Chelsea chuyển nhượng: “Cáo” quá hóa… cừu
Mới cách đây vài tháng thôi, chính xác là 2 tháng – thời điểm thị trường chuyển nhượng hè 2015 bắt đầu mở cửa, người ta còn bày tỏ sự thán phục tài năng mua bán, dụng người của Chelsea. Vậy mà 2 tháng sau, mọi thứ lại đảo lộn chóng mặt...
“Cáo” quá hóa… cừu
Chelsea đã khởi đầu mùa giải thất bại: Đá 4 trận chỉ giành được 4 điểm, trong đó có 1 trận thua ngay trên “thánh địa” Stamford Bridge. Nguyên nhân thì ai cũng rõ: sự chuẩn bị hời hợt và chủ quan từ HLV Jose Mourinho trước mùa giải.
Nhà cầm quân người BĐN quá xem nhẹ đối thủ, đặc biệt là công tác chuyển nhượng dù mùa trước, lực lượng CLB đã rất mỏng. Ông thiếu quyết liệt trong thương vụ Paul Pogba, cò kè “bớt một thêm hai” về John Stones, Marquinhos để rồi chẳng ai chịu đến. Hậu quả, sang mùa này, khi các cầu thủ chủ chốt như Ivanovic, Matic và Fabregas xuống phong độ, "Người đặc biệt" trở nên lúng túng vì không biết “đào” đâu ra quân!
Papy Djilobodji - bản hợp đồng "vơ" tạm trong ngày chuyển nhượng cuối cùng cho thấy sự tuyệt vọng của Chelsea
Vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, Mourinho đã phải “vơ” tạm hai bản hợp đồng vô danh là Michael Hector và Papy Djilobodji. NHM trông chờ gì từ họ? Một người chưa, một người thậm chí còn mất suất dự Champions League!
Tình trạng túng thiếu lực lượng ở Chelsea khiến các nhà làm chuyên môn phải ngạc nhiên. Chỉ mới cách đấy 3 tháng thôi, họ còn trố mắt thán phục tài cũng như sự dồi dào nhân sự ở sân Stamford Bridge. Theo thống kê, Chelsea là đội tích cực cho mượn nhất trong số những CLB Premier League khi gửi 33 cầu thủ đi nơi khác. Không chỉ nằm trong phạm vi Anh quốc, số cầu thủ "cộp mác" Chelsea còn trải dài khắp 10 quốc gia châu Âu.
Chưa hết, ngoài nhiều cái tên ở lứa trẻ, họ còn sẵn sàng “vứt" đi cả những siêu sao lẫy lừng mà bất cứ đội bóng lớn nào cũng thèm muốn như Marin, Cuadrado hay Salah!
HLV Harry Redknapp đã bình luận về chính sách của The Blues như sau: “33 cầu thủ được mang đi cho mượn thực sự là một con số điên rồ. Với số lượng như thế, HLV Jose Mourinho chẳng có cách gì để kiểm chứng phong độ từng người”.
Vậy đấy, Chelsea đã phải trả giá cho chính sự khôn ngoan, cáo già của mình bằng thành tích tệ hại trên sân cỏ.
Cứu cánh nào cho “The Blues"?
Tất nhiên, Chelsea có lí do để tiếp tục theo đuổi chính sách "bán nhiều, mua ít". Ở thời buổi Luật công bằng tài chính hiện hành, họ phải trở nên khôn ngoan hơn trong công tác mua sắm. Tốn tiền rước “bom tấn”, nhưng cũng lãi to với những bản hợp đồng được “thổi giá” cao ngất. Thu về tới 8,6 triệu bảng tính cả kỳ chuyển nhượng từ tháng 1/2014 đến trước tháng 7/2015, và Chelsea có thể vỗ ngực tự xưng là nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng cho cả châu Âu.
Đấy, phải chăng đấy chính là lối thoát cho “The Blues"?
Nguồn lực từ khắp châu Âu, cùng thị trường cầu thủ cho mượn (mở cửa từ 9/9) sẽ là “cứu cánh” cho Chelsea trong tình cảnh khó khăn
Họ đầu tư mạnh tay cho cầu thủ trẻ và ngay lúc này, đã sở hữu vô số cái tên triển vọng trong danh sách 33 người đang được cho mượn như Tomas Kalas, Nathaniel Chalobah,Jeffrey Bruma... Tất cả đều chịu một ràng buộc mua lại của phía chủ quản. Chưa hết, ở đội trẻ, Jake Clarke-Salter, Ruben Loftus-Cheek đang gây ấn tượng mạnh.
Vẫn theo lời HLV Harry Redknapp: “Ở Chelsea, sẽ có người thay Mourinho quan sát bước tiến của mỗi cầu thủ, nhưng điều đó không mang nhiều ý nghĩa. Một minh chứng rất rõ là Patrick Bamford từng ghi đến 19 bàn khi đá cho Middlesbrough theo dạng cho mượn, vậy mà cuối cùng cậu ấy vẫn bị đẩy sang Crystal Palace, trong khi Chelsea lại phí tiền mua Falcao sa sút phong độ chỉ để dự bị cho Costa".
Một gợi ý nữa cũng không tồi: Vào ngày 9/9 tới đây, thị trường cho mượn cầu thủ sẽ chính thức mở cửa. Và khi ấy, các fan hâm mộ lại chờ đợi xem Mourinho sẽ chơi "cú chót" nào để cứu vãn Chelsea, cũng như chiếc ghế của chính mình?
Video Chelsea thua Crystal Palace ở vòng 4 Premier League: