Chơi không bóng hiện đại: Từ nghệ thuật đỉnh cao châu Âu đến ĐT Việt Nam
Bóng đá chỉ có những lối chơi hoặc triết lý khác nhau, chứ không có lối chơi hoặc triết lý nào ưu việt mãi. Bài học từ Tây Ban Nha đăng quang ở EURO 2024, đến đội tuyển Việt Nam vừa vô địch AFF Cup, đã cho thấy điều đó.
Triết lý của Pep Guardiola cũng như lối chơi gắn chặt với HLV này, bởi Tiki-taka là trò chơi nếu quả bóng luôn nằm trong chân bạn, thì đối phương ghi bàn kiểu gì? Rất hay, nhưng đấy là cái hay của hơn một thập kỷ trước. Bóng đá chỉ có những lối chơi hoặc triết lý khác nhau, chứ không có lối chơi hoặc triết lý nào là ưu việt mãi. Càng không có lối chơi, hoặc triết lý nào, bảo đảm dẫn đến chiến thắng.
Giữ bóng bao nhiêu cho đủ?
Giữ được quả bóng trong chân, dĩ nhiên bạn sẽ an toàn? Đấy… gần như là một chân lý. Ngay cả cái điều tưởng là rõ ràng tuyệt đối ấy, cũng chỉ ở mức độ “gần như”. Ngay giữa thời kỳ tuyệt đỉnh vinh quang của Barcelona và Pep Guardiola, đã từng có chuyện Arsenal không hề sút được quả nào trong suốt trận mà… vẫn có bàn thắng vào lưới Barcelona, ở Champions League hẳn hoi. Mặt khác, tất nhiên chẳng ai có thể giữ bóng với tỷ lệ 100% trong môn thể thao vua.
Với Johan Cruyff, giữ bóng nhiều không phải là yêu cầu quá quan trọng
Vấn đề đặt ra, đâu là mức độ có bóng tối thiểu, đủ để bạn chiến thắng? Tất nhiên, không có câu trả lời cụ thể. Nhưng chắc chắn, câu trả lời trên thực tế thấp hơn rất nhiều so với sự hình dung của một người hâm mộ bóng đá ở mức độ bình thường. Mười phần trăm? Như thế có thể đã là… quá nhiều! Ở một khía cạnh nào đó, đây thật ra là vấn đề… vô nghĩa. Điều quan trọng không phải là bạn có bóng bao nhiêu phần trăm, mà là có bóng như thế nào.
Trong vài huyền thoại vĩ đại nhất thế giới trong suốt lịch sử bóng đá, Johan Cruyff là nhân vật duy nhất có rất nhiều câu nói bất hủ, đọng mãi qua thời gian, đáng được đưa vào sách giáo khoa bóng đá bởi tầm vóc, tính triết lý, cũng như giá trị bền vững của những câu nói ấy.
Sau đây là (đại ý) vài câu nói tiêu biểu của “thánh Cruyff”.
1/ Bạn thường chỉ có bóng trong khoảng 3 phút mỗi trận. Bạn làm gì trong 87 phút còn lại, đấy mới là điều quyết định bạn là cầu thủ giỏi hay không giỏi.
2/ Bóng đá là môn thể thao mà bạn chơi bằng đầu óc nhiều hơn đôi chân. Điều quan trọng nhất là bạn phải có mặt đúng lúc, đúng chỗ.
3/ Bóng đá là môn chơi đơn giản. Nhưng, chơi bóng một cách đơn giản lại là điều khó nhất trong môn này.
Những câu nói tuyệt vời ấy của Cruyff đều liên quan chặt chẽ đến vấn đề giữ bóng, và đều cho thấy giữ bóng nhiều không phải là yêu cầu quá quan trọng trong môn thể thao vua.
Đôi khi, giữ bóng càng ít càng tốt
Tại giải AFF Cup vừa kết thúc, đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch một cách thuyết phục với tỷ lệ giữ bóng chẳng những không cao mà còn phải nói luôn là rất thấp (so với mức độ thường thấy trong bóng đá đỉnh cao). Ở trận chung kết lượt về trên sân Thái Lan, Việt Nam giữ bóng 39%, nhưng thầy trò ông Kim Sang Sik đủ khiến đối thủ khổ sở.
Còn ở trận chung kết lượt đi trên sân nhà, Việt Nam giữ bóng 36%. Ở vòng bán kết, Việt Nam giữ bóng 33% (thắng 2-0 trên sân Singapore) và 38% (thắng Singapore 3-1 tại sân nhà). Nhìn chung, nhà vô địch AFF Cup 2024 là đội giữ bóng ít nhất trong số 4 đội lọt vào bán kết giải này. Kết quả chung cuộc, ĐT Việt Nam lên ngôi với những chiến thắng thuyết phục, thậm chí ấn tượng nhất trong số những lần chúng ta đăng quang ở sân chơi khu vực.
ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup, dù tỷ lệ kiểm soát bóng mỗi trận dưới 40% tính từ bán kết
Cũng liên quan đến vấn đề giữ bóng, còn có một câu nói tuyệt vời của HLV nổi tiếng Jose Mourinho. Trước khi Pep Guardiola vươn lên, Mourinho mới là HLV xuất sắc nhất thế giới. Các đội bóng do Mourinho huấn luyện như Porto, Chelsea, Inter luôn thành công vang dội, dù giữ bóng không nhiều.
Có lần, người ta hỏi về “nhược điểm” này, Mourinho khẳng định ông cố ý tạo ra lối chơi như thế. Triết lý của Mourinho: giữ bóng nhiều thì hệ quả tất yếu là mất bóng nhiều. Với ông, điều nguy hiểm nhất trong môn bóng đá là bị mất bóng. Sau này, khi được mời giảng ở một khóa đào tạo HLV, Mourinho nói trong một khía cạnh khác, khi không có bóng, bạn luôn “chơi bóng” một cách dễ dàng hơn, hợp lý hơn, thành công hơn, so với khi có bóng.
Nếu như thế giới bóng đá thán phục cái tạm gọi là “định nghĩa một cầu thủ giỏi” của Cruyff (anh ta làm gì trong 87 phút không có bóng), thì câu nói của Mourinho chẳng khác gì một sự nối tiếp, mở rộng vấn đề rằng bạn dễ trở thành cầu thủ giỏi hơn, khi không có bóng.
Thật chí lý. Cần làm gì, di chuyển thế nào, giữ cự ly đội hình ra sao…, đấy đều là những chi tiết vô cùng quan trọng trong việc “chơi bóng”. Và, trên lý thuyết, đấy đều là những việc dễ thực hiện hơn khi bạn “rảnh chân”, tức không phải điều khiển quả bóng.
Qua hàng trăm năm, trò chơi bóng đá vẫn không ngừng phát triển. Và, bóng đá cũng giống như cuộc sống, trong nhiều trường hợp thì đấy là sự phát triển theo hình xoắn ốc, tức là… trở lại như cũ, nhưng ở đẳng cấp cao hơn. Giữ bóng ít một cách chủ động khác với việc giữ bóng ít vì thua đối phương về khả năng giữ bóng.
Ngay lúc này, đây là xu thế thành công
Tại giải đấu lớn gần đây nhất, Euro 2024, đội tuyển Tây Ban Nha làm cả thế giới bất ngờ ngay từ trận đấu ra quân của họ. Đấy là đội tuyển nổi tiếng nhất thế giới về đặc điểm cũng như khả năng giữ bóng nhiều.
Lần đầu tiên sau 16 năm, và sau 136 trận đấu chính thức liên tiếp, Tây Ban Nha bỗng… giữ bóng ít hơn đối thủ. Họ chỉ giữ bóng 46% khi gặp Croatia, và… thắng 3-0. Phần còn lại của câu chuyện, như mọi người đã biết, Tây Ban Nha vô địch EURO 2024. Tất nhiên, chẳng ai nói Tây Ban Nha giữ bóng ít hơn vì đá dở hơn Croatia.
Tây Ban Nha vô địch EURO, Nottingham Forest khuynh đảo Ngoại hạng Anh, dù không giữ bóng quá nhiều
Trước trận gặp Croatia vừa nêu, đâu là trận đấu gần nhất mà Tây Ban Nh giữ bóng ít hơn đối phương? Xin thưa, đấy chính là trận chung kết EURO 2008 mà Tây Ban Nha… thắng Đức 1-0, lần đầu tiên vô địch một giải đấu lớn trong kỷ nguyên hiện đại!
Ở giải Premier League, Nottingham Forest đang là “hiện tượng” thú vị nhất vào lúc này. Họ vừa thắng đậm 3-0 trên sân Wolverhampton, dù chỉ giữ bóng 39%. Trận thắng thứ 6 liên tiếp (tỷ lệ giữ bóng lần lượt là 44%, 51%, 35%, 29%, 36%, 39%) đã đưa Forest, vốn chỉ mới thăng hạng cách đây không lâu, lên đồng điểm với đội nhì bảng Arsenal.
