"Chàng rể Việt" hiến kế giúp bóng đá VN bắt kịp Thái Lan
Với thâm niên, tầm hiểu biết về bóng đá Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam (BĐVN) nói riêng, HLV Steve Darby đã vạch ra 5 giải pháp giúp phát triển bóng đá nước nhà.
Steve Darby là một trong những nhà cầm quân danh tiếng trong làng bóng đá Đông Nam Á. Ông từng dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam giành tấm HCV đầu tiên tại SEA Games 21 năm 2001, thậm chí cưới một cô vợ Việt. Không chỉ am hiểu bóng đá dải đất hình chữ S, nhà cầm quân người Anh còn dẫn dắt các CLB, ĐTQG trong khu vực như Thái Lan, Lào, Malaysia. Darby cũng như đảm nhận vai trò bình luận viên của Fox Sports châu Á ở AFF Cup 2016 vừa qua.
HLV Steve Darby "hiến kế" để bóng đá Việt Nam phát triển
Với tầm hiểu biết sâu rộng của mình, mới đây “chàng rể Việt” đã vạch ra 5 hướng đi để giúp nền bóng đá Việt Nam hoàn thành giấc mơ mà chúng ta đau đáu bao lâu nay: đuổi kịp người Thái Lan, vươn tầm thực lực ra châu lục.
1. Trau dồi vốn tiếng Anh
Steve Darby khẳng định, ngoại ngữ chính là rào cản lớn trong quá trình học hỏi, phát triển của BĐVN. Ngay cả những chuyên gia hàng đầu thế giới như Arsene Wenger, Pep Guardiola hay Jose Mourinho đều sở hữu vốn tiếng Anh tốt.
Trong khi đó, với một đất nước mà tỉ lệ người thành thạo thứ tiếng này vô cùng ít ỏi, chúng ta đã bỏ lỡ khối lượng kiến thức khổng lồ từ internet hay báo đài.
Ngay ở một số khóa đào tạo HLV do Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tổ chức, các HLV Việt Nam đều nhờ đến phiên dịch viên. Điều này đồng nghĩa, chất lượng của buổi học đó hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ người phiên dịch, chứ không phải các giảng viên cao cấp.
Từ hạn chế kể trên, Darby đề xuất ý tưởng vô cùng táo bạo: “Người Việt Nam yêu thích bóng đá Anh, nhưng việc nghe bình luận bằng tiếng mẹ đẻ sẽ giết chết sự hứng thú của họ. Vì vậy, các nhà đài nên phát sóng “thô”, giữ nguyên cả hình lẫn tiếng. Điều này giúp thế hệ trẻ cải thiện vốn ngoại ngữ, giúp ích cho nền bóng đá nói riêng và dân trí cả nước nói chung!”.
2. Xây dựng nhiều SVĐ, phục vụ bóng đá phong trào
Theo Steve Darby: “Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tận dụng tốt khoản kinh phí hỗ trợ từ FIFA và AFC để xây dựng trung tâm huấn luyện thể thao Mỹ Đình tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng trăm người chơi bóng trên đường phố, bãi biển, với khung thành chỉ là hai viên gạch. Hệ thống sân cỏ nhân tạo ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu chơi bóng cho người dân”.
Hệ thống sân bãi, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được niềm đam mê chơi bóng của người Việt Nam
Rõ ràng, Việt Nam cần nhiều sân bóng cộng đồng hơn, tổ chức nhiều giải đấu quy mô, chuyên nghiệp ở cả thành phố lẫn nông thôn nhằm phổ cập bóng đá sâu rộng.
3. Chống tiêu cực: Nói đi đôi với làm
“Chống tiêu cực trong bóng đá”. Đây là khẩu hiệu mà người Việt Nam hô hào nhiều hơn xắn tay lên làm, vì tiêu cực đã ăn sâu vào các khía cạnh khác của cuộc sống.
Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam lại dễ sa ngã do không được giáo dục đến nơi đến chốn. Có một thực tế, những trận đấu thuộc giải VĐQG hàng đầu Việt Nam, V-league luôn “nặng mùi” tiêu cực, bằng chứng là hàng loạt scandal bị phanh phui trong những năm gần đây.
Steve Darby thừa nhận: “VFF nỗ lực kiểm soát, đề ra những hình phạt nặng, thậm chí là án tù với các cá nhân dính líu tiêu cực. Nhưng cuộc chiến này vẫn rất gian nan, mang tính sống còn với cả nền bóng đá, nó phải được tiếp tục cho đến khi chúng ta giành chiến thắng tuyệt đối!”.