Câu chuyện thể thao: “Táo giao thông” và V-League
“Táo giao thông” Chí Trung vẫn kiên trì ở cửa sân Hàng Đẫy trong những trận có Hà Nội T&T thi đấu.
Hà Nội T&T có rất nhiều cầu thủ trưởng thành từ thủ đô, đội đá rất hay, rất quyến rũ… thế nhưng người Hà Nội vẫn quay lưng. Thế rồi “táo giao thông” Chí Trung quyết dùng hình ảnh của mình để kéo các “thượng đế” đến sân…
Lòng nhiệt tình của một nghệ sĩ với bóng đá Hà Nội đáng nghi nhận nhưng phương án thức tỉnh người hâm mộ Hà Nội kiểu này chắc chắn sẽ không hiệu quả. Bởi vốn dĩ bóng đá là thể thao vua, là sân khấu bốn mặt và người hâm mộ đến với bóng đá khác rất xa với người hâm mộ ở sân khấu ca nhạc hay hài kịch…
Nghệ sĩ Chí Trung kêu gọi các cổ động viên đến sân bóng cổ vũ cho CLB Hà Nội T&T. Ảnh: CTV
Các chuyên gia bóng đá Nhật sang Việt Nam làm việc như ông Tanabe, ông Tanaka… đều chỉ ra rằng những CLB Nhật thu hút nhiều người hâm mộ là vì đội bóng gắn bó lâu dài và có trách nhiệm với cộng đồng, với địa phương. Đó là các ngôi sao của đội hằng tuần có những buổi tiếp xúc với người dân, với những em học sinh để nói về nghề nghiệp, về con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp; các cựu danh thủ của CLB thì đến các trường dạy các em chơi bóng một cách có trách nhiệm và lâu dài… Ở Nhật, cầu thủ từ bé, từ lớp năng khiếu đã được dạy dỗ phải là hình ảnh đẹp với cộng đồng, với công chúng. Và điều đấy được thể hiện rất rõ qua J-League, qua hình ảnh cầu thủ U-19 Nhật và các CLB Nhật từng đến Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam trong khi cầu thủ chưa hay thì các trận bóng lại tràn ngập bạo lực và hình ảnh xấu xí. Không ít cầu thủ và cả các HLV, các ông bầu ăn nói bạt mạng, thiếu văn hóa trên sân. Và chỉ điều này thôi đã mất rất nhiều và cũng đã “xua đuổi” khán giả rồi. Khi mà chẳng có một mối quan hệ bóng đá gắn kết và trách nhiệm với cộng đồng thì cộng đồng không cần đến bóng đá là điều bình thường.
Chẳng phải chỉ mỗi J-League làm chuyện phát triển quan hệ cộng đồng mà bóng đá châu Âu từ lâu đã thực hiện mối quan hệ “môi và răng” như thế, rồi người Nhật học theo như đã từng đến Việt Nam học việc vào những năm 1950 qua chuyện “chiếc giày nhỏ”.
Bây giờ các CLB trong khu vực như Thái Lan, Singapore… cũng bắt đầu phát triển mối quan hệ cộng đồng để lôi kéo người hâm mộ đến sân và tạo nên mối quan hệ song phương bền vững từ sự yêu thích chứ không vì phát tiền hay vì quyền lợi mà ủng hộ đội bóng như nhiều CLB đang dùng đồng tiền để “mua” cổ động viên.
Nếu không thoát ra được hay nói khác đi là không lột xác thì vài trăm nhân vật nổi tiếng như “Táo giao thông” có gào thét kêu gọi thì mãi mãi vẫn không có khán giả được.