Câu chuyện bóng đá: Tình yêu không có lỗi
Những ngày gần đây, đang um sùm vụ XMXT.SG hết bị trừ điểm vì tội “đá láo” lại đòi bỏ giải vì thấy bị đối xử không đẹp. V.League đã loạn lại càng “loạn xí ngầu”. Chỉ khổ cho người hâm mộ, nhất là những người chỉ vừa mới vơi cơn giận để ngó mắt xem bóng đá nước nhà xem dạo này có khá được chút nào không.
1. Câu chuyện tình yêu là thứ mà loài người ngày nào còn tồn tại sẽ vẫn còn được nhắc đến. Trong bóng đá cũng thế. Từ khi được sinh ra bởi người Anh, và được truyền bá khắp toàn cầu nhờ sự khám phá và cả xâm chiếm các châu lục của người phương Tây, bóng đá đã trở thành thứ ngôn ngữ chung “không cần hỏi”. Ở đâu cũng vậy, bất chấp giới tính, tôn giáo, giai cấp, màu da... bóng đá - hầu như không phải bàn cãi - chễm chệ ngôi số 1 trong lòng người dân. Ngay khi giữa chiến trường khét lẹt khói súng, chả ai ngưng bắn để chơi boxing hay bóng bầu dục cả. Nhưng bóng đá thì có.
Nhắc đến bóng bầu dục mới nhớ đến những nơi từng có tiếng là anti bóng đá. Ngay cả nước Mỹ, thánh địa vững chắc nhất của những môn thể thao ngoài-bóng-đá, cũng đang bị món túc cầu giáo gặm nhấm dần đến lớp móng cuối cùng. Theo thống kê mới nhất, bóng đá giờ chỉ kém mỗi môn “quốc hồn quốc túy” của xứ cờ hoa là bóng bầu dục về độ hút trên TV. Còn các môn như bóng rổ, bóng chày...xưa nay vẫn cười khẩy cái món 22 thằng tranh một quả banh giờ phải cam phận lép vế. Nói thế để biết ma lực của trái bóng nó dã man thế nào.
2. Xứ Việt Nam mình cũng mê bóng đá lắm. Nhớ lại cái sắc đỏ trên đường phố thuở những tấm huy chương đầu tiên ĐTVN đem về sau khi tái hội nhập với thể thao khu vực là rõ. Hay gần nhất, khi những chàng trai áo đỏ lần đầu đưa 2 chữ Việt Nam lên ngôi vương khu vực, hàng triệu con tim nóng rực đã lập tức gác hết mọi thứ lao ra đường ăn mừng, bất kể khói xăng, kẹt xe hay nóng vã người vì khói bụi. Người ta ăn mừng cả đêm, cuồng dại đầy nhiệt huyết và rất vô tư như tình yêu thuở học trò.
NHM cũng chịu thiệt
Nhưng cũng chính trái bóng cũng làm bà con mình nhiều phen rất buồn. Những scandal bán độ, châm chích nhau, đi đêm, mafia trọng tài... khiến tự rất lâu rồi không còn nhiều người tin vào sự trung thực, công tâm về nền bóng đá nước nhà nữa. Không lên sân coi còn đỡ, chứ giờ hễ thấy trận nào đá kỳ kỳ, thua lạ lạ là nghi ngờ liền. “Không có lửa làm sao có khói” chứ, nhất là khi chẳng mấy CLB Việt Nam đá cho được 2 chữ ổn định.
3. Sắp tới, trong số khoảng vài ngàn khán giả lên sân xem V.League, hoặc thậm chí còn bèo hơn ở hạng Nhất, mỗi tuần chắc sẽ có nhiều người “nghỉ chơi”. Chứ sao nữa, nhìn vào kỳ án XTSG sao mà thấy oải quá. Mà ở VN lúc này, gì chứ cái chán nản là thứ dễ lây lan nhất.
Lại là XTSG, và lại nhiều lần nữa là những cái tên tầm quốc gia như VFF, VPF.
Cái tên XTSG thì mang tiếng nhiều rồi. Xưa, khi đội bóng này “di cư” vào Nam, nhiều CĐV đã ngờ ngợ. Nhưng rồi một loạt “em hứa, em thề, em bảo đảm” kèm theo các khoản tiền khổng lồ bỏ ra để tạo lập đội bóng đắt giá nhất lịch sử V.League đã khiến sân Thống Nhất dần có lại sinh khí. Nhưng rồi cũng vắng dần, khi tần suất những trận đấu “ngờ ngợ” ngày càng nhiều mà nói theo kiểu tuổi teen bây giờ là “vội vã lộ hàng, vội vã quăng bom”. Để rồi nhìn sân Thống Nhất bây giờ, ngoại trừ nhóm ruột ăn lương, cùng các phi đội có dính tí “đỏ đen”, đa phần trong rất nhiều trận đấu, lực lượng CĐV chủ yếu trên các khán đài là của... đội khách.
Mà chắc không chỉ tại XTSG đâu. Còn rất nhiều người nữa, trên khắp vùng miền Việt Nam đã chán càng thêm nản về bóng đá nước nhà bởi cách làm việc hổng đâu ra đâu của mấy lãnh đạo VFF, VPF. Xem họ quản lý, chẳng thấy nét nào sự ổn định, quy tắc. Khi thì ơ hờ như lão bảo vệ già ngủ gật mặc đám học trò cúp tiết, lúc lại hùng hổ hăng tiết cứ như đám học sinh cấp ba vẫn đánh nhau, lột áo ngoài đường.
XTSG thực ra không phải là đứa con dị biến đầu tiên, và chắc chắn sẽ không là cuối cùng với cái cách dung dưỡng tình yêu bóng đá, cách bảo vệ niềm vui của những nhà quản lý bóng đá vốn được hàng chục triệu người hâm mộ trên cả nước tin tưởng giao phó.
Thôi thì, như lời bài hát “Tình Yêu Không Có Lỗi” của Đàm Vĩnh Hưng mà anh em cầu thủ Khánh Hòa vẫn hay nghêu ngao mỗi khi “buồn” sếp, thì “trong cuộc tình này, anh nhận hết chua cay” vậy! Ai bảo lỡ yêu mà chi, vậy thì cứ hồi hộp chờ đi, mong một ngày mọi thứ sẽ thực sự tử tế từ cái nơi cần tử tế bậc nhất thôi.