Chiến thuật 2014: Hình mẫu Barca – Bayern
Thành công của hai đội bóng này là bài học để học hỏi.
6 năm liên tiếp lọt vào bán kết, góp mặt 3/4 trận chung kết Champions League gần nhất cùng cả tá danh hiệu lớn nhỏ khác nhau nhưng những thành công của Barca và Bayern không chỉ dừng ở những chiếc cúp. 2 đội bóng này còn để lại những dấu ấn đậm nét trong những chiến thắng của mình bằng một cách chơi riêng, những thứ đặc sản chỉ có ở chính họ trong tư duy chơi bóng và cả những triết lý. Đó là những tinh túy được chắt lọc bằng nhiều yếu tố và không dễ có được, tuy nhiên trên khía cạnh sơ đồ chiến thuật, có thể xem Barca và Bayern là những hình mẫu đáng để học tập.
4-4-2 đã trở nên lỗi thời, trong khi ở Italia vẫn còn một vài đội bóng trọng dụng 3-5-2 trong đó có Juventus nhưng đại diện được coi là mạnh nhất của Serie A này đã 2 năm liên tiếp không thể tiến xa tại Champions League. Thay vào đó 4-3-3 của Barca, 4-2-3-1 của Bayern cùng với những biến thể như 4-1-4-1, 4-6-0 hay 4-5-1... đang được coi là những phương án thịnh hành nhất thời điểm hiện tại. Điểm chung của các sơ đồ này gồm: bộ tứ vệ, ba tiền vệ trung tâm, hai cầu thủ chạy cánh, một cầu thủ tấn công hoặc một tiền đạo. Khi đó sự khác biệt giữa Barca và Bayern được thể hiện đậm nét qua cách xếp đặt và vận dụng.
Bayern chinh phục vinh quang với hai số 6
Có 2 điểm khác biệt lớn nhất giữa Barca và Bayern, thể hiện qua triết lý chơi bóng của họ. Đội bóng xứ Catalunya với nòng cốt những người Tây Ban Nha đề cao khả năng kiểm soát còn Hùm xám Bavaria với hạt nhân những người Đức tôn sùng tính tổ chức: 1. Ở hàng tiền vệ Barca dùng đỉnh quay xuống với một cầu thủ chơi ở vị trí mỏ neo, trong khi Bayern xoay đỉnh lên phía trên với 2 cầu thủ đá ngang hàng phía trước hàng phòng ngự (hay còn gọi hai số 6). 2. Trên hàng tấn công, Barca sử dụng một số 9 ảo, người luôn di chuyển giữa hàng tiền vệ và hậu vệ đối phương còn Bayern (của Heynckes) chuyên dùng trung phong cắm, người luôn có mặt trong vòng cấm.
Sau khi Pep gia nhập Allianz-Arena, cựu HLV của Barca đã chia tay Mario Gomez và bắt đầu xây dựng một hướng đi mới cho Bayern với Mario Gotze. Thần đồng người Đức được coi là một lá bài quan trọng trong việc triển khai ý tưởng của Guardiola để trở thành một dạng số 9 ảo. Phương án này đang được ghi nhận ở rất nhiều các đội bóng lớn, thậm chí đã trở thành một ghi chú chính thức trong sơ đồ chiến thuật của các HLV với tấm gương tiêu biểu của Lionel Messi tại Barca. Các cầu thủ trên hàng tiền vệ của đội bóng xứ Bavaria đều là những người năng động, có thể chơi được nhiều vị trí khác nhau nên sẽ dễ dàng hoán đổi. Ngoài Gotze, Pep còn có thể sử dụng Ribery, Muller, Robben vào trung lộ.
Hình mẫu số 9 ảo
Không phải ai cũng có may mắn sở hữu một cá nhân kiệt suất như Messi và bóng đá là môn chơi tập thể và các đội bóng khác như Bayern chọn cho mình một hướng đi khác. Các cầu thủ tấn công đa năng như Gotze, Muller cũng được coi là "mốt", như Ozil ở Arsenal, Bale ở Real, Mata ở MU, Oscar ở Chelsea, Silva ở Man City... họ không phải kiểu số 10 cổ điển nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng để vận hành cỗ máy. Họ là chiếc chìa khóa ở tuyến trên trong khi ở giữa sân những tiền vệ phòng ngự được ví như những chiếc bản lề, chiếm lĩnh những khoảng không, bẻ gẫy mọi ý đồ của đối phương và sẵn sàng lùi xuống như một trung vệ thứ ba.
Busquets ở Barca, Javi Martinez (mùa trước) và Lahm (mùa này) ở Bayern hay như Luiz của Chelsea, Alonso của Real... là những người có thể chơi được cả hậu vệ lẫn tiền vệ phòng ngự, một dạng nửa libero (tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ phòng ngự). Những người này sẽ có nhiệm vụ duy trì tính cân bằng cho đội bóng, để đảm bảo tấn công nhưng không quên phòng ngự.