Câu chuyện đầu năm: GIEO và GẶT
Đầu năm, người hâm mộ xôn xao với hai tin vui của làng bóng Việt Nam khi lứa “gà tre” của bầu Đức trong lò HA Gia Lai - Arsenal JMG đại diện cho đội tuyển U-19 Việt Nam dự giải U19 châu Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó là giấc mơ World Cup 2015 của các cô gái Việt Nam trước vận hội mới khác xa với giấc mơ ảo đội tuyển nam dự World Cup 2022 như VFF từng đặt ra.
Cũng không lạ khi có người đã ví von hai sự kiện lớn đầu năm của bóng đá Việt Nam là “ngọn lửa cháy lên từ đống tro tàn”. Một cách dùng từ bóng bẩy nhằm chỉ ra sau một năm thất bát và thất vọng, bóng đá Việt Nam lại có được nguồn sáng ở tương lai.
Bóng đá Việt Nam năm qua thường sống trong những giá trị ảo như giá cầu thủ được đẩy lên vô tội vạ làm tăng giá ảo của các CLB trong khi thực chất thì nhiều đội bóng đang sống dở chết dở và đứng trước nguy cơ giải tán khi ông chủ không còn thích và không chịu bỏ vốn chết cho bóng đá nữa.
* Lò tư nhân “đánh chìm” lò chính thống
Tin vui từ những ngày đầu năm liên quan lứa cầu thủ nhí mà hơn 6 năm trước bầu Đức phá rừng cao su làm Học viện được các đội bóng châu Âu ngắm nghía sau chuyến thử việc ở Arsenal khiến nhiều người hy vọng vào lứa quả ngọt đầu mùa của lò bóng tư nhân. Và cũng cái lò này, lứa cầu thủ đấy được đại diện bóng đá Việt Nam tham dự giải trẻ châu Á và Đông Nam Á.
Chuyện thành bại của một lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản chưa đề cập sâu đến, nhưng trước mắt thì phần hưởng lợi từ lò bóng tư nhân đấy khiến nhiều người đặt ra một phép so sánh thú vị. Đó là công việc và trách nhiệm giữa một lò bóng đá tư nhân có ông chủ say mê bóng đá và cơ quan đại diện bóng đá Việt Nam VFF được đầu tư và đổ vào rất nhiều tiền để lập Trung tâm Đào tạo trẻ. Tiền tỷ bầu Đức bỏ ra rất nhiều trong đó có việc phá 6 hecta rừng cao su để làm học viện và hàng năm chịu những chi phí rất cao nhưng so với tiền mà FIFA rót cho bóng đá Việt Nam xây Trung tâm Đào tạo trẻ và thực hiện đào tạo thì chẳng thấm vào đâu. Thế mà phần thu hoạch thì bên hút rất nhiều tiền “chung” lại là số 0 với khoản chi rất lớn rất đậm, còn bên lò tư nhân thì lớp lang đâu ra đó và chuẩn bị cho ra những trái ngọt đầu mùa.
Lứa cầu thủ của lò đào tạo HA Gia Lai - Arsenal JMG sẽ đại diện cho VN dự giải U19 châu Á và ĐNÁ
Không thể không nhắc đến việc FIFA rót tiền cho VFF xây dựng Trung tâm Đào tạo trẻ quốc gia từ năm 2005 trong gói dự án Goal nhưng sau tám năm, chẳng ai thấy mặt mũi của cầu thủ nào ở đấy cả và bây giờ thì bóng đá trẻ Việt Nam phải tận dụng “gói hàng” của một lò tư nhân có ông chủ tốt bụng sẵn sàng bỏ tiền túi làm cho mình và cũng không ngại cống hiến cho quốc gia.
Các cầu thủ mới thử việc ở lò Arsenal qua một chuyến du đấu châu Âu nay đã bước thẳng vào đội tuyển U-19 Việt Nam tham dự giải châu Á và Đông Nam Á.
* Số phận các cô gái vàng và giấc mơ “ngàn năm có một”
Tương tự các tuyển thủ nữ đang chờ ngày 8/3 tham dự giải vô địch quốc gia rồi tập trung đội tuyển bước vào chiến dịch giành vé tham gia vòng chung kết World Cup 2015.
Trước đây, đó là giấc mơ xa xỉ nhưng nay thì nó lại rất gần với hiện thực bởi thiên thời, địa lợi và cả nhân hòa trong đấy. Khi mà châu Á có 5 suất dự World Cup mà các đàn chị chiếm chỗ luôn được “điểm danh” để “giữ chỗ” thì có một “chị” CHDCND Triều Tiên bị cấm thi đấu. Thế là 5 suất được “book” nay lại trống một vé (theo lý thuyết và thực lực) và chiếc vé đấy đang được các cô gái vàng Việt Nam nhắm đến.
Việc tranh chiếc vé còn lại đấy giờ được phân tích chỉ còn hai đối thủ nặng tương đương cùng cạnh tranh là Thái Lan và Myanmar vốn nhiều lần là bại tướng của các nữ tuyển thủ Việt Nam ở sân chơi Đông Nam Á. Bên cạnh đó, lại thêm cơ hội đăng cai vòng chung kết Asian Cup 2014 trên sân nhà (liên quan đến việc tranh tiếp suất dự vòng chung kết World cup) nên cửa top 5 cho các cô gái vàng càng gần.
Nói như chính ông Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ thì đó chính là cơ hội “ngàn năm có một”.
Các cô gái Vàng của BĐVN với giấc mơ World Cup
Chính vì thế mà đầu năm nay, người hâm mộ Việt Nam đã mơ mộng nhìn thấy tà áo dài truyền thống Việt Nam phấp phới trên vũ đài World Cup 2015…
Tuy nhiên, càng kỳ vọng vào các cô gái vàng bao nhiêu lại càng thương cho thân phận của họ bấy nhiêu bởi các cô gái quần đùi áo số nuôi giấc mơ World Cup nhưng đến giờ vẫn lo chạy ăn từng bữa để đeo đuổi niềm đam mê của mình. Họ đã bảy lần vô địch Đông Nam Á ở sân chơi SEA Games lẫn AFF và hào hùng hơn các đồng nghiệp nam rất nhiều nhưng sự đầu tư thì lại rất nhỏ giọt và tạm bợ. Nói như nhiều người là các cô gái mang nhiều thành tích cho bóng đá nước nhà vẫn bị phân biệt như… con ghẻ.
Ngay cả một chiến lược phát triển đúng đắn với các cô gái Việt Nam cũng vẫn không có mà đa phần chỉ là hái quả từ sự nhọc công làm bóng đá nữ của các địa phương. Để rồi đến giờ khi cơ hội rộng mở thì lại chăm chăm mong có thành tích và mong mùa thu hoạch từ những cánh đồng mình không gieo.
Đầu năm trong niềm vui chung của bóng đá Việt Nam vẫn có vị cay cay của rượu "tự trọng"!