Chiến dịch “lột xác” của U-19 Myanmar
Ngoài chiếc cúp mang tên nhà vua Brunei, đội U-19 Myanmar còn đoạt danh hiệu đội Fair Play giải U-22 Đông Nam Á.
Lâu nay từ cấp độ đội tuyển quốc gia xuống các đội trẻ, bóng đá Myanmar nổi tiếng với lối đá rát nhuốm màu sắc bạo lực. Và điều đấy đã được thay đổi từ một ông thầy và một doanh nhân làm bóng đá.
Từ chém đinh chặt sắt đến Fair Play
Tại giải U-22 Đông Nam Á vừa qua là hình ảnh một U-19 Myanmar đoạt chức vô địch cùng giải Fair Play thật thuyết phục với sáu trận toàn thắng và ít thẻ phạt nhất.
Ngay trong trận chung kết nếu như U-19 Việt Nam có hai thẻ vàng thì U-19 Myanmar chỉ có một thẻ. Họ thi đấu áp sát và phong tỏa, kèm chặt các mũi nhọn của U-19 Việt Nam nhưng tuyệt nhiên không đá láo như Indonesia năm ngoái hoặc Thái Lan mới đây. Điều này trước tiên phải kể đến công lao của nhà cầm quân người Đức Gerd Ziese.
Một ông thầy luôn đưa thông điệp bóng đá nghệ thuật và đề cao chiến thuật lên hàng đầu. Điều này chính người hâm mộ Việt Nam đã chứng kiến ông “trảm” cầu thủ trẻ của mình khi tham dự Cúp U-21 Quốc tế báo Thanh Niên năm 2013.
Cầu thủ U-19 Myanmar đoạt chức vô địch và đoạt luôn giải Fair Play. Ảnh: Đức Đồng
Cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ Việt Nam đều rất ngạc nhiên khi thầy trò HLV Gerd Ziese bị dẫn trước 2-1 mà không hề đá láo, đá rắn như lứa đàn anh vẫn hay thực hiện. Chính nhờ tư tưởng “những đôi chân nóng và cái đầu lạnh” đã giúp các cầu thủ trẻ Myanmar giữ được thế trận và thực hiện đúng ý đồ đề ra để rồi thắng chung cuộc 4-3.
Xây những học viện bằng tiền doanh nghiệp và tiền FIFA
Ngoài ra còn phải kể đến người đứng phía sau đội U-19 Myanmar là một doanh nhân đầy quyền lực: Tỉ phú Zaw Zaw.
Nếu bóng đá Việt Nam đến nhiệm kỳ VII mới đổi mới bằng hình thức doanh nhân điều hành bóng đá thì Myanmar đã thuyết phục và đề nghị tỉ phú Zaw Zaw bước vào chính trường bóng đá và ông đã nhận lời.
Zaw Zaw là ông trùm về kinh tế ở Myanmar và là chủ tịch Tập đoàn MMG kinh doanh đa ngành từ đá quý đến gỗ và giao thông lẫn xây dựng, ngân hàng…
Chính Zaw Zaw là người có tác động lớn trong việc cải tiến mạnh giải vô địch Myanmar và chuyển lên thành giải chuyên nghiệp ổn định với 14 đội bóng từ năm 2009. Tuy nhiên, điểm nhấn mà tỉ phú Zaw Zaw quan tâm hàng đầu là công tác phát triển bóng đá trẻ.
Năm 2011, ông xây dựng hai học viện bóng đá, trong đó có học viện tại TP Pathein với tổng chi phí 750.000 USD và học viện còn lại tại Yangon được tài trợ bởi tổ chức Ayeyawady Foundation do ông thành lập. Ông cũng là người tận dụng mối quan hệ với Chủ tịch FIFA Sepp Blatter để kéo về Myanmar hai dự án đào tạo bóng đá trẻ với tổng kinh phí 1,49 triệu USD để đào tạo bóng đá cho trẻ em nông thôn trong độ tuổi 10-16.
Trong nội các AFC, ông Zaw Zaw đã chen chân vào vị trí chủ tịch ban tổ chức các giải đấu trẻ của AFC và nhờ ông mà Myanmar được trao quyền đăng cai vòng chung kết U-19 châu Á 2010.
Quan trọng nhất của doanh nhân và cũng là nhà điều hành bóng đá Myanmar là Zaw Zaw đã bỏ rất nhiều tiền cho bóng đá và cũng làm ra rất nhiều tiền từ bóng đá, đồng thời xác định phải thay đổi bộ mặt bóng đá Myanmar bằng thứ bóng đá đẹp và nghệ thuật.
Đường đi của bóng đá Myanmar rất âm thầm nhưng bước đầu đã có kết quả và có thể sẽ là hiện tượng của bóng đá Đông Nam Á trong tương lai gần.