Chàng chiến binh Huy Hùng mang nỗi khắc khoải gia đình
Tiền vệ Nguyễn Huy Hùng - một trong số những cầu thủ từng khoác áo đội tuyển dưới thời ba vị HLV trưởng ĐTQG...
Tiền vệ Nguyễn Huy Hùng - một trong số những cầu thủ từng khoác áo đội tuyển dưới thời ba vị HLV trưởng ĐTQG gần nhất (Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng và Park Hang-seo) luôn mang trong mình nỗi khắc khoải với gia đình.
Người hùng thầm lặng
Trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018, trong một tình huống tấn công của đội tuyển Việt Nam bên cánh phải. Bóng được Quang Hải đưa vào từ cánh trái, Huy Hùng như từ dưới đất chui lên dứt điểm tung lưới đối thủ. Bàn thắng này mang ý nghĩa cực lớn với đoàn quân áo đỏ bởi nó giúp thày trò ông Park giải tỏa được sức ép khủng khiếp đang đè nặng đôi vai, trong bầu không khí đặc quánh ở sân Bukit Jalil với sức chứa hơn 80 nghìn chỗ ngồi.
Tiền vệ Huy Hùng
Huy Hùng nổi lên từ thời HLV Toshiya Miura, là lựa chọn không thể thay thế cho vị trí tiền vệ đánh chặn của U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam. Tới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, cầu thủ quê Đông Anh (Hà Nội) tuy không phải là ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn thường ăn cơm tuyển và khi HLV Park Hang-seo cần một sự đảm bảo nơi tuyến giữa, Huy Hùng vẫn là cái tên được ưu tiên.
Thời điểm thày Park chốt quân, cầu thủ thuộc biên chế Quảng Nam còn đang điều trị chấn thương nhưng vị thuyền trưởng người Hàn Quốc vẫn dành một suất cho cậu học trò sinh năm 1992.
Tại AFF Cup 2018, Hùng chỉ chơi 4 trận kể từ vòng bán kết, trong đó đá chính 2 trận chung kết. Điều này cho thấy HLV Park tin tưởng vào khả năng của Huy Hùng và cầu thủ này đã không khiến ông Park thất vọng. Ngoài bàn thắng vừa kể, Hùng chơi thứ bóng đá đẳng cấp mỗi khi có mặt trên sân, đánh chặn, thu hồi bóng và phát động tấn công hiệu quả, giúp ông Park giải bài toán nơi tuyến giữa. Thế nên, không khó hiểu khi Huy Hùng tiếp tục góp mặt tại Asian Cup 2019, giải đấu sắp diễn ra ở UAE.
Là cầu thủ từng làm việc với ba HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia nhưng vị HLV có tác động lớn nhất tới sự nghiệp của Huy Hùng phải là HLV Hoàng Văn Phúc (Quảng Nam). Hùng trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Sở VH-TT Hà Nội (đặt tại Gia Lâm) trước khi chuyển giao cho CLB Hà Nội của bầu Kiên. Năm 2012, khi mới tròn 20 tuổi, Huy Hùng suýt mất nghiệp bởi bầu Kiên bị bắt còn đội bóng đứng trước nguy cơ giải thể. Hùng lại chưa phải là ngôi sao như Thành Lương để dễ dàng tìm bến đỗ mới.
Thời điểm đó, HLV Hoàng Văn Phúc đang dẫn dắt đội hạng Nhất của Hà Nội T&T đã trực tiếp đến xem giò các cầu thủ. Ông đặc biệt ấn tượng với Huy Hùng nên tìm cách đưa anh về và chỉ hai năm sau, Hùng bay thẳng lên tuyển quốc gia, làm tiền đề cho danh hiệu vô địch AFF Cup 2018.
HLV Hoàng Văn Phúc cũng chính là người chiêu mộ Huy Hùng về Quảng Nam, dẫn dắt anh cùng đồng đội vô địch V-League 2017. “Mỗi HLV đều có cách làm việc và triết lý riêng, có tác động khác nhau tới sự nghiệp của tôi nhưng nếu không có thày Phúc, tôi không biết mình sẽ đi về đâu, làm một công việc khác chẳng hạn”, Hùng bộc bạch.
Từ CLB tới đội tuyển, Hùng không phải mẫu tiền vệ tung ra được những đường chuyền “chết chóc” như Xuân Trường, Tuấn Anh; cũng không phải mẫu cầu thủ gây ấn tượng bằng sức mạnh, khả năng tranh chấp như Hoàng Thịnh, Trọng Hoàng. Chàng trai gốc Hà Nội chơi bóng thông minh, cảm quan chiến thuật, khả năng phán đoán đều tốt, biến điểm “nóng” trên sân thành điểm “lạnh” nên thường ít được chú ý. Bàn thắng vào lưới Malaysia là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi Huy Hùng bước ra ánh sáng trong sự nghiệp. Còn lại, Hùng chọn cách cống hiến, nỗ lực âm thầm đóng góp cho thành công chung của tập thể.