Đáng lưu ý ở chỗ, Forest chính là đội giữ bóng ít nhất tại Premier League mùa này (bình quân 39%). Cùng nằm chung với Forest trong nhóm đội giữ bóng ít nhất giải chính là Bournemouth, một đội bóng khác cũng đang thành công vang dội. Họ đang tranh chấp suất dự Champions League mùa tới, dù chỉ giữ bóng bình quân 46%.
Giữ và chuyền bóng nhiều là hai chi tiết gắn liền với nhau. Forest và Bournemouth là 2 trong 3 đội xếp chót Premier League về số lần giữ bóng với hơn 10 đường chuyền liên tiếp. Ngược lại, Southampton là đội luôn có tỷ lệ giữ bóng cao và là đội số 2 trong toàn giải (chỉ sau gã khổng lồ Manchester City) về tần suất giữ bóng với hơn 10 đường chuyền liên tiếp.
Nhưng Southampton đang đứng chót bảng, rất khó thoát khỏi kết cục rớt hạng do đã bị các đội phía trên bỏ xa về mặt điểm số. Trên sân nhà, Southampton giữ bóng nhiều hơn và… thua Brentford 0-5!
Vấn đề tổng quát vẫn là giữ bóng như thế nào (chứ không phải nhiều hay ít). Khi có bóng, Bournemouth và Forest chính là 2 đội đưa được quả bóng về phía trước nhanh nhất Premier League hiện nay (bình quân 2,10 và 2,06 m/s).
Ngược lại Southampton và Manchester City chính là 2 đội cuối bảng trong thống kê này (chỉ lên bóng ở tốc độ bình quân 1,38 và 1,37 m/s). Nottingham Forest – hiện tượng của mùa bóng – cũng chính là đội đưa được quả bóng về phía trước xa nhất trong mỗi lần có bóng (bình quân 15,5m).
Ai đang chơi bóng bằng đầu?
Như Cruyff đã nói, làm gì khi không có bóng, để rồi lập tức xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ khi có bóng, mới là mấu chốt của toàn bộ vấn đề. Ở kỳ World Cup gần đây nhất, Lionel Messi lững thững đi bộ… đến tột đỉnh vinh quang. Messi thì ai cũng biết. Nhưng Messi tại World Cup 2022 khác hẳn chính anh.
Lionel Messi lững thững đi bộ "lên đỉnh" thế giới ở World Cup
Và đấy là nguyên nhân lớn khiến Messi cũng như đội tuyển Argentina trở lại ngôi vô địch World Cup sau 36 năm chờ đợi. Trong dáng vẻ “không làm gì”, Messi đã làm được tất cả, quan sát, đọc và phân tích tình huống, phát hiện khoảng trống từ trước khi khoảng trống ấy mở ra, và chiếm lĩnh vị trí vào đúng khoảnh khắc quyết định.
Virgil Van Dijk, có lẽ là trung vệ hay nhất thế giới suốt nhiều năm nay, cũng là hình mẫu phòng ngự chắc chắn, bằng cách… không hề phòng ngự (theo nghĩa cứ phải là vào tranh bóng, chặn bóng). Vì sao từng có thống kê, rằng Virgil không để ai lừa bóng qua mặt trong suốt 1 năm liền?
Đúng là anh luôn lấy được bóng trong các pha tranh chấp tay đôi. Nhưng chủ yếu vì anh không tự đẩy mình vào hoàn cảnh phải tranh bóng, tần suất đối đầu tay đôi với đối thủ rất ít. Cách chọn vị trí và chỉ huy đồng đội của Van Dijk làm cho hàng thủ Liverpool luôn ở thế an toàn.
Mùa này, có lúc Erling Haaland (cũng như Manchester City nói chung) sa sút. Nhưng vẫn phải công nhận Haaland là một trong những cây làm bàn đáng sợ nhất Premier League. Anh chạm bóng rất ít. Haaland và Mohamed Salah của Liverpool chính là hai tiền đạo “chơi không bóng” tốt nhất Premier League hiện nay. Họ không cần có bóng nhiều. Nhưng với họ, chỉ một lần có bóng đôi khi đã là quá nhiều!
HLV Kim Sang Sik bày tỏ mong muốn chứng kiến cầu thủ Việt Nam nâng tầm đẳng cấp, thậm chí có thể khoác áo MU trong tương lai.
Nguồn: [Link nguồn]
-08/01/2025 08:55 AM (GMT+7)