Cầu thủ viết tâm thư và chuyện bóng đá thời facebook
Cách đây ít hôm, tiền đạo U.22 Việt Nam Hồ Tuấn Tài đã viết một bức tâm thư trên trang Facebook cá nhân, xin lỗi người hâm mộ. Bức tâm thư có đoạn: "Em thật sự xin lỗi vì đã không tận dụng tốt các cơ hội đó. Mọi lời góp ý, cảm ơn hay chỉ trích em đều ghi nhận... Em mong mọi người tiếp tục ủng hộ bóng đá Việt Nam nói chung và cá nhân em nói riêng, như mọi người đã từng".
Tại sao lại có những dòng tâm thư này? Tại vì ở trận quyết đấu U.22 Việt Nam - U.22 Indonesia tại vòng loại bóng đá nam SEA Games 29, Hồ Tuấn Tài đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội, trong đó có một cơ hội mười mươi khi đối mặt với thủ thành đối phương trong những phút thi đấu cuối cùng.
Ở tình huống "đá vào trong dễ hơn đá ra ngoài", Hồ Tuấn Tài đã co chân sút mạnh như búa bổ, đưa bóng đập xà ngang... ra ngoài. Nếu tình huống đó bóng đi vào lưới, U.22 Việt Nam chắc chắn có 3 điểm, và sẽ chắc chắn vào bán kết mà không cần quan tâm đến kết quả trận đấu cuối cùng gặp Thái Lan.
Cầu thủ Hồ Tuấn Tài với nỗi buồn trong trận gặp Indonesia
Vậy nên ngay sau trận đấu này, cả một làn sóng chỉ trích dữ dội vào Hồ Tuấn Tài đã xuất hiện trên mạng xã hội. Một số cổ động viên quá khích đã lao vào Facebook Hồ Tuấn Tài chửi rủa, và một số nhóm khác còn lập hẳn một Facebook riêng chỉ để trút mọi giận dữ lên cầu thủ này. Tình hình nghiêm trọng đến mức Ban huấn luyện U.22 Việt Nam khi đó đã phải cấm các cầu thủ vào Facebook, thay vì có thể "check in" thoải mái như kế hoạch ban đầu.
Chứng kiến toàn bộ câu chuyện này, cựu tuyển thủ Quốc gia Phạm Thanh Lương đã thốt lên: "Bóng đá thời facebook". Không khó cảm nhận được suy nghĩ của Phạm Thành Lương: ở cái thời mà sự tương tác giữa các cầu thủ và các cổ động viên luôn diễn ra gần như không giãn cách, ở cái thời mà rất nhiều người "xem đá bóng" có thói quen bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội thì một pha bóng hỏng rất có thể sẽ biến một cầu thủ trở thành một "tội đồ" xấu số.
Thực tế, đọc những chỉ trích thái quá mà những người nhân danh các cổ động viên bóng đá nhắm vào Hồ Tuấn Tài khi đó, người ta có cảm giác đối thủ bị chỉ trích không phải là một cầu thủ - người xét cho cùng cũng chỉ vừa đá hỏng một pha bóng, mà như một đối tượng phạm tội vừa thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội này
Thời điểm đó, không riêng gì giới cầu thủ, rất nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội đã lập tức lên tiếng. Họ cho rằng làn sóng chỉ trích Hồ Tuấn Tài một cách cực đoan là biểu hiện của sự thiếu văn hoá, và kêu gọi hãy chấm dứt ngay những hành động thiếu văn hoá này. Dĩ nhiên, sẽ thật lý tưởng nếu sau câu chuyện của Hồ Tuấn Tài, một làn sóng chỉ trích cực đoan như thế sẽ không lặp lại.
Nhưng đấy là "câu chuyện lý tưởng", còn trên thực tế chẳng có gì đảm bảo là nó sẽ không lặp lại. Vậy những cầu thủ nói riêng và những người trong cuộc nói chung phải làm gì? Theo chúng tôi, "bóng đá thời Facebook", các HLV, cầu thủ cũng phải trang bị cho mình một cách ứng xử với những lời thoá mạ cực đoan trên Facebook.
Hãy hiểu rằng đấy là những chỉ trích giấu mặt, của những đối tượng mà nói theo đúng ngôn ngữ mạng là "những anh hùng bàn phím". Vẫn những đối tượng đó, nhưng khi gặp mình ở ngoài đời, mặt đối mặt, có thể sẽ ứng xử hoàn toàn khác.
Do vậy không nền chìm đắm vào những cơn mưa chỉ trích này dẫn đến việc bị ảnh hưởng tâm lý và phong độ chuyên môn. Nếu không học được cách ứng xử như vậy, một cầu thủ có thể mất cả một sự nghiệp vì Facebook cũng chưa biết chừng.
Trở lại với bức tâm thư mới đây của Hồ Tuấn Tài. Chủ động viết những dòng chia sẻ, nhận hết phần lỗi về mình và chân thành xin tha thứ, đấy cũng là một cách ứng xử khôn ngoan ở vào một thời điểm mà vấn đề đã nguội đi rất, rất nhiều. Mong là sau bức tâm thư này, Hồ Tuấn Tài sẽ chính thức trút mọi áp lực phía sau sẽ thanh thản nhẹ nhõm với từng bước chạy tới đây của mình.
Cũng mong là không có nhiều cầu thủ phải rơi vào hoàn cảnh của Hồ Tuấn Tài, để không phải ngồi viết tâm thư như Tài!
Muôn hình vạn trạng các vấn đề Lê Công Vinh, quyền chủ tịch CLB thành phố Hồ Chí Minh cũng là một người rất biết ứng xử với mạng xã hội, thậm chí còn sử dụng mạng xã hội một cách có lợi cho mình. Cách đây ít lâu khi gặp phải những hiểu lầm không đáng có, Công Vinh cũng chủ động chia sẻ suy nghĩ của mình trên Facebook cá nhân, và những suy nghĩ chân thành đó cũng nhận được sự đồng cảm, hưởng ứng lớn của người hâm mộ. Vẫn liên quan đến chuyện giữa các nhân vật bóng đá và mạng xã hội, sau trận U.22 Việt Nam thua U.22 Thái Lan 0-3 và bị loại khỏi SEA Games 29, trên một tài khoản Facebook có tên "Công Phượng" đã xuất hiện dòng trạng thái với nội dung Công Phượng vì nỗi buồn SEA Games mà sẽ chia tay sân cỏ. Rất nhiều người sốc với thông tin này. Nhưng sau đó người ta sớm chứng minh đấy là một Facebook Công Phượng... giả. Rõ ràng có muôn hình vạn trạng những vấn đề của các cầu thủ trong một đời sống Facebook sống động nhưng đầy phức tạp hôm nay. |