Câu chuyện bóng đá Việt: Ngao ngán cầu thủ ngoại
Thông tin cầu thủ nhập tịch Hoàng Vũ Samson bị Buriram United thanh lý hợp đồng rồi phải trở lại Việt Nam nương tựa CLB Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ.
Nếu như việc chân sút xuất sắc nhất lịch sử V-League không thể cạnh tranh vị trí tại Thái League gây bất ngờ 1 thì việc Samson “dám” khoác áo Hà Nội FC còn khiến người hâm mộ bất ngờ 10. Kết thúc mùa giải 2017, Samson bay thẳng sang Thái Lan, chụp ảnh ra mắt Buriram United trong khi Chủ tịch Hà Nội FC Nguyễn Quốc Hội khẳng định, Samson vẫn thuộc biên chế đội bóng Thủ đô.
Ngoại binh "lắm chiêu" Hoàng Vũ Samson
Mọi chuyện sau đó không có gì thay đổi, Samson trở thành ngoại binh Đông Nam Á của Buriram còn Hà Nội chiêu mộ Ngân Văn Đại từ Sài Gòn FC để thay thế. Dù nhà cựu vô địch V-League không có thêm bất kỳ động thái nào nhưng ai cũng hiểu, Samson nhiều khả năng cố tình đặt Hà Nội vào sự đã rồi và buộc phải để anh này ra đi. Vì lẽ đó, tất nhiên, mối quan hệ giữa đôi bên chẳng thể “mặn nồng” như trước khi “tái hôn”.
Cùng thời điểm này, vụ việc liên quan đến hợp đồng của Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất V-League 2017 Claudecir gây xôn xao dư luận. Tiền đạo Brasil dù còn hợp đồng với Quảng Nam nhưng lại ký nháy, đồng ý chuyển tới một CLB khác, cũng đang chơi tại V-League. Mọi chuyện vỡ lở, Quảng Nam yêu cầu nếu muốn thanh lý hợp đồng, Claudecir phải trả tiền bồi thường và không được tiếp tục chơi bóng tại Việt Nam. Bằng không, nhà đương kim vô địch V-League sẵn sàng giữ Claudecir lại nhưng không đăng ký thi đấu.
Hai sự việc trên phản ánh một thực tế, một bộ phận ngoại binh V-League rất thiếu chuyên nghiệp. Đây là hệ quả của một quy trình chuyển nhượng không giống ai của các đội bóng V-League. Thay vì lựa chọn bỏ tiền để tìm kiếm nguồn cầu thủ chất lượng, họ chấp nhận “đãi cát tìm vàng”. Hàng năm, có tới vài trăm cầu thủ nước ngoài tìm đến Việt Nam xin thử việc. Có đội bóng từng một lúc nhận hơn 20 cái tên để sàng lọc. Tuy vậy, phải thừa nhận, đa số các ngoại binh tới Việt Nam đều kém chất lượng và hầu như tới từ châu Phi nên ý thức cũng tỉ lệ thuận với trình độ.
Trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chuyện một đội bóng “ngán tận cổ cách” hành xử của ngoại binh không phải hiếm. Đó là chưa kể đến lối sống thiếu lành mạnh, tự coi mình là ngôi sao của nhiều cầu thủ ngoại. Xem ra, chỉ đến khi nào, V-League có một quy trình chuyển nhượng thực sự chuyên nghiệp trong cách tuyển “lính đánh thuê”, các đội bóng mới không phải lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến ngoại binh.
HLV Toshiya Miura tự tin đưa đội bóng của sếp Công Vinh bay cao ở V-League 2018.