Câu chuyện thể thao: Sướng, khổ ở đội U-19
Ăn đúng và ăn đủ tưởng đơn giản nhưng lại rất phức tạp trong thể thao đỉnh cao.
HLV Guillaume mà bọn trẻ hay gọi là thầy Giôm của đội tuyển U-19 Việt Nam từng hạnh phúc tiết lộ mình chưa lần nào phải trừng phạt học trò dù nội quy của Trung tâm Huấn luyện Hàm Rồng rất gắt gao.
Ngoài những buổi học văn hóa bắt buộc ở trường, giáo án của Học viện HA Gia Lai Arsenal có nhiều quy định riêng… không giống ai nhưng tụi nhỏ vẫn răm rắp vì đấy là những bài học không có trong sách vở.
Chúng tôi đã từng chứng kiến các cầu thủ nhí vừa xách cặp đi học về phòng là nháo nhào ăn vội trái chuối, uống hộp sữa để đúng 10 giờ 30 thì có mặt ngay trên sân tập không trễ một phút. Mỗi hai buổi cuối tuần, cầu thủ có một giờ gọi điện thoại về cho gia đình xong là nộp lại cho người quản lý. Những ngày đầu, có cầu thủ láu lỉnh tắt điện giả vờ ngủ để nằm nói chuyện bị thầy bắt gặp cảnh cáo và “lêu lêu” cho đồng đội như một hành vi xấu là từ đấy không bao giờ dám tái phạm.
Không chỉ học đá bóng, các cầu thủ còn phải học văn hóa và học ăn để thay đổi thói quen ăn ngon và ăn no mà không đủ chất để chuyển hóa thành năng lượng. Ảnh: XUÂN HUY - CTV
Ở chuyến tập huấn tại châu Âu này, thầy Giôm cảnh báo cầu thủ nào ra xe buýt trễ 5 phút phải chịu phạt tiền 10 USD và tự mình tìm cách đến nơi tập trung với đồng đội. Nghe có vẻ “ác” bởi chẳng may gặp tình huống bất khả kháng nhưng thầy Giôm thì lý giải các cầu thủ nhí ở lần du học bóng đá này đã được chăm lo tận răng từ miếng ăn đến giấc ngủ lẫn tập luyện, thi đấu rồi. Họ không có lý do cá nhân nào có thể gây ảnh hưởng đến tập thể dù chỉ là chuyện đi đứng, ăn uống.
Quy định kỳ cục của ông Giôm còn là việc cấm cầu thủ ăn… mì gói hoặc bỏ bữa vì lạ đồ ăn Tây, nếu vi phạm cũng bị phạt 10 USD. Nhiều cầu thủ nói vui với nhau sao khổ quá, đến cái ăn cũng bị “bắt” phải ăn đúng chứ không được ăn kiểu cho đã hay cho ngon.
Chuyện nghe rất nhỏ như biết bao CLB lẫn các đội tuyển quốc gia du đấu nước ngoài thường mang theo cả thùng mì gói để chống đói và chống lạ thực phẩm chẳng bao giờ bị nhắc nhở. Họ ăn lấy no chứ không phải lấy chất và đấy là điều tối kỵ trong các môn thể thao đỉnh cao.
Lâu nay trong giới thể thao ta hay xem thường chuyện ăn uống đến độ SEA Games 27 vừa qua có lãnh đạo đoàn thể thao thản nhiên trả lời phỏng vấn “Bếp ăn SEA Games không hạp khẩu vị thì đoàn đã khắc phục bằng thức ăn nhanh mang theo là… mì gói”.
No dồn đói góp và chuyện năng lượng ở bếp ăn
Đoàn thể thao Việt Nam trước những chiến dịch lớn thường được nâng chế độ ăn rồi giao cho bếp ăn tập thể thực hiện. Lạ ở chỗ là môn nào cũng như môn nào đều phải ăn như nhau. Phóng sự của đài truyền hình từng đưa bếp ăn ở Trung tâm Huấn luyện Quốc gia căng biển chia khu vực ăn của đội tuyển chuẩn bị SEA Games với các VĐV còn lại. Cả hai chỉ khác nhau ở chỗ mâm đội tuyển thì món ăn “nặng ký” hơn và lãnh đạo ngành thể thao kiểm tra bếp ăn bằng cách xem VĐV ăn có hết phần không chứ ít quan tâm hàm lượng để VĐV tích lũy, chuyển hóa.
Ngày lên đường thì vali tuyển thủ nào cũng có… mì gói để nếu ăn không hạp thì cứ mì mà nạp. Không ai hướng dẫn các tuyển thủ chuyện ăn mì thì ngon miệng nhưng không thể đủ chất. Lạ ở chỗ trong các báo cáo thường ghi là VĐV ăn không hạp khẩu vị chứ không phân tích là vì ta ăn mì gói để chống đói.
Hoàn toàn khác hẳn với Ánh Viên khi tập huấn ở nước ngoài phải học cách ăn theo kiểu không thích cũng phải nạp đủ chất đến độ vừa khóc vừa nuốt.
Mới đây khi U-19 AS Roma và U-19 Nhật sang Việt Nam, nhìn họ ăn, rất nhiều cầu thủ Việt Nam tròn xoe mắt. AS Roma thì đặt từng gram cá, từng miếng thịt loại gì, còn U-19 Nhật thì ăn “đồng phục”, tức mỗi cầu thủ lấy đúng và lấy đủ phần thức ăn hệt như nhau và ăn đúng, ăn đủ.
VĐV của các đội tuyển chưa bao giờ được học ăn và bản thân họ cũng chưa bao giờ được phục vụ ăn theo kiểu ăn đúng và ăn đủ.