Champions League: 3 thay đổi để hấp dẫn hơn
Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh đang ngày càng trở nên dễ đoán và kém thu hút bởi những “hủ tục” của UEFA. Chuyên gia Peter Staunton của trang Goal vừa đưa ra những đề xuất để cải thiện chất lượng Champions League.
Champions League đã và đang bị ảnh hưởng bởi những CLB quyền lực nhất lục địa già. Không ít lần G14 (giờ đây là Hiệp hội những CLB lớn tại châu Âu) va chạm với UEFA về quyền lợi cũng như luật lệ của giải đấu, thậm chí từng “dọa” bỏ giải để tổ chức sân chơi riêng. Theo Staunton, sau đây là 3 thay đổi lớn mà G14 muốn thông qua.
Bỏ hệ thống tính điểm 5 năm
UEFA dựa vào màn trình diễn của các CLB trong 5 mùa giải gần nhất để chia hạt giống từ 1 đến 4. Một đội bóng không chỉ được đánh giá thông qua phong độ của chính họ, mà còn ở màn trình diễn chung của các CLB đồng hương tại châu Âu.
Lấy ví dụ, nếu MU có mặt tại vòng bảng Champions League mùa này, họ thậm chí còn được chọn làm hạt giống số 1, cao hơn cả Atletico Madrid - đội vừa vô địch La Liga và lọt vào trận chung kết châu Âu mùa trước.
Như vậy có xứng đáng cho một CLB vừa để thua đội bóng hạng 3 MK Dons 4 bàn không gỡ? Nhờ việc lọt vào trận chung kết Champions League ở mùa 2010-11, MU được đánh giá cao hơn “chú ngựa ô” đã vượt qua cả Real và Barca để trở thành ông vua mới của TBN.
Nếu được đá Champions League năm nay thì MU sẽ là hạt giống số 1
5 năm là quãng thời gian quá dài và chắc chắn khiến cách đánh giá của UEFA sai lệch. Bằng cách giảm xuống còn 3, hoặc thậm chí 2 năm, LĐBĐ châu Âu sẽ có cái nhìn công bằng hơn, qua đó tăng cường chất lượng cho giải đấu uy tín của mình.
Đừng ngại những trận “nội chiến”
Những cuộc chạm trán giữa các CLB trong cùng một giải VĐQG đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Champions League. Theo luật của UEFA, chính xác hơn là dưới sức ép của các hãng truyền thông khổng lồ, Real không thể đá với Barca, hay Chelsea gặp Arsenal… cho tới tận vòng tứ kết.
Derby thành Madrid cách đây 3 tháng là lần thứ 5 sau 17 mùa giải mà Champions League chứng kiến 2 đội bóng cùng quốc gia xuất hiện tại trận đấu cuối cùng. Kể từ khi giải đấu được tái cơ cấu từ mùa 1997-98, chỉ có 4 lần các cặp bán kết là cuộc chiến giữa các CLB đại diện cho các quốc gia khác nhau.
Anh, Ý, Đức và TBN mới đây là những giải đấu đóng góp 5 trận “derby” trên. Kể từ năm 2010, chưa có một trận bán kết nào mà 4 đội bóng còn lại thuộc 4 quốc gia khác nhau. Việc hạn chế những trận “nội chiến” từ vòng bảng có thể chấp nhận được nhưng nó cần chấm dứt ngay khi giải đấu bước vào loạt play-off.
Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cần cải tiến luật lệ
Bỏ luật bàn thắng sân khách
Đây là thể thức quá quen thuộc ở các vòng knock-out không chỉ riêng tại Champions League. Luật bàn thắng sân khách khiến các đội bóng chơi tính toán hơn ở trận lượt về. Đặc biệt khi một đội được chơi trên sân khách trước và nắm được một chút lợi thế (chỉ cần hòa có bàn thắng), họ chỉ cần hướng tới một kết quả hòa 0-0 là đủ để đi tiếp.
“Gánh nặng bàn thắng sân khách là quá lớn, quá nặng nề và không còn hợp lý”, HLV Arsene Wenger của Arsenal nói năm 2013, “Trong quá khứ, bạn có thể tới châu Âu và đá hết mình mà chẳng ai ngăn cản. Chúng ta cần khuyến khích các đội chơi cống hiến hơn vì khán giả chứ không phải vì mục đích riêng”.
Luật bàn thắng sân khách được sinh ra từ rất lâu trong quá khứ, khi các đội bóng gặp khó khăn trong việc di chuyển đến sân đối phương cần một chút lợi thế “giữa lòng địch”. Nhưng giờ đây việc đi lại là quá dễ dàng, luật lệ này nên bãi bỏ.
Nếu khác biệt giữa 2 đội chỉ nằm ở “một bàn rưỡi”, các đội chủ nhà sẽ chọn lối chơi thận trọng là phòng ngự-phản công - chiến thuật thường thấy tại Champions League những năm gần đây.
|
|
|
|