Champions League: Thời của bóng đá phản công
Hai trận bán kết lượt đi diễn ra, và chúng ta chỉ được chứng kiến duy nhất 1 bàn thắng.
Trong 4 nhà vô địch Champions League gần nhất, chỉ có Barcelona 2011 là đoạt chức vô địch khi thực sự chơi ép sân. 3 nhà vô địch còn lại, từ Inter 2010 cho đến Chelsea 2012 và Bayern Munich 2013 đều giữ những yếu tố phòng ngự phản công nhất định trong cách chơi của mình.
Nhiều người chỉ trích lối chơi dựng xe buýt của Chelsea trong trận đấu với Atletico Madrid. Vậy còn trận Real Madrid - Bayern Munich? Bayern ép sân tới 72%, một con số cho thấy Real cũng chẳng kém gì Chelsea trong lĩnh vực “thực dụng hóa”.
Bayern không có nhiều khoảng trống
Chỉ có điều nếu như Chelsea chỉ biết thủ chứ không cựa quậy gì được ở phía bên kia sân, Real đã làm tốt hơn vì có những cầu thủ tấn công rất lợi hại. Fabio Coentrao chạy nhanh như gió trong tình huống căng ngang để Karim Benzema ghi bàn thắng duy nhất, và thậm chí Real chẳng cần Cristiano Ronaldo phải chơi hết 90 phút hay Gareth Bale chỉ vào sân từ ghế dự bị.
Phản công dự kiến là xu thế của Champions League trong một vài năm tới. Kể từ sau chức vô địch của Barcelona với tiki-taka, những lối chơi tương tự như của họ đã bị nghiên cứu cách đối phó trên toàn châu Âu và quá trình nghiên cứu ấy trở nên cực kỳ có ích khi sử dụng trong những trận đá Cúp. Barcelona hai lần thua ở bán kết châu Âu năm 2012 và 2013, và cả hai đội đánh bại họ đều lên ngôi vô địch sau đó. Năm nay, họ thúc thủ trước một đối thủ chơi phòng ngự phản công khác, Atletico Madrid.
Trong 4 đội góp mặt tại bán kết Champions League năm nay, ngoài Bayern Munich và phần nào đó là Real Madrid thì cả Chelsea và Atletico đều là những CLB không nguy hiểm lắm khi chơi tấn công áp đảo, nhưng họ lại tận dụng tốt thế trận khi chuyển sang thế phòng ngự phản công. Real Madrid là một trường hợp đặc biệt: họ có thể triển khai phản công nhanh tốt chẳng kém gì triển khai pressing thông thường. Họ giống như một đội bóng rổ hoàn hảo, có thể chơi phản công và úp rổ lia lịa, nhưng khi cần cũng có thể chơi nửa sân với tốc độ chậm và ghi điểm đều đặn.
Real phòng ngự rất chặt chẽ
Như vậy chỉ còn lại Bayern Munich. Lối chơi của họ, về cơ bản, không khác mấy tiki-taka của Barcelona bởi vì Pep Guardiola vẫn là HLV trưởng. Cũng vì thế mà tốc độ triển khai bóng diễn ra khá chậm, và nó đã giúp cướp đi sự bùng nổ mà Arjen Robben, Franck Ribery và một số cầu thủ tấn công khác sở hữu. Mỗi đợt kiểm soát của họ phải cần đến 6-7 đường chuyền để đưa bóng đến cho người dứt điểm, và đến lúc ấy thì thường các hàng phòng ngự đã tổ chức xong để đối phó. Những người dứt điểm sẽ buộc phải đưa bóng ra để triển khai lại, thực hiện những pha bật tường mà tỷ lệ thành công rất thấp hoặc thực hiện những cú dứt điểm ít cơ may ăn bàn.
Thông thường, một đội bóng được đánh giá là rất mạnh nếu họ có thể triển khai một lối đá ép sân và vẫn giành được nhiều chiến thắng từ lối đá ấy, bởi xét cho cùng không ai có thể dựa vào phòng ngự phản công mà thắng mãi được. Nhưng với đá Cúp, các CLB thường chuyển đổi chiến thuật để an toàn hơn. Xét cho cùng, việc giữ sạch lưới và ghi bàn trong một không gian rộng rãi và ít hậu vệ cản phá (khi phản công) vẫn tốt hơn là không ghi bàn trước một dãy tường thành rồi lại để toang hoác cầu môn bên sân nhà.
Cho nên, không ngạc nhiên lắm khi nhà ĐKVĐ Bayern Munich là đội duy nhất thua ở lượt đi loạt bán kết này. Hai trận đấu được chờ đợi diễn ra nhưng khán giả chỉ được chứng kiến đúng 1 bàn thắng của Benzema. Nghe thì đúng là nhàm chán, nhưng cách đá như vậy là cần thiết. Bóng đá chuyên nghiệp là chuyện làm ăn, mà trong chuyện làm ăn, thắng thua mới là điều quan trọng nhất.