Câu chuyện bóng đá: Tình yêu thời thổ tả
Xét đến lúc này, món nợ của K.KG với anh em cầu thủ đã có “tuổi thọ” 2 năm.
Xin lỗi nhà văn Gabriel Garcia Marquez, nhưng phải sử dụng tựa đề cuốn tiểu thuyết danh tiếng của ông để kể về câu chuyện này, câu chuyện tình bi hài hãi mang tên “Đòi tiền K.KG” mà người viết đã phải nhắc quá nhiều lần. Nhưng chẳng hiểu sao, người viết cứ đinh ninh nghĩ rằng phải cái tựa này mới lột tả được cái “mùi” tình cảm giữa cầu thủ và lãnh đạo K.KG lúc này.
1. Rất khó để miêu tả thật rõ ràng cái cảm xúc quanh câu chuyện diễm tình dài dằng dặc như thể được viết bởi nữ danh sĩ Quỳnh Dao này. Càng cực khó để diễn giải cái trạng thái tình cảm hiện tại. Bởi thế, người viết xin mượn đại danh hào người Mexico để đặt tựa cho bài viết này. Nội dung 2 câu chuyện thoạt nghe chẳng có tí liên quan gì, nhưng người viết vẫn có chút niềm tin rằng người đọc nếu có sự theo dõi sẽ cảm nhận được cái tâm tư của 6 anh em cầu thủ K.KG “xăm rồng” cùng ký tên cầu cứu khẩn cấp.
Vậy là kiện rồi! Mới chỉ là lá đơn “Cầu cứu khẩn cấp” gửi đến lãnh đạo Kiên Giang và VFF nhưng nó đã là bước đi đầu tiên rồi. Nó sẽ không như một thời gian dài trước đấy, khi anh em cầu thủ phần vì nét văn hóa “đóng cửa bảo nhau”, và “cơm gạo” hơn là sợ bị người ngoài đánh giá là có máu nổi loạn nên đã kiên nhẫn chờ đợi. Lãnh đạo hứa hoài không làm, họ đợi. Lãnh đạo không nghe máy và chỉ bắn tin qua báo chí, họ đợi. Nhưng khi lãnh đạo gạt hết mọi tự trọng để tìm cách “núp lùm” khi đám cầu thủ bằng tuổi con cháu muốn gặp để hỏi cho rõ vấn đề thì không đợi được nữa.
Cái gì cũng có giới hạn của nó, nhất là đằng này chả có tí họ hàng hay đồng hương gì cả. Mà, ngay cả khi có chút tình cảm thì cũng phải có cách hành xử làm sao cho đàng hoàng, để dù mắc nợ nhưng người ta còn vị nể điều tối thiểu là tuổi tác chẳng hạn, hoặc sự tôn trọng sẽ vẫn cao hơn khoản tiền vài trăm triệu đồng thời bão giá.
Món nợ của K.KG với anh em cầu thủ đã có “tuổi thọ” 2 năm
2. Ở Madagascar có một tập tục, ấy là lễ “cải xương” hay “trở xương”. Theo đó, trung bình khoảng 7 năm trời, các gia đình sẽ cùng góp tiền để mở lễ hội Famadihana. Trong lễ hội ấy, người ta trước tiên sẽ đem hài cốt người thân, họ hàng ra khỏi mộ (với người nghèo) hoặc nhà mồ (với nhà có điều kiện). Sau đó, mọi người sẽ “thay áo” cho người đã khuất bằng những lớp lụa sa tanh trắng tinh tươm. Mọi người sẽ cùng ăn uống, nhậu nhẹt và thậm chí là... khiêu vũ cùng các bộ hài cốt ấy. Theo quan niệm của người Madagascar, thân thể của họ không sản sinh từ đất bùn mà từ các bộ phận của tổ tiên, và cả những phúc đức của họ nữa. Người sinh thời nợ tổ tiên mọi thứ và việc “trở xương” cho người đã khuất là một hình thức cảm tạ chân thành nhất.
Xét đến lúc này, món nợ của K.KG với anh em cầu thủ đã có “tuổi thọ” 2 năm. Đó là lứa cầu thủ đầu tiên làm nên chiến tích trụ hạng ở mùa giải 2012. Phi đội 6 cầu thủ vừa ủy quyền luật sư làm việc chỉ là đời F2, dù xét về các đặc điểm nhận dạng chẳng khác chi lắm, có chăng là còn tệ hơn. Cái này, thẳng thắn mà nói nếu đem kể cho những Malagasy (cách gọi những người Madagascar), có lẽ họ cũng chẳng dám tổ chức lễ hội Famadihana. Ở đảo quốc này, ý nghĩa lớn nhất của Famadihana là dù có chi phí đắt đỏ, nhưng nó sẽ là sợi dây gắn kết các thế hệ khi người già sẽ quy tụ đám nhỏ lại trước thi hài phủ lụa của người đã mất và kể về những đóng góp, công trạng và những tình cảm giữa họ với dòng họ, gia đình. Giờ đây, K.KG biết kể gì đây?
3. Chuyện cầu thủ K.KG kiện CLB không gây bất ngờ. Việc bản bi ca này sẽ còn kéo dài và để lại nhiều nỗi đau cũng không gây bất ngờ. Chỉ là, không hiểu được vì sao nó lại xuất hiện, tồn tại và kéo dài đến giờ. Chả lẽ chỉ là chuyện tiền?
Arixa và nàng Đaxa sau khi chờ đợi nhau hàng chục năm, đến khi đã thất thập cổ lai hy, chồng của nàng chết họ mới dám đến với nhau. Nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn phải trốn trên con thuyền treo lá cờ màu vàng, “thương hiệu” của giới có tí thổ tả để có thể tránh khỏi mọi xét nét hầu có thể ở bên nhau. Cái để đời của Marquez là những tố cáo về một xã hội không đánh giá trên nhân phẩm mà đánh giá con người bằng điều kiện tài chính có được. Còn K.KG?
Có một sự thật, rất nhiều cầu thủ K.KG ước chi mình đủ dũng cảm, và đặc biệt hơn là đủ điều kiện để có thể ký tên lên lá đơn với những ngôn từ đanh thép và “châm ra máu” gửi lên lãnh đạo tỉnh cũng như VFF. Chỉ là, họ chưa có đủ điều kiện để có được bãi đáp sớm, hoặc không đủ tự tin rằng người ta sẽ vẫn nhìn về mình bằng chính bản thân mình cả về tài năng lẫn nhân cách chứ không phải xét nét bởi việc dám “tố” CLB cũ, dù rằng cái nợ đấy là rành rành. Bóng đá khủng hoảng, giá trị kim tiền bỗng trở nên ghê gớm kinh khủng. Kèm theo đấy, giá trị cầu thủ trở nên nhỏ bé rất nhiều trong mắt cả các CLB lẫn bản thân họ.
Hai đứa bé học cấp một, hôm trước hết mực xin mượn dùng ké, hôm sau đứa kia đòi lại mực hoặc tiền mực. Có văn bản gì đâu, nhưng sao đám nhỏ nó nói được và đứa nhóc xin mực vẫn trả đàng hoàng, thậm chí là cảm ơn?
Đằng này, toàn những người có CMND cả, sao lại cứ bẽn lẽn cho dù cả nước, thậm chí là khu vực, đều biết rành rành rằng CLB đang nợ cả bao tải tiền.
Có những trường hợp, cứ lại càng lớn, lại thấy chẳng bằng đám con nít. Càng lớn càng vậy!