Cầu thủ Tuấn Anh: Hãy để cuộc đời cứ nhẹ nhàng trôi đi
Tuấn Anh thừa nhận mình không phải một đội trưởng tài ba, khi chất giọng của anh quá mỏng và nhỏ nhẹ. Anh chấp nhận rằng sự nghiệp bóng đá của bản thân có lẽ cũng chẳng thể tạo được nét chấm phá, khi những truân chuyên đã khiến anh lỡ hẹn với nhiều đỉnh cao.
Nhưng Tuấn Anh không vì thế mà muộn phiền hay tiếc nuối. Bởi với anh, đó là cuộc đời của mình. Nếu số phận đã là như vậy, hãy cứ để những hạt sạn nhẹ nhàng đi qua, khi ngày mai là một ngày mới…
Đến với bóng đá không phải vì say mê
Nếu để lựa chọn giữa đọc sách và bóng đá, Tuấn Anh có lẽ sẽ ngập ngừng vài phút chỉ để đưa ra quyết định của mình. Anh đến với bóng đá không phải từ một khát khao cháy bỏng, cũng chẳng vì một động cơ thoát nghèo như nhiều cầu thủ có gia cảnh khó khăn khác, mà đó là định mệnh. “Tôi không có ý định sẽ theo bóng đá. Nhưng nó đến bởi một sự tình cờ”, Tuấn Anh tâm sự. “Khi xung quanh lớp học của bạn, bạn bình thường và không thể bằng những người xung quanh học lực, nhưng lại giỏi hơn và nổi trội ở bóng đá, đương nhiên bạn sẽ chú tâm đến nó thôi”.
Tuấn Anh lỡ hẹn với vinh quang của dòng chảy lịch sử bóng đá Việt Nam
Bố là bác sỹ, mẹ làm ngân hàng nhưng cả hai đều ủng hộ cậu con trai sinh năm 1995 đến với bóng đá. Lúc đó, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai nổi lên như một cuộc cách mạng với bóng đá Việt Nam. Trái với những lò đào tạo truyền thống với điều kiện ăn ở, tập luyện còn khiêm tốn, việc đội bóng phố Núi sẵn sàng chi tiền tỷ để liên kết với Arsenal, chọn lựa giáo án nước ngoài và cùng với đó là việc dạy cả bóng đá lẫn văn hóa cho mỗi cầu thủ nhí, đủ khiến phụ huynh của Tuấn Anh bằng lòng cho anh đến Pleiku.
Quyết định ấy của Tuấn Anh và bố mẹ đúng đắn. Bởi ít lâu sau đó, anh trở thành một trong bốn gương mặt xuất sắc được sang tập luyện cùng đội trẻ Arsenal. Thậm chí trong bếp ăn, Tuấn Anh còn được gặp gỡ huyền thoại Arsenal – HLV Arsene Wenger. Không lâu sau, một chuyên gia đã gửi lời đề nghị của Olympiakos đến Hoàng Anh Gia Lai, với hy vọng có thể kiểm định Tuấn Anh ở Hy Lạp. Ngờ đâu, anh đã gặp một chấn thương không đáng có.
Đó là chấn thương đầu tiên trong… 7 lần Tuấn Anh phải nghỉ thi đấu dài hạn. Chỉ 10 năm chơi bóng từ cấp độ U19 đến ĐTQG, tổng thời gian mà Tuấn Anh dưỡng thương lên đến gần… 2 năm. Trong đó, anh vắng bóng trong dòng chảy lịch sử hào hùng của bóng đá Việt Nam, với những chiến tích từ U23 châu Á, ASIAD, Asian Cup, AFF Cup của năm 2018 và 2019. Khi những cầu thủ cùng lứa 1995 và 1996 như Đức Huy, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy đều gặt hái ít nhiều vinh quang sự nghiệp thì với Tuấn Anh, mọi thứ gắn liền với giường bệnh, băng gối…
“Rõ ràng là không tránh khỏi thất vọng. Nhưng tôi tự dặn mình là cố được lúc nào thì hay lúc đấy. Gặp chấn thương, nghỉ thi đấu là nỗi sợ với bất cứ ai. Nhưng có những lúc tôi hiểu mình phải chấp nhận như một phần của nghề nghiệp. Tôi tự dặn mình cứ kiên trì, chịu đựng rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi. Tất nhiên là cầu thủ hay bất cứ ai trong cuộc đời, tôi nghĩ ai cũng mong được thừa nhận thôi. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý mình. Bản thân tôi vẫn phấn đấu, vẫn quyết tâm nhưng cũng có lúc phải học cách chấp nhận. Đôi khi, cuộc sống là thế, mình không thể nào làm khác được. Tôi dặn mình ít nghĩ về quá khứ hay nghĩ quá xa về tương lai. Tôi muốn bản thân tập trung cho những điều trước mắt. Như khi chấn thương, tôi mong mình sớm bình phục. Còn hiện tại, tôi muốn cống hiến cho đội tuyển Việt Nam hay ở Hoàng Anh Gia Lai, tôi sẽ cố gắng giúp đội qua từng trận đấu”, Tuấn Anh chia sẻ.
