Cầu thủ U-19 không phù hợp với HLV Miura?
Ban đầu HLV Miura chọn rất nhiều cầu thủ U-19 cho đội U-23 chuẩn bị SEA Games 28 nhưng qua vài giải đấu và vài trận thì quân số U-19 cứ rơi rụng dần.
Giữa quan điểm ban đầu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (đầu tư cho lứa U-19) và HLV Miura đã có độ vênh lớn. Tuy nhiên, độ vênh đó đã được “nắn” bởi HLV Miura qua cách sử dụng người và chọn lối đá.
“Thiếu gì thì cho ăn nấy”
Nói ông Miura không theo chiến lược của bóng đá Việt Nam thì chỉ đúng một phần bởi phần “sướng” tức thời của ông Dũng khi nhìn thấy các khán đài đầy ắp khán giả xem U-19 chỉ là nhất thời và tuyên bố chứ không phải là chiến lược. Tại VFF, không có buổi họp nào giữa những nhà chuyên môn hay chí ít là Hội đồng HLV ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc để đi đến một nghị quyết mang tính chiến lược lâu dài.
Bên cạnh đó, ông Miura dù là người được VFF thuê nhưng ông lại có thế riêng của ông. Đó là sự tiến cử của LĐBĐ Nhật - đơn vị hỗ trợ bóng đá Việt Nam rất nhiều. Ngoài ra còn một vấn đề tế nhị là bầu sữa chính nuôi bóng đá Việt Nam từ các nguồn tài trợ bây giờ đều đến từ Nhật và ông Miura cũng nằm trong vòng tròn khép kín đấy.
Những nhà chuyên môn hiểu về nội tình bóng đá Việt Nam khẳng định chính cái “móc” từ những nhà tài trợ Nhật đổ vào và những tiến cử từ phía Nhật giới thiệu cho bóng đá Việt Nam HLV Miura đã khiến mối quan hệ giữa “ông chủ” và “người làm thuê” đổi chiều. Hơn nữa, phần “cấp trên” đại diện VFF làm việc với ông Miura bây giờ cũng không có những người đủ cơ để nói chuyện với HLV Miura về vấn đề chiến lược của một nền bóng đá. Thế nên ông Miura nhiều lúc làm việc cho các đội tuyển Việt Nam đã ứng dụng theo kiểu thấy thiếu gì thì cho ăn nấy nhiều hơn là nuôi dưỡng một thế hệ tài năng.
ông Phượng, cầu thủ duy nhất còn giữ được phần kỹ thuật của lối chơi U-19 nhưng cũng bị “mòn” rất nhiều bởi có những lúc phải chơi sai vị trí.
Và ông Miura cũng có lúc chiều lòng người, chiều lòng dư luận khi chọn đến 8-9 cầu thủ U-19 lên tập trung cho đội U-23 chuẩn bị cho các giải lớn nhưng sau những cuộc thanh lọc thì các cầu thủ U-19 rơi rụng dần.
Ông Miura thực chất là người làm việc rất khoa học và ông đã ứng dụng thực tiễn vào các đội tuyển. Ông nhìn ra cầu thủ Việt Nam chỉ khỏe khoảng 60-65 phút và ông đã khắc phục chuyện thiếu sức bền đấy bằng những bài thể lực nặng. Nói đó là những bài tập mới và quá nặng thì không hẳn bởi có những bài không khác gì đội Thể Công những năm 1960 đi tập huấn ở CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm (vừa thả lỏng và xả khi nghỉ tết) và đẩy vào quá sớm với mật độ dày khiến nhiều cầu thủ chấn thương.
Chọn lối bóng đá cơ bắp
Ngoài việc cải thiện về sức, ông Miura cũng thích chọn những “đấu sĩ” vào trận bởi ở Nhật ông vốn nổi tiếng là một HLV nặng về phòng ngự và xây dựng những đội bóng thiên về cơ bắp.
Tư tưởng thực dụng để cải thiện ngay cho bóng đá Việt Nam một đội tuyển và đội U-23 đủ khỏe và đủ sức để chạy đến hết trận là một điểm nhấn. Tuy nhiên, chỉ một khía cạnh đấy thôi thì chưa đủ bởi khỏe thêm và chạy nhiều hơn để ra trò thì cũng giống với việc HLV Tavares đã làm năm 1995 cho hai đội tuyển Việt Nam 1 và Việt Nam 2 thi đấu Cúp Độc lập.
Có một điều lạ là đợt tập trung nào cũng mất hàng loạt cầu thủ vì chấn thương và thậm chí là chấn thương nặng nhưng chưa thấy một phản biện nào từ những nhà chuyên môn hay chí ít là “cấp trên” của ông Miura ở VFF. Một đội tuyển tập trung và tập nặng có 4-5 cầu thủ chấn thương thì còn chấp nhận nhưng lần nào cũng có đến gần chục cầu thủ chấn thương và phải chia tay thì cần phải xem lại.