Chelsea: Dao sắc không gọt được chuôi
Thibaut Courtois đã xỏ găng thi đấu ở Stamford Bridge nhưng không phải trong màu áo Chelsea mà là để chống lại Chelsea.
Và đáng tiếc cho The Blues khi Courtois đã tỏa sáng trong một tình huống then chốt làm xoay chuyển cục diện trận đấu theo hướng có lợi cho đối thủ.
Phút 53, Chelsea được hưởng một quả đá phạt. Wilian treo bóng vào vòng cấm, John Terry lên tham gia tấn công đã băng vào đánh đầu uy lực. Nhưng không có bàn thắng nào được ghi, bởi thủ môn Courtois đã cản phá xuất thần.
Courtois là “lỗ thủng” của một chính sách nhân sự tinh vi
Pha cứu thua ấy đã ám ảnh Jose Mourinho. “Người đặc biệt” vẫn hoài tiếc về tình huống bỏ lỡ ấy: “Sự khác biệt nằm ở đầu hiệp 2, thủ môn của Atletico đã có pha cản phá không thể có được. Thay vì Chelsea dẫn 2-1, chúng tôi phải nhận quả penalty vài giây sau đó. Và thế là họ dẫn 2-1. Trong một phút, hai tình huống đã quyết định trận đấu”.
Hãy chú ý, Mourinho đã nói về “thủ môn của Atletico”, ông đã có thể nói ngắn gọn hơn là Thibaut Courtois, hoặc là Courtois.
Không phải Mourinho quên tên Courtois đâu. Đó là một sự lãng quên có chủ đích (như trước đây ông từng bảo “tôi chả biết ai tên là Tito Vilanova cả” ngay sau pha “thọc mắt” vào hạng kinh điển). Có một cái gì đó trong thái độ của “người đặc biệt”. Một chút gì đó hằn học, và cay nghiệt.
Đúng, lẽ ra Courtois phải đứng ở đó, trong khung gỗ của Chelsea. Lẽ ra người bắt thay Petr Cech phải là thủ môn xuất sắc nhất thế hệ 9x, thay vì ông lão 41 tuổi Mark Schwarzer. Lẽ ra Chelsea đã có thể giành chiến thắng, và “người đặc biệt” không phải trải qua mùa bóng thứ tư liên tiếp dừng chân ở vòng bán kết Champions League. John Terry lẽ ra không phải khóc như trẻ con nữa.
Cách đây vài tháng, báo chí Anh từng xôn xao khi phát hiện ra rằng lực lượng cầu thủ trẻ cho mượn của Chelsea lên tới hơn 20 người và có thể xếp thành 2 đội hình thi đấu giao hữu với nhau.
Thay vì khiến Terry khóc, Courtois đã có thể làm Terry cười
Thời điểm đó, tất cả đều nhận định rằng đó là một phong cách làm bóng đá cực kỳ thông minh và hiệu quả của giám đốc thể thao Frank Arnesen trước kia và Michael Emenalo hiện nay. The Blues trở thành một trạm trung chuyển cầu thủ trẻ, những người tỏa sáng khi đi “đánh thuê” có thể được đem bán kiếm lời hoặc được đưa về Stamford Bridge thi đấu. Về lâu về dài, Chelsea không cần phải chi những khoản lớn mua cầu thủ ngôi sao và không còn e sợ UEFA siết Luật Công bằng tài chính.
Nhưng như câu tục ngữ của người Việt, “dao sắc không gọt được chuôi”, một sự tính toán khôn ngoan và tinh vi tới đâu cũng có lúc trở nên ngu dại vì những yếu tố không thể lường trước được.
Có nằm mơ, Chelsea cũng không tính được là Thibaut Courtois sẽ chơi hay đến thế, và Atletico đủ xuất sắc để có ngày lật đổ họ ở vòng bán kết Champions League. The Blues chắc chắn sẽ không bao giờ đưa những viên ngọc của mình cho những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Man United hay Man City mượn, họ sẽ chỉ làm ăn với những đối tác hạng hai. Nhưng hạng hai lại có ngày trở thành hạng nhất.
Thực ra Chelsea cũng đã toan tính không tồi khi lồng vào hợp đồng cho mượn Courtois một điều khoản yêu cầu trả 3 triệu euro cho mỗi lần sử dụng thủ môn người Bỉ để chống lại họ. Rồi đây, họ có thể sẽ được thanh toán khoản 6 triệu euro (Chủ tịch Enrique Cerezo của Atletico trọng chữ tín nên vẫn trả đủ dù UEFA cho phép dùng Courtois miễn phí). Nhưng một khi đã đổ hàng trăm triệu để theo đuổi giấc mơ Champions League thì 6 triệu phàm có ích gì?
"Không có gì là tuyệt đối, mọi thứ chỉ là tương đối", Albert Eistein đã nói như thế từ cả trăm năm trước. Sự khôn ngoan của Chelsea đã có ngày làm hại Chelsea. Như người Pháp vẫn nói “C’est la vie”, đời là thế đấy!
Xem lại video trận Chelsea - Atletico: