Chọn trợ lý cho HLV trưởng ĐTBĐ VN: Dây mơ rễ má
Điều gì sẽ xảy ra khi quanh HLV trưởng đội tuyển quốc gia không phải là những người giỏi nhất mà là những người “thân” nhất và “dễ bảo” nhất của VFF.
Ngày 4-6, tân HLV trưởng Miura sẽ hội quân dự tuyển Việt Nam với khoảng 50 cầu thủ hầu hết đều nằm trong các đội bóng V-League. Hiện ông thầy người Nhật đang sốt sắng chạy đến các sân bóng tìm thêm nhân tài và kiểm định những cái tên do VFF đưa ra bởi một bộ phận gọi là Ban tư vấn chuyên môn. Ban này có thể xem là nhóm trợ lý ban đầu của HLV trưởng gồm bốn HLV Hoàng Gia, Lê Tuấn Long, Triệu Quang Hà và Như Thuần.
Ngay từ những ngày đầu VFF bộc lộ quan điểm chọn thầy ngoại, các nhà chuyên môn đã không thấy vai trò của Ban tư vấn chuyên môn, dù vẫn còn có một Hội đồng HLV quốc gia chưa kịp giải thể. Tuy nhiên, VFF thực tế đã không cần đến sự tư vấn về việc tìm thầy và bây giờ là tạo ra một ban chuyên môn lâm thời giúp việc cho thầy ngoại.
Nếu như ở các quốc gia có nền bóng đá mạnh, HLV các đội bóng đều là thành viên Hội đồng HLV quốc gia có nhiệm vụ trợ giúp cho HLV trưởng đội tuyển về mặt nhân sự thì ở mình chỉ có một nhóm do VFF chỉ định.
Thời HLV Falko Goetz các trợ lý cũng được tuyển chọn và phần lớn là người có “dây mơ rễ má” theo kiểu dễ sai và biết vâng lời. Ảnh: Xuân Huy
Sự khập khiễng nhìn ra rõ nhất trong cái ban này chính là các HLV đều thuộc khu vực phía Bắc và không phải ai cũng đạt mức tin cậy cao về chuyên môn. Họ đều không phải là HLV có “số má” trong làng bóng về năng lực chuyên môn lẫn cá tính mạnh mẽ mà thậm chí có người còn không có việc làm. Điều này thiếu tính thuyết phục dư luận, ngoài góc nhìn của VFF khi giao những trợ lý cho người chưa am hiểu về bóng đá Việt Nam như tân HLV trưởng Miura.
Có một điều chắc chắn Ban tư vấn chuyên môn này không thể có cái nhìn toàn diện về các cầu thủ sắp sửa lên tuyển vì không trực tiếp huấn luyện hoặc không có nhiều lần xem họ thi đấu.
Ngoài ra, như Phó Tổng Cục trưởng TDTT Phạm Văn Tuấn bày tỏ việc các trợ lý nhất thiết phải có đẳng cấp được ghi nhận. Cần tạo ra sự cân bằng vùng miền nhằm giúp thầy ngoại tuyển chọn nhân sự công bằng và điều đấy giống như sợi dây liên kết cầu thủ từ nhiều nguồn khác nhau.
Mấm mống của sự bất đồng và phản kháng khiến cho bóng đá Việt Nam yếu đuối chính là khi vẫn còn tồn tại trạng thái “dây mơ rễ má” ngay trong cơ thể của đội tuyển quốc gia.
Chuyện chạy dây và mua suất lên đội tuyển Theo lời kể của chính những tuyển thủ của những năm 1990 thì chuyện “dây mơ rễ má” ở đội tuyển thời đấy là có thật. Nó xuất phát từ ảnh hưởng bởi quyền sinh, quyền sát của những người ở Tổng cục TDTT thời đấy quyết định đến nhân sự đội tuyển. Do lên tuyển có nhiều quyền lợi đặc biệt là đi nước ngoài sẽ mang nhiều mặt hàng miễn thuế về hưởng chênh lệch nên nhiều cầu thủ và gia đình “đầu tư” ngay từ đầu vào. Có cầu thủ có tiếng ở đội tuyển hồi đấy sau này kể rằng dù mình không thua chuyên môn ai cả nhưng vẫn phải chạy vài cây vàng để chắc tên. Lên tuyển rồi còn phải biết theo dây mạnh, nếu không là bị cô lập. Có cầu thủ quê ở Đại Lộc, Quảng Nam tâm sự rằng hồi đấy muốn chắc suất phải về quê bán đi đôi trâu và chỉ cần vài chuyến đi buôn khi đi nước ngoài về là có cả vốn lẫn lãi. May là chuyện đấy sau này không tồn tại nữa nhưng chuyện “dây” ở ban huấn luyện thì vẫn còn. NN |