Cầu thủ Đồng Nai không nghèo nhưng làm liều
Năm nghìn bạc xôi, đôi quá trứng vịt lộn, hay xơi bát mỳ tôm lót dạ “chào buổi sáng” trước khi vào sân tập luyện, đó chỉ là những câu chuyện quá khứ của bóng đá nội. Cầu thủ Việt giờ ăn sang mặc đẹp chẳng khác nào các nhân vật giới showbiz.
Thu nhập cao vẫn "bán đứng đội bóng"
Câu chuyện 9 cầu thủ V.Ninh Bình làm độ trận đấu tại AFC Cup 2014 chưa “nguội lạnh”, hay những tấm gương trong vụ Bacolod (SEA Games 23) còn đó. Vậy động cơ nào khiến 6 cầu thủ Đồng Nai chui đầu vào bóng tối, họ “đói ăn”, hay thiếu tiền tiêu xài?! Thực tế cho thấy họ ăn no, và gần như chẳng thiếu thứ gì (theo nhu cầu của số đông người lao động).
Theo tiết lộ từ phía Đồng Nai, dù họ không phải đội bóng “nhà giầu”, nhưng so với các đội ở V-League thầy trò ông Trần Bình Sự không phải…diện nghèo. Một tháng trung bình các cầu thủ đá chính ở Đồng Nai nhận lương cứng vào khoảng 20 đến 30 triệu đồng/người, thưởng cho mỗi trận thắng dao động từ 400 triệu tới 600 triệu đồng. Còn nếu hòa, toàn đội chia nhau khoảng từ 100 đến 200 triệu đồng, đó còn chưa kể đến những khoản phụ cấp, như ăn sáng, trang phục, giầy thi đấu…
Như vậy, chia bình quân, mỗi cầu thủ ở Đồng Nai nếu đá có kết quả tốt, thu nhập mỗi tháng lên tới 30-40 triệu đồng. Nếu cộng với số tiền “lót tay” khi ký hợp đồng, mỗi cá nhân 1 năm được thêm khoảng 300 đến 400 triệu đồng. Vậy 1 năm, họ kiếm được khoảng 600-700 triệu đồng, con số này thuộc nhóm thu nhập khá cao đối với người lao động.
Nhưng thu nhập cao, họ vẫn bán đứng đội bóng, đồng đội, người hâm mộ. Vì họ nhàn rỗi sinh nông nổi, vì thú vui, cách quản lý lỏng lẻo…, hay vì “đam mê” khó giải thích của những người trong cuộc?!. Đó chỉ là một trong số những lý do mà dư luận đang đặt giả thiết, còn thực tế thì chỉ có bản thân họ mới hiểu được.
Cầu thủ Đức Thiện của Đồng Nai đã trót tham gia vụ tiêu cực vừa xảy ra
Và thú vui "tiêu tiền không phải nghĩ"
Kể từ khi các ông bầu nhảy vào làm bóng đá, giới cầu thủ VN (hay nghề đá bóng và chỉ tính nam giới) bỗng trở nên sung túc và đổi đời. Nếu là cầu thủ thuộc nhóm có “số má”, trước đây một năm kiếm vài ba tỷ đồng là chuyện quá bình thường, còn cỡ nhàng nhàng cũng bỏ túi 1-2 tỷ đồng/năm. Họ kiếm tiền dễ nên cuộc sống (cá nhân) và mọi sinh hoạt được nâng tầm.
Thắng một trận, các ông chủ có thể thưởng từ 400 đến 500 triệu đồng, thậm chí có trận quan trọng thưởng lên đến cả tỷ đồng là chuyện bình thường. Dễ kiếm tiền thì họ cũng dễ tiêu. Nào là điện thoại xịn, laptop sang, quần áo hàng hiệu, môtô đời mới, ôtô lên đời... cứ ầm ầm.
Bên cạnh đó, sau những buổi bán sức trên sân cỏ, nhiều "sao" còn tham gia những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, để rồi khói thuốc và chất cồn ngày một khiến họ thay đổi con người.
Chơi rồi, cũng đến lúc nhiều người phải "cày" kiếm tiền. Khi mà thế giới ảo ngày một tràn lan, đầy rẫy những cám dỗ, việc “bán thân” sẽ ngày một dễ dãi hơn. Các trang mạng cá độ quốc tế với tỷ lệ kèo của các trận V-League xuất hiện cứ nhan nhản, mà ở đó chính các cầu thủ có thể dễ dàng điều khiển được, vậy thì việc trót "nhúng chàm" để rơi vào vòng lao lý là điều dễ hiểu.
Thế nên, khi những “quả bom tiêu cực” đã phát nổ, những người theo dõi sát bóng đá Việt gần như chẳng thấy bất ngờ, bởi nó như chuyện "cái kim trong bọc..." mà thôi. Và khi virus đã bị nhiễm quá sâu vào đời sống bóng đá Việt Nam, sau những lời cảnh tỉnh, những án phạt và cả những người phải ngồi tù, thì phần còn lại vẫn chẳng thấy sợ hãi mà quay đầu được.
Lần này, từ "sự cố 6 cầu thủ Đồng Nai tham gia bán độ", câu chuyện liệu có khác, khi mà các nhà quản lý, những cơ quan có thẩm quyền đang muốn "nhổ cỏ tận gốc" nạn dàn xếp tỷ số ở các giải vô địch quốc gia và chấp nhận làm lại từ "đống tro tàn"?!.