Không hẳn là một cầu thủ hướng nội
Thực ra, có một chi tiết rất thú vị. Các tuyển thủ Việt Nam thường hay trêu đùa Tuấn Anh là… giả nai. Bởi đằng sau những bức hình đầy hoài cổ và chiêm nghiệm, Tuấn Anh thực tế là một cầu thủ sôi nổi. Chỉ có điều, như chính Tuấn Anh tâm sự, anh chỉ thật sự cởi lòng với những người thân thiết.
Với Tuấn Anh, quá khứ đã là quá khứ; anh muốn tập trung cho hiện tại, với những quãng ngắn vừa đủ để cố gắng
“Nhiều quan điểm nói về tôi lắm. Đa phần tôi thấy họ thường nói với tôi là mẫu cầu thủ hướng nội. Thực ra nếu ai thân thiết với tôi, họ sẽ hiểu tôi không phải kiểu thích sống nội tâm đâu. Tôi luôn có sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc, giữa những người thân thiết và người ngoài. Trong chơi bóng, mỗi người sẽ có phong cách khác nhau. Tôi cũng lựa chọn cho mình một lối chơi, một vị trí, một cách đá sao cho phù hợp bản thân mình. Với tôi, chơi game hay đọc sách cũng là giải trí. Với tôi, việc đọc một cuốn sách mà mình thư giãn cũng là tốt rồi. Mỗi một giai đoạn cuộc đời tôi lại lựa chọn những đầu sách khác nhau. Đa phần, tôi lựa chọn cuốn sách nhẹ nhàng, đọc dễ chịu hơn là những cuốn sách bán chạy ăn khách hoặc triết lý sống. Tôi muốn mọi thứ đơn giản. Khi mình đã tìm đến sách để thoải mái cái đầu thì cũng chẳng có lý do gì lại chọn những chủ đề bắt mình phải tư duy.
Tôi thích đọc đa số những cuốn sách của Haruki cũng là vì vậy. Văn phong của ông duyên dáng, nhẹ nhàng, dễ đọc. Tôi không cố tình tạo ra một rào cản, phạm vi hay điều gì đó ngăn cách mình với thế giới xung quanh. Tôi cũng có những mối quan hệ riêng, thậm chí là không ở trong lĩnh vực bóng đá. Tôi sẽ hợp nói chuyện với những người có cùng quan điểm sống, sở thích như mình. Đó có thể là cùng thích một cầu thủ cổ điển hay thích đọc sách chẳng hạn”.
Tuấn Anh cũng hạn chế việc lên mạng xã hội. Anh thừa nhận rằng mình sợ phải đọc những bình luận ác ý nhằm vào bản thân mình, đặc biệt sau một trận đấu không thành công.
Bài học lớn từ chuyến sang Nhật Bản
Tuấn Anh thích nhà văn Haruki. Chính xác hơn, anh thích những điều thuộc về Nhật Bản. Tuấn Anh tâm sự: “Điều đó có thể bắt đầu khi tôi sang Nhật Bản thi đấu cho Yokohama FC vào năm 2016. Đó có thể là một bước ngoặt ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ của tôi. Tôi mạnh dạn hơn trong suy nghĩ, dám biểu đạt ý kiến hơn. Tôi học được nhiều điều, với sự chuyên nghiệp, khoa học trong cuộc sống và bóng đá. Trước khi sang Nhật, tôi là người bị coi là đại khái. Nhưng khi sang Nhật, sự tỉ mỉ của họ khiến tôi phải thay đổi. Một chi tiết nhỏ như khi tập luyện trên sân. Lúc đó, đội Yokohama FC tập phòng ngự. Tôi phải lui về vị trí theo yêu cầu. Lúc đó, tôi nghĩ rằng ngay cả tôi không lùi về vị trí đó thì bóng cũng không thể luân chuyển vào khoảng trống đó được. Rồi họ nhắc tôi: Ngay cả có như vậy hay họ không tấn công vào đó thì anh vẫn phải buộc lùi lại, bởi đó là sự di chuyển đồng bộ của cả tập thể mà mỗi vị trí đều đã được hoạch định sẵn. Đó là một bài học về sự tỉ mỉ trong tiểu tiết của người Nhật”.
Tuấn Anh từng chia sẻ với bạn bè rằng anh ấp ủ được sang Nhật Bản trong tương lai gần, với tư cách một du khách. Anh muốn một lần nữa được sống trong sự chậm rãi, an yên tại một thị trấn nhỏ của xứ sở hoa anh đào. Hoặc ít ra, anh muốn được sống lại năm tháng tuổi trẻ khi còn thi đấu cho Yokohama FC. Đó là thời điểm thử thách nhưng đồng thời cũng đem đến cho Tuấn Anh nhiều suy nghĩ tích cực.
Nguồn: [Link nguồn]
Đúng 45 ngày nữa ĐT Việt Nam sẽ chơi trận ra quân tại Asian Cup 2023 gặp Nhật Bản. Từ nay đến đó, hy vọng HLV Philippe Troussier có đủ các mảnh ghép để tạo nên đội bóng tốt...