‘Cậu út’ Futsal ngồi mâm trên
Futsal Việt Nam sinh sau đẻ muộn nhưng liên tục gây tiếng vang và được FIFA nhắc đến nhiều ở sân chơi World Cup.
Trong lúc quá hưng phấn với chiếc HCB SEA Games 18 (1995) và HCĐ Tiger Cup 1996, Ban Chấp hành VFF khóa II đã đề ra kế hoạch và chiến lược bóng đá Việt Nam. Nổi cộm trong chiến lược dài hơi là mục tiêu 20 năm sau (tức năm 2016) đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự World Cup.
Hồi đấy Ban Chấp hành VFF khóa II chưa hề có chút khái niệm gì về Futsal cả. Và người đầu tiên gợi ra cho VFF môn Futsal là ông Trần Văn Nghĩa, vốn là cựu trọng tài bóng chuyền quốc tế. Ông Nghĩa khi ấy thành lập Công ty Tiếp thị thể thao Á Vận đã “móc” được Tiger mời bóng đá Việt Nam dự giải Futsal quốc tế tranh đĩa bạc Tiger tại Singapore.
Futsal Việt Nam dự World Cup được cả thế giới biết đến nhờ lối chơi quả cảm và những chiến tích như loại Nhật Bản, thắng Guatemala... Ảnh: QUANG THẮNG
Ông Nghĩa kể lại, hồi đó để Việt Nam có đội Futsal đi dự giải quốc tế, ông đã phải vất vả vận động các quan chức VFF thành lập đội tuyển Futsal theo kiểu vừa học hỏi lại “vừa được ăn, được gói mang về” nhờ nguồn tài trợ rủng rỉnh. Thế là VFF vội thành lập đội tuyển Futsal Việt Nam với thành phần chính là cầu thủ SL Nghệ An đá sân cỏ chuyển sang chơi Futsal.
Những Hữu Thắng (đội trưởng), Quang Trường, Lê Văn Lưu, Văn Sĩ Hùng, Đức Thắng (thủ môn)... chỉ có vài ngày làm quen trên sàn gỗ rồi đi đá giải quốc tế. Giải đó ta đá đâu thua đó và thua rất đậm nhưng bắt đầu hiểu ra được tiềm năng ở môn thi đấu đòi hỏi sự khéo léo và thông minh rất phù hợp với cầu thủ Việt Nam.
Đó mới chỉ là tiền đề nhưng phải đến năm 2005-2006 thì Futsal Việt Nam mới bắt đầu nở rộ khi SEA Games cũng đưa Futsal vào thi đấu, còn ở Việt Nam thì nhiều ông bầu không có chỗ đứng ở sân cỏ đã dốc túi vào Futsal ít vốn hơn rất nhiều.
Trong số đó có bầu Tú rất mê môn bóng trên sàn gỗ. Ông bầu này gom cầu thủ rồi bắt đầu tìm đến những ông thầy Futsal nổi tiếng, bắt đầu là cựu HLV trưởng đội tuyển Thái Lan về làm cho mình. Từ đó, Futsal Việt Nam cứ nở dần với sự độc quyền của bầu Tú và mở rộng ra các đội từ cá nhân Thái Sơn Nam. Những cầu thủ đá phủi từ mọi nơi cũng lập đội nhưng đa phần ai cũng thích làm lính bầu Tú vì dưới trướng ông bầu này, các đội Futsal mới hoạt động đúng nghĩa ăn Futsal, ngủ Futsal. Nó khác hẳn với nhiều đội là gom các công nhân, các thợ đủ ngành nghề rồi đến giải mới là cầu thủ.
Biết Đông Nam Á có Thái Lan là trùm Futsal, bầu Tú từ từ “thoát” đội khỏi tầm với của thầy Thái. Ông mon men tìm hiểu thầy Ý rồi hết hợp đồng ông lại tìm đến thầy Tây Ban Nha từng đoạt giải HLV Futsal xuất sắc nhất nước này.
Futsal Việt Nam ra đời muộn nhưng cách tìm thầy để học thì lại đi trước nhiều quốc gia. Bằng chứng là tại vòng chung kết World Cup, số lượng HLV Tây Ban Nha áp đảo với con số năm HLV Tây Ban Nha dẫn dắt năm đội tuyển quốc gia.
Ngẫu nhiên lộ trình 20 năm của VFF khóa II tính cửa bóng đá sân cỏ đi World Cup thì bây giờ Futsal lại là đội đi thay và tạo được những tiếng vang nhất định. Họ luôn mang đến nhiều bất ngờ như thắng đội vô địch châu Á Nhật Bản, lấy suất dự vòng chung kết World Cup rồi thắng Guatemala, thua suýt sao Ý và giành vé vào vòng knock out với Nga (thi đấu sáng 21-9).
Nói như cựu tuyển thủ Nguyễn Việt Thắng thì “cậu út” Futsal sinh sau đẻ muộn nhưng bây giờ thì bóng đá 11 người quá nhỏ bé so với Futsal luôn ngồi mâm trên.