CĐV & Sài Gòn FC: Chưa yêu đừng nói lời cay đắng
Bỗng dưng có đội bóng được "biến tên" thành Sài Gòn FC chơi ở V-League 2016, nhưng cổ động viên (CĐV) Sài Gòn vẫn chưa thể vui trọn vẹn.
CLB Hà Nội đã chính thức được VFF chấp thuận cho đổi tên thành Sài Gòn FC và chuyển địa điểm thi đấu từ Hà Nội vào TP HCM. Sau khi đá xong vòng 5 V-League 2016 trước SLNA trên sân Vinh (10/4), thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng sẽ chính thức chuyển vào TP HCM.
Với nhiều CĐV của các đội bóng có lượng CĐV ở khu vực phía nam đông đảo như SLNA, Thanh Hóa hay cả HAGL, việc TP HCM “bỗng dưng” có một đội bóng chơi ở V-League là một tin không thể vui hơn.
CLB Hà Nội (áo hồng) được đổi tên và địa điểm thi đấu vào TP HCM từ vòng 5
Thậm chí, những hội CĐV như SLNA đã bắt đầu lên kế hoạch biến sân Thống Nhất thành sân nhà của họ. Anh Thanh Tùng, CĐV SLNA khu vực phía Nam chia sẻ: “Chúng tôi chờ đợi điều này đã nhiều năm nay rồi và ký ức về các khán đài sân Thống Nhất tràn ngập sắc vàng lại bắt đầu ùa về. Chắc chắn khi Sài Gòn FC gặp SLNA trên sân Thống Nhất, sẽ có không dưới 10.000 CĐV xứ Nghệ có mặt và thể hiện những gì tốt nhất của Hội CĐV SLNA khu vực phía Nam.”
Tuy nhiên, việc “người dân TP HCM đón nhận đội bóng Sài Gòn FC như thế nào” vẫn là câu hỏi khiến nhiều cầu thủ Sài Gòn FC đang phân vân. Trả lời chúng tôi, anh Huy – một CĐV bóng đá TP HCM cho biết: “Tất nhiên, chúng tôi rất vui khi TP HCM có đội bóng tham dự sân chơi V-League. Nhưng nó sẽ ý nghĩa hơn nhiều nếu đội bóng ấy là của chính thành phố này chứ không phải ở đâu chuyển về.”
Trong khi đó, ông Trần Hữu Nghĩa, một CĐV lâu năm của bóng đá Sài Thành chia sẻ với chúng tôi rằng VFF cần xây dựng quy chế bóng đá chuyên nghiệp hơn, chặt chẽ hơn để không còn tình trạng “1 ông chủ 4 đội bóng”, hay việc các CLB có thể thoải mái đổi tên và địa điểm thi đấu. VFF hay VPF có xây dựng được nền bóng đá chuyên nghiệp như vậy mới mong khán giả quay trở lại nhiều hơn với các sân bóng.
Ông Nghĩa nói: “Việc CLB Hà Nội đổi tên thành Sài Gòn FC, VFF đã quyết định rồi, các CĐV như chúng tôi không có thẩm quyền nên không thể cản trở được. Có điều, quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF năm nào cũng sửa tới sửa lui, nhưng lại chưa thật chặt chẽ, để tất cả các đội xem giải V-League, hạng Nhất một cách nghiêm túc nhất.
Khi VPF mới ra đời, theo tôi được biết mục đích của họ là xây dựng nền bóng đá chuyên nghiệp để thu hút khán giả, vì khán giả được cho là sản phẩm của nền bóng đá. Trong khi, CĐV là tài sản của CLB. Nhưng họ vẫn để cho các đội bóng lách luật, xảy ra tình trạng “1 ông chủ 4 đội bóng”, hay các CLB có thể vô tư đổi tên và địa điểm thi đấu, suy cho cùng kiếm đâu ra CĐV trung thành cho đội bóng.
Ông Trần Hữu Nghĩa - CĐV bóng đá TP HCM
Tôi có điều này muốn hỏi ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch VPF. Tại sao những đội bóng có bề dày thành tích và tiềm lực kinh tế mạnh ở V-League như B.Bình Dương, hay Hà Nội T&T lại không thể thu hút được khán giả tới sân.
VPF cần xem lại, vì những đại diện mạnh nhất của nền bóng đá thi đấu với nhau thì sân vắng hoe. Trong khi một đội bóng vật lộn với cuộc chiến trụ hạng như HAGL đi đến đâu cũng được đông đảo khán giả mến mộ?”
Bên cạnh đó, ông Trần Hữu Nghĩa đã cho rằng dù sao thì “chuyện cũng đã rồi” và CĐV TP HCM cần có cái nhìn “nhân văn” với các cầu thủ của đội Sài Gòn FC: “Suy cho cùng, chúng ra cần có cái nhìn nhân văn với các em cầu thủ Sài Gòn FC. Tất cả họ đều là những người làm thuê, lấy tiền nuôi vợ con. Bản thân họ cũng không muốn vào TP HCM.
Chúng ta có thể chưa yêu nhưng cũng không nên nói lời cay đắng. Vì nếu CĐV TP HCM có hoạt động chống lại đội bóng này, nó sẽ chẳng nhân văn chút nào. Có thể đó còn là tội ác. CĐV TP HCM chúng tôi sẽ đến sân Thống Nhất xem, nhưng có thể chúng tôi chỉ chọn những trận đấu thật hay để theo dõi. Ngoài ra, nếu anh Nguyễn Giang Đông (Chủ tịch Sài Gòn FC) ngỏ lời mời, tôi sẽ giúp đỡ đội bóng có hội CĐV tốt. Nhưng bắt chúng tôi đi ủng hộ thì không thể.”