại có liên quan đến một câu chuyện hoàn toàn khác.
Trước khi vụ tham nhũng thế kỷ của FIFA được vạch trần, vị cựu chủ tịch đã điều hành FIFA tới 17 năm này đã tuyên bố từ chức (2/6/2015) ngay sau khi vừa đắc cử thêm 1 nhiệm kỳ trước đó 4 ngày , và còn rất hồ hởi khi tái đắc cử và hứa hẹn sẽ tạo ra sự thay đổi cho FIFA.
Tờ New York Times ngay sau đó đã vạch mặt Blatter, việc nằm trong diện điều tra của FBI được xem như là nguyên nhân chính khiến ông Blatter từ chức chủ tịch FIFA. Lý do từ chức “nghe có vẻ oán hờn” mà ông Blatter đưa ra trong tuyên bố là "không cảm thấy sự tín nhiệm từ toàn bộ thế giới bóng đá - cổ động viên, cầu thủ, người hâm mộ".
Uy tín của FIFA tụt dốc thảm hại sau scandal thế kỷ của giới tục cầu đã được phơi bày ra trước ánh sáng, và sự kiện 14 quan chức cấp cao của FIFA chịu sự điều tra từ FBI và Bộ Tư pháp Mỹ vì tham nhũng 150 triệu đôla trong 24 năm qua, cùng với việc mua phiếu bầu quyền đăng cai các kỳ World Cup gần đây. Đó là một "hệ thống tham nhũng tràn lan, ăn sâu vào gốc rễ" theo cách gọi của Bộ tư pháp Mỹ.
Vị trí chủ tịch của Real cũng lắm vấn đề. Trước khi Florentino Perez trở lại, các fan gần đây của Real có thể không biết hoặc đã quên rằng Real đã trải qua một giai đoạn khá khó khăn từ sau chức vô địch La Liga 2002/03 cho đến chức vô địch La Liga 2006/07 kéo dài 4 năm, tương đương với quãng thời gian cuối của đội hình Galacticos 1.0 và thế hệ kế cận là bộ khung Hà Lan.
Nhờ Calderon, Real Madrid chấm dứt được cơn khát danh hiệu dài 4 năm, nhưng cũng nhờ ông ta, Real Madrid đánh mất luôn vị thế của một "Siêu CLB". Calderon không thể đem về Fabregas, Kaka và Ronaldo khi như mục tiêu ứng cử và hầu như chỉ toàn nói miệng. Bởi vậy ông đã bị ép buộc phải ra đi.