Luôn hướng về gia đình
Huy Hùng sinh ra và lớn lên ở xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội), một vùng quê thuần nông. Bố mẹ Huy Hùng quanh năm chỉ biết trông vào mấy sào ruộng cấy lúa, trồng hoa màu. Là con út và con trai duy nhất trong nhà nên Huy Hùng rất được chiều chuộng.
Dù ước mơ của ông Nguyễn Huy Thành là con học hành tấn tới, có công việc ổn định nhưng khi thấy con quá đam mê bóng đá, ông Thành vẫn hết lòng ủng hộ. Được một người quen giới thiệu để con tới Gia Lâm tập bóng đá, ông Thành lập tức đồng ý. Những ngày đầu, Hùng chưa có “biên chế”, ông Thành cứ đạp xe đưa con lên rồi lại ngủ tại sân để tối chở con về nhà.
“Có hôm trời mưa rét, tôi ôm chặt bố mà vẫn thấy người bố run lên trong tấm áo mưa mỏng. Quãng thời gian này thực sự rất khó khăn với tôi. Tôi đấu tranh nội tâm rất nhiều bởi vì sở thích của mình làm bố vất vả quá. Đã có lúc tôi nghĩ sẽ từ bỏ nhưng rồi lại nghĩ, nhiều ngôi sao bóng đá thế giới cũng có xuất phát điểm rất thấp nên tiếp tục cố gắng. Cố gắng vì bản thân và vì những ngày bố đội mưa, đội nắng hơn 20km đưa tôi đến trung tâm”, Huy Hùng tâm sự.
Con nhà nông nên ngay cả khi đã trở thành một ngôi sao, Hùng vẫn giữ được sự giản dị, mộc mạc. Nhiều đồng nghiệp sắm xe hơi, mua nhà lầu còn Huy Hùng cho biết anh chưa nghĩ tới điều đó. “Người nhà quê, xe máy đi lại là được rồi, mua ô tô cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nhà lại càng không cần vì tôi ở cùng đội. Tiền lương và tiền thưởng tôi gửi phần lớn về cho bố mẹ giữ hộ, chỉ bớt lại chút ít dùng cho sinh hoạt cá nhân”, Hùng chia sẻ. Tủ quần áo của Huy Hùng cũng không có những món hàng hiệu đắt tiền bởi theo quan niệm của anh, quanh năm suốt tháng quần đùi áo số, trưng diện làm gì, miễn là cảm thấy thoải mái.
Trên Hùng có một chị gái đã đi lấy chồng, anh lại thi đấu xa nhà nên bố mẹ anh chỉ còn biết nương tựa vào nhau. Đó là điều Hùng luôn khắc khoải trong lòng: “Nghiệp bóng đá là vậy, nay đây mai đó, chẳng có thời gian chăm sóc gia đình. Bố mẹ đều đã lớn tuổi nên tôi luôn cảm thấy bất an khi không thể ở bên”. Đặc biệt, kể từ ngày chuyển vào thi đấu cho Quảng Nam, Huy Hùng càng ít có dịp về thăm nhà. Trong khi đó, bố mẹ anh những lúc trái gió trở trời không đau chỗ này thì đau chỗ khác. “Bố mẹ tôi đau ốm nhiều nhưng thường giấu vì không muốn tôi phải lo lắng, mất tập trung trên sân cỏ. Hôm rồi sau AFF Cup 2018 tôi tranh thủ ghé về nhà 2 ngày. Thấy bố bảo dạo này mẹ hay đau lưng và khớp gối. Tôi hứa sau khi trở về từ Asian Cup 2019 sẽ đưa mẹ đi khám…”, Huy Hùng nghẹn ngào.
Vì nhà neo người, bố mẹ tiền vệ đội tuyển Việt Nam từng đề cập tới chuyện lập gia đình để ông bà có thêm tiếng nói tiếng cười nhưng bản thân anh thấy mình chưa đủ chín chắn: “Tôi và bạn gái Thùy Dương yêu nhau cũng được một thời gian dài nhưng chưa thực sự sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Tôi dự tính hai năm nữa sẽ cầu hôn cô ấy. Nếu tới khi đó tôi vẫn thi đấu cho Quảng Nam, vợ tôi sẽ ở lại Hà Nội để thay tôi chăm sóc bố mẹ. Dương cũng đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng đón nhận điều này”.
Tờ báo Alsumaria News của Iraq đánh giá ĐT Việt Nam lúc này đang rất mạnh.