CÂU CHUYỆN BÓNG ĐÁ: Về đào ao thôi
Một thời gian rất dài, các đội bóng Việt Nam, đặc biệt là những đại gia, vốn đã quen “xúc tép” ao nhà bên vốn “hèn” về tiền.
Một thời gian rất dài, các đội bóng Việt Nam, đặc biệt là những đại gia, vốn đã quen “xúc tép” ao nhà bên vốn “hèn” về tiền. Nhưng có vẻ tư duy ấy đã và đang dần thay đổi. “Ta về ta tắm ao ta”, các cụ đã nói thế. Cấm có sai!
HLV Hoàng Anh Tuấn tái ký hợp đồng với V.HP ngay khi lượt về khởi tranh được vài trận. Đấy là thời điểm V.HP đá bết bát, chẳng thắng nổi ai và sức ép dồn lên đội bóng là cực kỳ khủng khiếp, nhất là khi mối quan hệ “khó gần” giữa cầu thủ cũ và những người mới thường xuyên được nhắc đến.
1. Ông Tuấn “con” đã ký hợp đồng 3 năm với đội bóng xứ hoa phượng. Tại đó, ông sẽ không chỉ là HLV trưởng của đội 1 mà giống Huỳnh Đức tại Đà Nẵng, Phan Thanh Hùng ở HN T&T hay Văn Sỹ tại Ninh Bình, HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ là Chủ tịch hội đồng huấn luyện. Đồng nghĩa ông sẽ làm việc với trách nhiệm tương đương một GĐKT, quán xuyến và định hướng cho cả hệ thống đào tạo trẻ nhiều cấp bậc.
Đó cũng là lý do chính lãnh đạo Hải Phòng tái ký hợp đồng với ông Tuấn “con” dù đội bóng đang ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. 7 trận không thắng nổi mà vẫn tại vị là kỷ lục không dễ có được tại mảnh đất này. Ấy thế mà ông Tuấn đã làm được, thậm chí còn hơn thế. Tất cả bắt nguồn từ sự biến chuyển tư duy làm bóng đá của lãnh đạo xi măng cũng như thành phố. Trong một mùa giải thất bát về thành tích, đấy là thành công lớn của cựu HLV K.KH.
HLV Hoàng Anh Tuấn (phải) và học trò tại V.Hải Phòng (Ảnh NAM HẢI)
Đất Cảng là nơi “ăn sóng nói gió”, nơi sự kiên nhẫn luôn là điều xa xỉ (hãy hỏi HLV Alfred Riedl). Nhà có điều kiện, tiền bạc luôn không phải nghĩ nên mọi thứ luôn phải là “nhanh và luôn”. Cần người có người, ngược lại HLV phải đảm bảo danh hiệu hoặc thành tích. Bao nhiêu năm qua đã thế và vẫn thế đến mùa rồi. Nhưng kiểu làm bóng đá ấy đang thay đổi.
2. Nó sẽ là cả một quá trình dài hơi và cả... mệt mỏi. Dự án về một học viện bóng đá trẻ được khởi động đã 8 tháng rồi. Nhưng đến giờ, tất cả cũng chỉ mới dừng ở mức khởi động. Về mặt mô hình và chiến lược, ông Tuấn với kinh nghiệm từ những chuyến khảo sát tại châu Phi, nơi CLB Feyenoord Rotterdam đặt một học viện bóng đá trẻ, hẳn hiểu được cách đầu tư bóng đá sao cho hiệu quả ở những nước đang phát triển. Những kinh nghiệm qua các chuyến kết hợp du lịch với khảo sát một số CLB tại Premier League cũng là vốn quý giá. Tất cả những ấp ủ đấy đã được ông Tuấn truyền tải trọn vẹn với lãnh đạo thành phố, Sở VH,TT&DL lẫn Xi măng Vicem Hải Phòng trong rất nhiều buổi họp. Về chủ trương đã thống nhất. Nhưng thực hiện thì phải chờ. Chỉ chuyện đặt tại đâu cũng đã nhức đầu rồi. Nhưng ít ra, đó đã là tín hiệu đáng mừng.
V.HP không chỉ là đại gia quen vung tiền duy nhất đang chỉnh lại thước ngắm. Trong Nam, B.BD sau bao năm hão huyền với danh hiệu “Chelsea VN” cũng đang có những động thái tương tự. Cách làm của họ có khác hơn. Bằng mối bang giao kinh tế rộng khắp, các sếp Gò Đậu không gặp nhiều trở ngại để có những móc nối. Những đại diện lớn của bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản đã chủ động đến để đặt vấn đề hợp tác đào tạo một học viện bóng đá trẻ. Sau những thăm dò đầu tiên, đến tháng 9 này đối tác Hàn Quốc sẽ trở lại để mời phi đội lãnh đạo B.BD có chuyến khảo sát thực tế tại xứ “kim chi” để cho ra đề án tốt nhất. Kế hoạch về những lớp trẻ từ U.17 trở lên, thậm chí là mua trọn cả các lớp sơ cấp từ U.11 đã được tính đến. Mục tiêu là trong vòng 5-7 năm tới sẽ cho ra những lứa trẻ đầu tiên, ít nhất phải có tiềm năng, đủ năng lực đưa lên đội 1 để kế tục đàn anh Anh Đức, chứ không phải toàn hàng dạt như bao năm qua.
3. Bóng đá Việt đang trĩu nặng bởi sức ép khủng khiếp của cơn bão khủng hoảng. Nó khiến bao đội bóng lao đao, bao cầu thủ thất nghiệp và làm u ám hẳn bộ mặt bóng đá nước nhà. Nhưng điều gì cũng có 2 mặt, và thật may là chính sự khó khăn trong việc rút tiền đã khiến các CLB, đặc biệt là những đại gia chỉ quen vung tiền phải tính đến những giải pháp căn cơ hơn. Không phải người Hải Phòng hay Bình Dương không biết về giá trị của những cầu thủ bản địa, về niềm vui và tự hào khi nhìn những đứa con địa phương thi đấu và cả an toàn nữa. Nhưng họ đã không thèm để tâm đến, đơn giản bởi không cần phải làm lâu lắc đến thế. Vung tiền là có thành tích, rất dễ.
Nhưng giờ khác rồi. Hy vọng về sự khởi sắc của bóng đá trẻ nhiều khả năng sẽ bước sang chương mới khi việc “đào ao thả cá” sẽ chẳng còn là chuyện của những gã nhà nghèo. Những điệp khúc buồn kiểu “cái ao khổ công anh đào, đào đêm đào ngày rồi người lạ đến câu” có lẽ vẫn còn, nhưng sẽ giảm bớt nhiều bởi các đại gia sẽ ưu tiên chừa suất cho “của nhà trồng được”. Như thế, sự khởi sắc là điều có thể trông chờ.
Có thể sẽ bị “ném đá”, nhưng bỗng dưng ước, phải chi... khủng hoảng đến sớm một chút!