Cầu thủ Việt đi Thái, cầu thủ Thái đi Nhật
Trong khi cầu thủ Thái Lan ồ ạt xuất khẩu sang giải vô địch Nhật Bản để tích lũy toàn diện về năng lực và tài chính thì cầu thủ Việt Nam lại sang đá giải Thai-League mong đổi đời.
Bóng đá Việt Nam (VN) tự hào có thứ hạng cao hơn Thái Lan và gặt hái nhiều thành tích hơn trong hai năm qua nhưng thực tế, chất lượng cầu thủ không hơn. Thủ môn Văn Lâm chơi rất hay ở AFF Cup 2018 và vòng chung kết Asian Cup 2019 mới có cửa cập bến CLB Muang Thong chơi giải Thai-League với mức lương tháng khoảng 10.000 USD.
Chanathip “tắt điện” trước Tuấn Anh nhưng con đường hội nhập của cầu thủ Thái Lan này lại trơn tru và ổn định hơn. Ảnh: NGỌC DUNG
Tuyển thủ Lương Xuân Trường đáng tiếc chỉ sau hơn bốn tháng khoác áo CLB Buriram United đã chia tay không kèn trống. Đấy là một bước lùi tiếp theo của cầu thủ HA Gia Lai sau hai mùa không thể trụ lại ở các giải đấu Hàn Quốc.
Trong khi đó, các tuyển thủ Thái Lan dù hai năm qua thua kém đồng nghiệp VN ở nhiều mặt trận quốc tế nhưng bản thân họ rất có giá trên thị trường chuyển nhượng, đặc biệt tại Nhật Bản. Sau thành công của tiền vệ Chanathip Songkrasin từng đoạt giải xuất sắc nhất CLB Consadole Sapporo và lọt vào danh sách hay nhất J-League 2018, nhiều cầu thủ Thái ao ước như đồng nghiệp.
Thành danh cùng với Chanathip ở giải Nhật Bản còn có hậu vệ biên trái Theerathon Bunmathan chơi thường xuyên và góp công lớn giúp Yokohama Marinos lên ngôi vô địch.
Chính từ làn sóng cầu thủ Thái thành công lớn trong môi trường bóng đá hàng đầu châu Á nhờ năng lực thực sự giúp các đồng nghiệp của mình thơm lây. Ngay cả lão tướng 31 tuổi Teerasil Dangda cũng có bản hợp đồng mới hai năm với CLB Shimizu S-Pulse, hay thủ môn kỳ cựu Kawin Thamsatchanan khoác áo Consadole Sapporo. Cách đây hai năm, tiền đạo Dangda từng có kinh nghiệm đá J-League khi đầu quân cho CLB Sanfrecce Hiroshima theo dạng cho mượn, giờ thì có chuyển nhượng hẳn hoi.
Dễ thấy làng bóng đá Thái bên cạnh mối quan hệ chặt chẽ với Nhật còn sở hữu khả năng hòa nhập rất nhanh về chuyên môn, thích nghi thân thiện với môi trường giao tiếp văn hóa mới.
Người ta thường trầm trồ so sánh tiền vệ Quang Hải nổi bật hàng đầu bóng đá VN và cho rằng thừa sức đá giải châu Âu, châu Á nhưng đến nay vẫn còn cân nhắc sau khi Văn Hậu mòn mỏi ngồi dự bị ở giải vô địch Hà Lan. Hậu vệ trái của tuyển VN rất tốt vẫn mờ mịt cơ hội ra sân chính thức trong đội hình một CLB Heerenveen do chưa thể ăn ý hơn đồng nghiệp và hạn chế ở khả năng ngoại ngữ. Những cầu thủ Việt giao tiếp ổn như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng thì trình độ chuyên môn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các ông thầy khó tính ở Nhật, Hàn, Bỉ.
Việc xuất ngoại của cầu thủ vẫn còn là bài toán nhiều ẩn số nhưng trước mắt, người Thái có vẻ trơn tru hơn.
Bóng đá Việt Nam hay và may Từ thời của HLV Park Hang-seo, làng bóng VN gặt hái nhiều chiến tích ngoài sự mong đợi từ lứa U-23 cho đến tuyển quốc gia. Ông Park rất tự hào về các học trò và tiết lộ bí quyết giành chiến thắng nhờ tinh thần VN lẫn gặp nhiều may mắn. Nó cũng giống như bóng đá Thái Lan một thời đá đâu thắng đó tại giải Đông Nam Á và từng vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018 - cái đích mà thầy trò ông Park đang hướng đến mùa này. Không may cho các đội tuyển Thái Lan gần đây sa sút so với chính họ và thường về sau VN ở hầu hết các đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, trong cuộc chơi bóng đá đường dài, người Thái vẫn bộc lộ những nền tảng chất lượng và căn cơ hàng đầu Đông Nam Á. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ thành Việt kiều Filip Nguyễn có thể được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam nhưng khó dự AFF Cup 2020.