Câu chuyện bóng đá: Xây dựng bản sắc
Khi được hỏi về việc một bộ phận NHM Hải Phòng phản đối việc mua 14 cầu thủ K.KH, đòi trả lại bản sắc cho đội bóng, HLV Hoàng Anh Tuấn đặt vấn đề ngược rất thẳng: “Hãy bảo họ chỉ ra cho tôi biết xem bản sắc bóng đá Hải Phòng là gì?”
1. Theo lời ông Tuấn “con”, sau rất nhiều năm ăn xổi, bóng đá Hải Phòng chẳng còn gì gọi là bản sắc cả. Ngoài lượng CĐV tuyệt vời nhất Việt Nam, hầu như không thể chỉ ra được nét riêng nào thể hiện cá tính của văn hóa bóng đá nơi đây. Có chăng, là dấu ấn của lối đá bạo lực, chém đinh chặt sắt mà một thời trong giai đoạn suy thoái họ từng để lại. Cầu thủ nhiệt tình? Thuở khốn khó này, trên cả nước cầu thủ nào mà chả “máu” để tồn tại. Tài hoa? Chẳng có ai. Thể lực sung mãn? Cũng không nốt. V.HP không chẳng là HN T&T, SHB.ĐN hay SLNA, với những nét đặc trưng rất rõ ràng về dấu ấn lối chơi. Thậm chí, còn không bằng cả K.KH trước khi bị giải tán.
Trong cuộc trao đổi gần nhất với ông Trần Anh Tú, Chủ tịch LĐBĐ TPHCM (HFF), ông Tú tránh nói đến đội bóng với “bản sắc của thành phố”. Ngược lại, ông nhấn mạnh vào trọng điểm là “đội bóng của thành phố”. Rõ ràng, với cương vị của nhà quản lý, ông có đủ tầm nhìn để tỉnh táo trong định hướng. Bóng đá đỉnh cao TPHCM hiện tại chẳng khác gì... Hải Phòng, gần như là con số không. Tất cả đều đang trong quá trình tái thiết trên nền tảng là CLB TPHCM, đại diện mới từ hạng Nhất trở lại hạng Nhì.
Không thể nói đến bản sắc khơi khơi rồi gióng trống khua chiêng được! Như CLB TPHCM, muốn nói đến bản sắc e là câu chuyện 5 năm, 7 năm thậm chí cả chục năm tới. Trước tiên phải tạo ra được một đội bóng với cơ chế tổ chức, tài chính, cơ sở vật chất, con người ổn định để đảm bảo sẽ không... “ngoẻo” giữa chừng như N.SG hay XTSG, thậm chí TMN.CSG xưa kia. Phải có “bột” đấy, cùng với quá trình vận động, với thành phần tham dự là những người con của thành phố, rồi từ năng lực quản lý, năng lực chơi bóng mới dần tạo “gột” ra cái gọi là bản sắc được. Ở Hải Phòng, quá trình ấy sẽ phải dài hơi hơn nhiều bởi khác TPHCM, đất Cảng xem như trắng toàn bộ về bóng đá trẻ.
2. Xây dựng bản sắc một đội bóng không hề dễ dàng. Đầu tiên, nó cần nhất là một tổng kiến trúc sư như “Khổng Minh xứ Nghệ” Nguyễn Hồng Thanh tại Sông Lam, người đặt những nền móng cho phương pháp và phong cách huấn luyện trẻ phù hợp nhất với tố chất con người xứ Nghệ xuyên suốt các lớp U. Kế đó là một HLV trưởng đội một đủ tinh tế và nhạy bén để đánh giá và sử dụng sao cho hiệu quả nhất tiềm năng của những sản phẩm của địa phương. SHB.ĐN, SLNA, HN T&T đều đang thành công nhờ điều này.
CĐV Sài Gòn trên sân Thống Nhất (Ảnh DƯ HẢI)
HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ: “Hệ thống đào tạo trẻ thống nhất và bài bản là điều kiện cần. HLV trưởng đủ tài để tận dụng và phát huy tiềm năng cầu thủ là điều kiện đủ. Đây là 2 vế không thể tách rời nếu muốn tạo ra bản sắc riêng cho đội bóng và chất keo quan trọng nhất là sự ỔN ĐỊNH. Việc một đội bóng đến mùa lại tìm người mua về, không có những sản phẩm của riêng mình thì không thể nói đến bản sắc được”.
3. Chợt nhớ đến chức danh GĐKT. Có một dạo cái tên này rất được chú ý và rộ lên khá mạnh nhưng rồi đến lúc này đã chìm vào quên lãng. Không chỉ các CLB, bản thân VFF cùng các liên đoàn bóng đá địa phương cũng không còn nghe nhắc đến việc phải có một GĐKT để định hướng cho cả một hệ thống bóng đá. Năng lực người làm bóng đá Việt không đủ cả tầm lẫn tâm là một phần. Cộng thêm những trục trặc khi làm việc với người nước ngoài khiến điều mà ai cũng thấy là cần ấy bây giờ bị gạt qua một bên.
CLB TPHCM đang làm lại từ đầu với khoảng trống trắng trước mặt. Đó là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để họ gạt bỏ hết quá khứ những năm phát triển và lụi tàn trong “loạn xì ngầu” để hướng đến một tương lai mới sáng sủa hơn. Làm từ con số không rõ ràng là cực khó, nhưng sẽ vẫn khỏe và nhanh hơn rất nhiều kiểu đắp vá, sửa sang một công trình đã xuống cấp. Người Sài Gòn chưa bao giờ hết mê bóng đá, với những sân cỏ nửa đêm vẫn sáng đèn ở khắp các quận huyện. Chúng ta đang sở hữu những trung tâm huấn luyện trẻ, những học viện trẻ bài bản và hiệu quả mà VPF là ngọn cờ tiên phong. Điều phải làm là định ra được một lộ trình phát triển ổn định cho CLB TPHCM, và tìm được người đủ tầm để gắn kết sự phát triển của nó với nền tảng đào tạo trẻ. HFF và Sở VH, TT&DL đang nỗ lực để hoàn thiện. Hãy mong và chờ xem sao.