Chọn chủ tịch VFF như thế nào?
Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) có quyền cao nhất trong việc chọn ra vị trí chủ tịch. Ngành thể thao khẳng định sẽ tạo điều kiện để đại hội nhiệm kỳ 8 VFF diễn ra công khai, dân chủ.
Theo kế hoạch ban đầu, đại hội nhiệm kỳ 8 VFF sẽ diễn ra trong tháng 3/2018. Tuy nhiên do công tác chuẩn bị chưa hoàn tất, trong đó quan trọng nhất là vấn đề cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp cao, thời gian tổ chức đại hội VFF sẽ phải lùi sang tháng 4.
Cuộc đua thay thế vị trí ông Lê Hùng Dũng đang diễn ra khá quyết liệt. Ảnh: VSI.
Về việc này, được biết hồi tuần trước VFF đã làm việc với Tổng cục TDTT để báo cáo tình hình liên quan. Tin của Tiền Phong cho biết, VFF đã báo cáo Tổng cục TDTT chốt lịch tổ chức đại hội vào nửa đầu tháng 4, chậm nhất là ngày 15/4. Vấn đề nhân sự lãnh đạo chủ chốt VFF tới lúc này vẫn được quan tâm nhiều nhất. Theo một lãnh đạo Tổng cục TDTT, ngành sẽ tạo điều kiện để các thành viên VFF có quyền chủ động trong việc lựa chọn người đứng đầu. Quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội diễn ra công khai, dân chủ và đúng luật, có sự giám sát của FIFA.
Thời gian vừa qua, VFF đã lấy ý kiến tiến cử của các tổ chức thành viên đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt gồm chủ tịch và các phó chủ tịch. Ở vị trí chủ tịch, các ứng viên được nhắc tới nhiều nhất gồm: Nguyên Phó chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Công Khế, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa và Hiệu trưởng Trường đại học TDTT 2 (TP Hồ Chí Minh) Lê Quý Phượng.
Một vị trí nóng không kém là phó chủ tịch truyền thông với khá nhiều ứng viên được nêu tên như: đương kim Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ, nguyên Phó chủ tịch truyền thông Nguyễn Lân Trung, nguyên TGĐ VPF Cao Văn Chóng. Ngoài ra, lãnh đạo một tờ báo thể thao và một ngân hàng lớn cũng được tiến cử vào vị trí này. Ở nhiệm kỳ tới, công tác truyền thông-đối ngoại được xác định là một mảng cần được đẩy mạnh của VFF. Chính vì vậy, vị trí phó chủ tịch phụ trách truyền thông trở nên rất quan trọng.
Được biết, VFF hiện vẫn đang làm quy trình cho các ứng viên. Theo quy định, ứng viên ra tranh cử đại hội phải được sự tiến cử của các thành viên theo thời gian quy định cụ thể đã được thông báo. Người được tiến cử nếu không đồng ý ra tranh cử tại Đại hội sẽ phải thông báo tới VFF để rút lui. Tin của Tiền Phong cho biết đã có ứng viên thông báo không tranh cử với VFF. “Chúng tôi đã thông báo tới từng ứng viên về việc được thành viên VFF tiến cử để họ có sự chuẩn bị. Nếu ai không muốn tranh cử thì có thể xin rút”-nguồn tin của Tiền Phong cho biết.
Thể lệ bầu cử, đại hội sẽ bầu ra các thành viên BCH và các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch. Chủ tịch và các phó chủ tịch sẽ đương nhiên là thành viên BCH. Theo một lãnh đạo Tổng cục TDTT, quy định này đảm bảo đại hội VFF là cơ quan cao nhất bầu chọn ra vị trí chủ tịch.
Trong các ứng viên kể trên thì 3 người thuộc sự quản lý của Bộ VH-TT&DL là các ông Cấn Văn Nghĩa, Lê Quý Phượng và Trần Quốc Tuấn. Hai trường hợp đầu tiên đã chuẩn bị tới tuổi nghỉ hưu. Nhiều liên đoàn thể thao Việt Nam lâu nay bị xem là “bãi đáp” của các quan chức trong ngành khi nghỉ hưu, và VFF cũng không ngoại lệ.
Theo ông Nguyễn Hồng Thanh, TGĐ Công ty Cổ phần bóng đá SLNA và là ủy viên BCH VFF nhiệm kỳ 7, chủ tịch VFF nếu là người nhà nước thì phải là một chính khách có tầm, đủ uy tín để lãnh đạo. Trường hợp doanh nhân làm chủ tịch VFF thì cần phải lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, càng tốt hơn nếu có hiểu biết và tâm huyết với bóng đá.
Một ngoại binh tập luyện ở một đội bóng nhưng được một đội bóng khác đăng ký thi đấu