Chelsea hòa 0-0: "Chiến thuật bầy dơi" của Mou
Cách phòng ngự tiêu cực của Chelsea trong trận đấu gặp Atletico tại bán kết lượt đi Cup C1 được miêu tả giống như "chiến thuật bầy dơi".
Từ “khoa học” trở thành “cực đoan”
Năm 2010, tại bán kết Champions League, Inter của Mourinho đã xuất sắc hạ Barca của Pep để giành quyền vào chung kết và sau đó giành chức vô địch (đánh bại Bayern). Ở trận bán kết lượt đi tại Giuseppe Meazza, dù bị thủng lưới trước, nhưng Mou với cái đầu nhạy bén của mình đã biết cách giúp Inter ngược dòng thắng lại 3-1 nhờ vào những pha tấn công chớp nhoáng khiến hàng thủ của Barca không kịp trở tay (Mou biết rõ các cầu thủ Barca không có được thể lực tốt nhất do phải di chuyển đến Milano bằng xe bus bởi núi lửa phun khiến các chuyến bay phải hủy).
Còn ở trận lượt về, với lợi thế quá lớn ở lượt đi, Người đặc biệt đã chủ động cho các học trò chơi phòng ngự một cách khoa học, đặc biệt là sau khi Motta nhận thẻ đỏ rời sân, Inter càng tích cực lùi sâu để bịt kín mọi con đường vào khung thành. Kết quả, dù có lợi thế hơn người nhưng Barca chỉ có được 1 bàn duy nhất ở những phút cuối trận (Pique). Với những gì đã thể hiện, chiến thuật phòng ngự phản công của Mou từng được giới chuyên môn, báo chí và NHM ca ngợi là “nghệ thuật”. Sau này, khi tới dẫn dắt Real, nghệ thuật phòng ngự của Mou cũng nhiều lần khiến Barca kiêu hùng phải gục ngã.
Chiến thuật được Mou sử dụng để đối phó với Atletico được ví như thứ bóng đá của "thế kỉ 19"
4 năm sau, trước một đối thủ được đánh giá là “đồng cân đồng lạng” như Atletico chứ không mạnh như Barca, Mourinho cũng áp dụng chiến thuật tương tự cho Chelsea, nhưng lần này Mr Special đã phải nhận rất nhiều lời chỉ trích. Hãy nhìn vào cách bố trí đội hình của Mou, ngoài bộ tứ trung vệ, chiến lược gia người Bồ còn xếp 4 “công nhân” ở hàng tiền vệ gồm David Luiz, Mikel, Lampard và Ramires để ngăn cản các đợt tấn công của Atletico (cộng thêm Willian cũng sẵn sàng tham gia phòng ngự). Vì thế, chẳng bất ngờ khi Atletico dù cầm bóng đến 69%, sút 25 lần, nhưng chỉ có 4 lần trúng đích, còn Chelsea chỉ 4 lần sút bóng (2 lần trúng đích) và kết quả là hai đội rời sân mà không có bàn thắng nào được ghi trong một trận đấu quá tẻ nhạt.
Sau trận đấu Mou đã bị “đánh” không tương tiếc. Báo chí bình luận rằng Người đặc biệt đã sử dụng chiến thuật ở thế kỉ 19 để đối phó với đối thủ không mạnh hơn. Đặc biệt, Tổng Biên tập tờ AS của Tây Ban Nha, Alfredo Relano đã mô tả chiến thuật của Mou Team rất tượng hình nhưng cũng đầy châm biếm bằng cụm từ "Chiến thuật bầy dơi", bởi tất cả các cầu thủ Chelsea đều treo mình lên xà ngang hoặc cột dọc để ngăn cản đối phương ghi bàn. Thậm chí, ngay cả các CĐV của Chelsea cũng không hề cảm thấy hài lòng, thậm chí pha chút thất vọng, phẫn nộ. Một đội bóng có rất nhiều ngôi sao như Chelsea nhưng lại chơi như một đội cửa dưới tiêu cực đến vậy quả thực là rất khó chấp nhận. Sự “cực đoan” trong cách phòng ngự của Mou đã giết chết mọi cảm xúc trong một bán kết Champions League mà lẽ ra NHM phải được thưởng thức một bữa tiệc.
Mourinho đứng trước nguy cơ “gậy ông đập lưng ông”
Kết quả hòa 0-0 đúng là nằm trong toan tính của Mou, nhưng người tính không bằng trời tính, trận lượt về sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi roi với Chelsea. Nên nhớ, nếu không thể thắng Atletico tại Stamford Bridge, Chelsea sẽ bị loại nếu bị đối thủ cầm hòa có tỉ số bởi luật bàn thắng sân khách. Ngoài ra, những chấn thương của thủ thành Cech, đội trưởng Terry và 2 án treo giò của Lampard, Mikel sẽ khiến The Blues suy yếu đáng kể, trong khi Atletico có gần như đầy đủ đội hình ở trận lượt về.
Chelsea đã dựng xe bus trước Atletico
Đặc biệt, việc Atletico cũng là một đội bóng chơi phòng ngự phản công rất tốt là một trở ngại lớn với Mou Team trong việc giành vé vào chung kết. Hãy nhìn các trận đấu thầy trò HLV Diego Simeone đối phó với Barca hay Real ở mùa giải năm nay ra sao, Mourinho và các học trò sẽ hiểu được sự nguy hiểm của đội chủ sân Vicente Caleron. Khi chơi phòng ngự phản công, Atletico sẽ trở nên vô cùng khó lường. Nếu bị thủng lưới trước, Chelsea sẽ phải ghi 2 bàn, một nhiệm vụ rất khó khăn, thậm chí là “bất khả thi”…
Sẽ chẳng quá khi nói rằng, chiến thuật phòng ngự phản công của Mourinho ở trận bán kết lượt đi gặp Atletico giống như môn “nghệ thuật hắc ám”. Chelsea chưa phải trả giá về sự cực đoan của mình, nhưng bóng đá cũng như cuộc đời, có vay có trả. Nếu điều đó xảy ra, Mou sẽ có thêm một bài học. Ai cũng muốn chiến thắng, muốn giành thật nhiều nhiều danh hiệu, nhưng chọn con đường như Mou thì không nhiều người dám...