CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM: Có cần những Thánh Gióng?
Năm Quý Tỵ (2013) không nghi ngờ gì, đã là một năm thất bại toàn diện của bóng đá Việt Nam. Mọi thứ đã có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu không có đội U.19 VN như “mọc từ dưới đất lên” nhảy ra và làm mê mẩn cả nước bằng chuỗi trận ấn tượng tại giải vô địch ĐNA và vòng loại châu Á. Để rồi vào cuối năm, những đứa trẻ có đứa chỉ mới già 16 tuổi ấy đã được người ta ưu ái xếp lên mâm đầu, làm kép chính để gây hiệu ứng cho cả nền bóng đá.
1. Những đứa trẻ ấy, với nòng cốt là các em học viên của lò HA.GL Arsenal JMG, có thể gọi chúng là những Thánh Gióng của bóng đá Việt Nam hiện đại. Tài năng và tố chất của các em đã được ghi nhận từ nhiều năm trước, giai đoạn HA.GL gây sốt cho cả nước bằng việc ký kết hợp đồng hợp tác với học viện Arsenal JMG cùng mở cuộc săn lùng tài năng trẻ quy mô trên toàn quốc đầu tiên. Nhưng sau năm 2007 ấy, các em đều hầu như sống trong thinh lặng. Thi thoảng có ai nhắc đến, chủ yếu đều kèm theo ý nghi ngờ về quan điểm làm bóng đá của bầu Đức. Ấy thế mà “đùng một cái”, đã không xuất hiện thì thôi, khi đưa ra thi đấu lập tức lứa U.19 HA.GL – nòng cốt của U.19 VN – lập tức gây chấn động.
Các em U.19 Việt Nam, nói thẳng ra là các cầu thủ của bầu Đức – ở cả vai trò của ông bầu lò HA.GL Arsenal JMG lẫn nhà bảo trợ cho bóng đá Việt – xứng đáng với lời khen ngợi. Ngay cả khi đã thua cả 3 trận tại giải U.19 quốc tế vừa qua, các em vẫn xứng đáng với những lời khen ngợi. Thẳng thắn mà nói, những cầu thủ trẻ của chúng ta, trong lần đầu được cọ xát với những nền bóng đá hàng đầu như Nhật Bản, Ý, Anh đã làm hết sức có thể. Họ thua vào thời điểm này, nhưng điều đó không đồng nghĩa khoảng cách sẽ không thể thu hẹp. Thực tế, các em đã làm hết sức những gì có thể, và quan trọng nhất, những gì đã được dạy. Hãy tin rằng, với tiềm năng và tố chất hiện có, những chàng Thánh Gióng trẻ của chúng ta sẽ còn lớn nữa, lớn nhanh và gặt hái được thành công, cho một thế hệ Vàng thật sự.
U19 Việt Nam đang trở thành niềm hy vọng của bóng đá việt nam
Nhưng, có thực sự bóng đá Việt Nam phải dồn hết mọi mặt mũi, kỳ vọng, số phận, tương lai cho một nhóm cầu thủ hơn hai chục người, với 80-90% là lính của lò HA.GL Arsenal JMG?
2. Có lúc, cùng với một chiến dịch truyền thông hùng hậu, các nhà lãnh đạo và bảo trợ bóng đá Việt đã thành công gắn liền số phận của U.19 Việt Nam với tất cả những gì đẹp nhất, tinh túy nhất và đáng để quan tâm nhất. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đặc biệt hiện rõ khi một bộ phận những người ảo vọng quá mức kịp nhìn ra sự thật sau giải U.19 quốc tế, rằng bóng đá Việt Nam vẫn còn rất nhiều thứ phải lo. Nếu không muốn nói số phận của U.19 VN quan trọng, nhưng chỉ là rất nhỏ so với nỗi muộn phiền, những ung nhọt mà bóng đá Việt đang phải chịu.
Mùa giải 2014 chỉ mới khởi đầu, ấy thế nhưng khi bầu không khí thậm chí còn chưa kịp hân hoan người ta lại thấy một scandal đáng xấu hổ. Tranh cãi và kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa Tổng cục, VFF, VPF về suất ngoại binh châu Á cho những đội dự AFC Cup một lần nữa khiến những nhà làm bóng đá Việt tẽn tò như những gã hề. Chỉ nội chuyện đấy thôi đã có thể khẳng định ngoại trừ một số tiểu tiết vặt vãnh, bản chất của bóng đá Việt vẫn chẳng, hoặc chưa, thay đổi được gì.
Mùa này, ngoại trừ VFF và VPF, cả nước đều biết bầu Hiển đang có đến 3 đội tại V.League khi QNK.QN chính thức gia nhập sân chơi V.League, bên cạnh “bộ đôi hoàn hảo” HN T&T và SHB.ĐN. Kỳ lạ ở chỗ, đến thời điểm này tinh thần “ghét ác như ghét cừu” mà những lãnh đạo VPF thể hiện đầy dũng mãnh ngày nào đã biến đâu mất. Không ai nói, hoặc thậm chí buồn (hoặc muốn nghe người khác) nhắc đến chuyện một ông bầu nhiều đội bóng nữa. Sự công bằng trong cuộc chơi, và cả minh bạch nữa là những chiêu bài các sếp VPF đã dùng để tấn công VFF ngày nào. Nhưng nay nó đâu rồi nhỉ?
3. VFF vừa khai trương trung tâm bóng đá trẻ của mình, sau quá trình tuyển chọn âm thầm, với lễ khai giải nhỏ gọn. Nhưng, liệu một cái trung tâm được thành lập vội vã ấy, nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân do tiền đã “lỡ” về, có tạo ra được bước ngoặt nâng chất đào tạo trẻ tại Việt Nam?
Rồi lại những tranh cãi và chưa đi đến đâu về trọng tài, về điều hành giải, về tính cần thiết và chức năng của những cái gọi như là Ban đạo đức, trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho mấy chục cầu thủ sống bằng đá bóng nay bị K.KG chơi chiêu “quất ngựa truy phong”, sự cần thiết ra đời của Hiệp hội cầu thủ, Hiệp hội HLV, trọng tài… đến giờ hầu như chưa cho ra một câu trả lời rõ ràng.
Chúng ta đã đi xuyên suốt một năm 2013 đầy giông tố, với đủ mọi trạng thái cảm xúc vốn bi, nộ và hài nhiều hơn là lạc quan y, như biểu tượng về cách di chuyển của Quý Tỵ. Nay, một hạt mầm là lũ trẻ U.19 VN, với những đứa thực tế chỉ mới già 16 tuổi được gieo liệu là có đủ để gồng gánh cho cả nền bóng đá vốn đã mục nát từ gốc rễ? Vẫn biết U.19 VN xứng đáng với 2 danh từ Thánh Gióng. Nhưng, liệu có lạc quan quá không, hay sự lạc quan ấy nó nhằm để che khuất cho điều gì?
Không biết năm 2014 này, với ý nghĩa Giáp Ngọ chạy nhanh, liệu có là điềm báo cho sự lột xác về chất của bóng đá Việt, hay sẽ lại là quanh quẩn cối xay như bao năm qua đây?